Rào cản tâm lý

Việc VN Index tiến gần đến mốc 1.000 điểm đã làm xuất hiện tâm lý e ngại nhất định, nhưng thực tế điều này mới chỉ phản ánh ở nhóm blue chip. Các cổ phiếu (CP) lớn có biến động gần giống với chỉ số và dư địa tăng cũng không nhiều. Minh chứng là trong phiên giao dịch ngày 24-11, dù thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới tăng mạnh sau tin có thêm loại vaccine mới có thể ngừa Covid-19 hiệu quả, TTCK trong nước lại vướng rào cản tâm lý khi có rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) canh bán ra.

Nhiều nhà đầu tư đang chờ cơ hội bán ra. Ảnh: NAM HẢI
Nhiều nhà đầu tư đang chờ cơ hội bán ra. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, khá nhiều CP vốn hóa lớn đã quay đầu giảm giá trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 23-11), nhưng điều đó chỉ đủ để làm VN Index giảm tốc. Ngưỡng 1.000 điểm vẫn đang ngay sát tầm một phiên tăng nữa. Nhóm blue chip VN30 phiên này chỉ có 17 mã tăng và 10 mã giảm lúc đóng cửa, cũng không phải là sự áp đảo quá mức. Tuy nhiên, hiện tượng phân hóa này không làm giảm nhiệt của những CP giao dịch mạnh mẽ, mà hầu như chỉ có tác dụng hạ nhiệt chỉ số.

VN Index tăng khá yếu 4,19 điểm lên 994,19 điểm do ảnh hưởng khá rõ từ nhóm CP ngân hàng (NH). VCB quay đầu giảm 0,97%; BID giảm 0,24%; CTG giảm 0,9%; HDB giảm 0,19%... Ngoài ra, VNM giảm 0,27%, SAB giảm 0,78% đã góp phần giảm đà tăng của chỉ số này. 

Các CP có thể tăng hầu hết đã tăng rất mạnh. HPG là mã giao dịch ấn tượng nhất với mức tăng giá 5,04% và đặc biệt là thanh khoản lên tới 23,6 triệu CP, tương đương 866 tỷ đồng. Đây chưa phải là thanh khoản kỷ lục của HPG nhưng suốt nhiều tháng nay HPG đều giao dịch rất lớn, thể hiện sự tập trung của các dòng tiền lớn vào mã này. HPG đã vượt đỉnh cao lịch sử từ giữa tháng 10 và hiện đang không có đỉnh. HPG nhận được dòng tiền quá lớn và rất ổn định, trong khi các mã khác chỉ mang tính đầu cơ thông thường…

Tính chung cả sàn HoSE phiên này cứ một CP giảm có 1,34 CP tăng giá. Như vậy, có thể thấy VN Index không hẳn là ngập ngừng khi tiến đến ngưỡng 1.000 điểm mà chủ yếu là do sự phân hóa trong nhóm CP có ảnh hưởng nhất. Việc VN Index tiến gần đến mốc 1.000 điểm đã làm xuất hiện tâm lý e ngại nhất định, nhưng thực tế điều này mới chỉ phản ánh ở nhóm blue chip. Các CP lớn có biến động gần giống với chỉ số và dư địa tăng cũng không nhiều. 

CP đầu cơ thì khác, nhà đầu cơ dễ dàng tạo sóng và trừ khi VN Index giảm quá nhiều, còn không các mã đầu cơ ít bị ảnh hưởng từ biến động thị trường. Phiên này, VN Index tiến sát tới mốc 1.000 điểm và các CP đầu cơ thậm chí còn mạnh hơn rất nhiều so blue chip. Khoảng 20 mã tăng hết biên độ trên sàn HoSE phiên này đều là các mã đầu cơ.

Sang phiên giao dịch ngày 24-11, những tưởng với đà tăng mạnh của TTCK thế giới sau tin có thêm loại vaccine mới hiệu quả, TTCK trong nước sẽ tăng mạng và chỉ số VN Index có thể vượt ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, lại có rất nhiều NĐT canh bán ra làm TT vướng rào cản.

CP tâm điểm của TT phiên này vẫn là HPG, khi mã này đại diện cho cả thanh khoản lẫn mức tăng giá. HPG tăng gần 2,9 lần trong suốt quãng thời gian từ cuối tháng 3 đến nay. HPG cũng là CP duy trì mức giao dịch hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày liên tục trong thời gian nhiều tháng. Khi giá đã ở đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử, nghĩa là tất cả các NĐT dài hạn đều đã có lời lớn, lực bán mạnh đã xuất hiện. HPG giao dịch tới 48,94 triệu CP tương đương 1.832 tỷ đồng giá trị. Đây là mức kỷ lục của HPG cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch trong một ngày. NĐT nước ngoài cũng giao dịch cực lớn ở HPG khi mua vào 9,57 triệu CP và bán ra 6,26 triệu CP.

Thanh khoản của HPG phần nào đóng góp vào mức thanh khoản kỷ lục chung của TT, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn cũng đạt mức 12.078 tỷ đồng, ngoài ra thêm 1.580 tỷ đồng thỏa thuận nữa. Riêng sàn HoSE khớp lệnh 10.940 tỷ đồng và tổng giá trị là 12.374 tỷ đồng.

Mặc dù thanh khoản thuộc hàng kỷ lục nhưng CP lại giảm giá khá nhiều. Sàn HoSE cứ một mã giảm chỉ có 0,65 mã tăng. VN Index kết thúc phiên tăng 1,57 điểm chủ yếu nhờ VHM tăng giá 3,97% so tham chiếu. Có thể nói, phiên này là một ngày “xanh vỏ đỏ lòng” trên sàn này. Chỉ với vài phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, VN Index vẫn còn giảm dưới tham chiếu.

TT tỏ ra gặp nhiều khó khăn khi chỉ số VN Index tiến gần tới mốc 1.000 điểm. Thật ra chỉ số chỉ là vấn đề tâm lý, còn NĐT quan tâm nhiều hơn đến cơ hội chốt lời ở CP. Chẳng hạn như HPG thì không liên quan gì đến việc VN Index có vượt mốc 1.000 điểm hay không vì giá đã tăng quá nhiều.

Rất nhiều CP đã có mức tăng giá tốt kể từ tháng 10 và nhiều mã cũng đang gặp ngưỡng kháng cự của riêng mình. Vì vậy, NĐT sẽ quan tâm nhiều hơn tới cơ hội CP cụ thể sẽ tăng tiếp được bao nhiêu, còn VN Index chỉ là biểu hiện của khả năng tăng giá đó. Nếu như phiên này VIC, VCB tăng giá nhiều hơn chút nữa thì VN Index sẽ không gặp khó khăn gì để vượt ngưỡng 1.000 điểm. Thực tế, câu chuyện VN Index vượt 1.000 điểm vẫn chỉ là việc của một nhóm CP vốn hóa lớn có được kéo lên tiếp hay không. Với số lượng CP giảm giá áp đảo trong phiên này, việc VN Index tăng điểm đã không có nhiều tác dụng. Mặt khác, thanh khoản quá lớn ở rất nhiều CP thể hiện nhu cầu chốt lời hiện diện khắp nơi. Khi TT xuất hiện áp lực lớn, NĐT đã đồng loạt bán ra ở nhiều CP, dẫn đến giá giảm. Khi cầu bắt đáy xuất hiện, khả năng phục hồi của các CP lại khác nhau nên khó đẩy giá cùng  tăng.