Rào cản từ các cổ phiếu lớn

Áp lực đối với nhóm cổ phiếu (CP) blue chip đang làm VN Index giảm điểm. Mức giảm không nhiều, nhưng khi vai trò của các mã lớn không phát huy được thì cơ hội là thấp. Nguy cơ lớn hơn vào lúc này là cả hai quỹ ETF chuẩn bị tái cơ cấu mạnh trong vài phiên tới. Tuy nhiên, theo dự báo, các quỹ này sẽ mua vào nhiều hơn bán ra và đó có thể là lực hỗ trợ quý báu đối với thị trường (TT) lúc này.

Nguyên nhân khiến thị trường tiếp tục giảm là do các blue chip đã không thể duy trì được sự phân hóa giống các phiên trước. Ảnh: NG.NAM
Nguyên nhân khiến thị trường tiếp tục giảm là do các blue chip đã không thể duy trì được sự phân hóa giống các phiên trước. Ảnh: NG.NAM

TT đã giao dịch không kém trong phiên đầu tuần, ngày 16-12, khá nhiều CP tăng giá mạnh, nhất là các mã đầu cơ. Thế nhưng VN Index tiếp tục có thêm một phiên giảm nữa do một số CP vốn hóa lớn chưa thoát khỏi sức ép bán ra mạnh mẽ. Trong cả phiên, VN Index dưới tham chiếu, nhưng những phút cuối bất ngờ xuất hiện một nhịp cố gắng phục hồi khá ấn tượng. Trước khi bước vào đợt đóng cửa, chỉ số đã thu hẹp được mức giảm xuống còn khoảng 2 điểm so tham chiếu. Cơ hội là không hề nhỏ nếu như các CP vốn hóa lớn tiếp tục được đẩy lên cao hơn trong đợt giao dịch cuối cùng. Đáng tiếc, có nhiều mã lớn đã không giữ giá được trước áp lực bán mạnh đột ngột. VN Index lại sụt giảm mạnh trở lại, để mất 4,7 điểm dù sức nặng chỉ dồn vào một số CP.

Bất ngờ nhất là hai mã vốn hóa thuộc nhóm đầu TT: VHM giảm 3,37% và VCB giảm 2,71%. Đây đều là mức giảm rất mạnh. Hai CP này không có thông tin bất lợi nào để giảm sốc như vậy. Thậm chí, ở thời điểm kéo VN Index quay lại gần tham chiếu, VHM chỉ còn giảm 1,2%, VCB giảm khoảng 1,1%. Chỉ khi đóng cửa hai mã này mới quay lại giảm mạnh, kéo theo sự thất bại ở VN Index trong nỗ lực nối dài hơn nhịp phục hồi cuối cùng.

Chỉ số của nhóm blue chip VN30 Index đóng cửa giảm 0,44% dù số mã tăng giá và giảm giá gần bằng nhau. Yếu tố này phản ánh rõ nét về sự chênh lệch vốn hóa của các CP giảm giá so số tăng giá. Sự co kéo của chỉ số dường như ít ảnh hưởng đến các nhóm CP khác, thậm chí ngay trong nhóm blue chip cũng có phân hóa rõ ràng. Rất có thể là sự chán nản đối với blue chip đã được chuyển hóa thành hoạt động đầu cơ các CP nhỏ.

Áp lực đối với nhóm blue chip đang là rào cản chính khiến VN Index không những không tăng được mà còn giảm đi. Mức giảm không nhiều, nhưng khi vai trò của các mã lớn không phát huy được thì cơ hội là thấp. Hiện tại, TT có nguy cơ chịu thêm áp lực bán từ quỹ ETF nước ngoài tái cơ cấu. Dù hai quỹ này thường giao dịch nhiều vào ngày thứ sáu, nhưng vẫn có thể bán rải rác trong phiên.

Sang phiên giao dịch ngày 17-12, đã không có sự bất ngờ tích cực nào diễn ra, trọn phiên VN Index lao dốc và càng về cuối càng mạnh. Điều khá kỳ lạ là trong đợt tái cơ cấu ETF nhưng chính nhà đầu tư (NĐT) trong nước mới là đối tượng bán tháo nhiều nhất.

Các CP blue chip đã không thể duy trì được sự phân hóa giống các phiên trước và đó là nguyên nhân khiến TT tiếp tục giảm. VN Index đóng cửa để mất 7,44 điểm, tương đương 0,77% và chỉ còn 954,03 điểm. Khoảng cách đến đáy gần nhất hồi đầu tháng chỉ còn 4 điểm nữa. Cả nhóm 30 CP blue chip hàng đầu TT phiên này chỉ có duy nhất MWG tăng 0,09% và EIB tăng 0,59%. Sáu CP khác tham chiếu, trong đó có VIC và SAB, còn lại toàn giảm. Với sức mạnh áp đảo của phía giảm, không có gì bất ngờ khi VN Index lại rơi mạnh nhất 11 phiên.

Điều bất ngờ là NĐT nước ngoài không tạo ra nhiều sức ép trong phiên giảm mạnh này. Cả sàn HoSE chỉ bị bán ròng khoảng 30 tỷ đồng mà thôi. Trong số các CP giảm nhiều nhất, chỉ có HPG là bị xả khá lớn với khoảng 1,65 triệu CP ròng. VCB và VRE chỉ bị bán ròng hơn trăm nghìn CP, không nhiều. Ngược lại, như VNM, khối NĐT nước ngoài phiên này mua bán cân bằng và hơi nghiêng về phía mua ròng. VHM mua bán không chênh lệch. TCB cũng vậy. BID còn được mua ròng gần 200.000 CP.

Việc khối NĐT nước ngoài mua bán cân bằng cho thấy sức ép chủ đạo là từ NĐT trong nước. Khối này tăng cường bán ra khó có thể nói là chốt lời, vì khả năng có lãi là rất thấp trong hai tuần gần đây. TT lẫn CP vẫn chỉ dao động loanh quanh chứ tăng được mấy. Nhu cầu bán ra tăng có lẽ xuất phát từ mục đích chờ mua lại khi các quỹ ETF tái cơ cấu, hoặc bi quan hơn cho rằng TT sẽ để mất ngưỡng hỗ trợ 950 điểm.

Phiên này, TT giảm toàn diện và không có nhóm ngành nào chống cự lại được. Nhóm CP ngân hàng giảm đồng loạt và có tới 5 mã giảm trên 1%. Dầu khí, bất động sản cũng rất yếu. Riêng với nhóm đầu cơ, bắt đầu có hiện tượng xả ở một số CP, dù mới chỉ tạo ra ảnh hưởng bớt tăng. Nhiều mã đầu cơ bắt đầu hạ nhiệt do bị chốt lời lớn.

Mức đóng cửa của chỉ số phiên này chỉ còn cách đáy gần nhất khoảng 4 điểm, một mức đệm rất mong manh, chỉ cần nhóm vốn hóa lớn giảm thêm chút nữa cũng đủ tạo ra một sự kiện thủng đáy. Hiện tại, VN Index cũng chuẩn bị lần thứ 3 thử thách ngưỡng 950 điểm và đã kéo dài trong 11 phiên. Nguy cơ lớn hơn vào lúc này là cả hai quỹ ETF chuẩn bị tái cơ cấu mạnh trong vài phiên tới.

Theo dự báo, các quỹ này sẽ mua vào nhiều hơn bán ra và đó có thể là lực hỗ trợ quý lúc này. TT không có sức mạnh đủ của phía mua và nhất là một số CP lớn điều chỉnh quá mạnh. VN Index lúc này hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi các CP lớn vẫn đang giảm mạnh và chưa tạo đáy xong. Nếu mốc 950 điểm bị xuyên thủng thì rất có thể là do ảnh hưởng của các CP lớn.