Phục hồi trong xu thế giảm ngắn hạn

Thị trường chứng khoán (TTCK) phiên cuối tuần qua (ngày 7-2) đã chững đà tăng. Thực tế cho thấy, chừng nào chưa có các thông tin tốt hơn về khả năng khống chế dịch bệnh sớm thì TT sẽ còn khó phục hồi. Đây là lần đầu TTCK phải đối diện với các tác động vĩ mô do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đóng cửa phiên cuối tuần qua, chỉ số VN index vẫn tăng 2,21 điểm, tương đương 0,24% ở đúng phút đóng cửa. Ảnh: NAM HẢI
Đóng cửa phiên cuối tuần qua, chỉ số VN index vẫn tăng 2,21 điểm, tương đương 0,24% ở đúng phút đóng cửa. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, ngày 6-2 là phiên T+3 của lượng hàng bắt đáy về tài khoản, nhưng có vẻ như nhà đầu tư (NĐT) đã không còn e ngại. Áp lực chốt lời không hề nhẹ, nhưng sức mua rất tốt đã dẫn tới một phiên tăng điểm mạnh. VN index kết thúc phiên với mức tăng 12,63 điểm, tương đương 1,36%. Thế nhưng, VN30 index đại diện nhóm blue chip tăng tới 2,08%. Điều này thể hiện sức mạnh vượt trội của nhóm cổ phiếu (CP) lớn. Các mã CP ngân hàng (NH) vẫn duy trì mức tăng khá tốt trước áp lực bán ra chưa dừng.

Trong phiên, STB bất ngờ tăng hết biên độ với mức thanh khoản đạt kỷ lục 15 tháng. Ngược lại, các CP đầu ngành NH tăng chậm hơn. Nhóm Vin, VRE tăng hết biên độ 6,91%, VHM cũng tăng 0,93% nhưng VIC lại giảm 0,09%. Đặc biệt, SAB giảm 2,06% trở thành blue chip yếu nhất phiên này. Nhóm VN30 phiên này có 16 CP tăng hơn 2%, là động lực chính giúp chỉ số của nhóm mạnh hơn VN index. Tuy vậy, cũng không phải phần còn lại của TT yếu. Phiên này là một phiên giao dịch khá tưng bừng.

Thông thường, ở các phiên T+3 của khối lượng bắt đáy lớn về tài khoản, TT sẽ giao dịch thận trọng. Phiên này lại không như vậy, giao dịch tốt ngay từ sớm và càng về cuối phiên càng mạnh. Và không phải NĐT không chốt lời phiên này, giá trị giao dịch vọt lên tới hơn 4.100 tỷ đồng chỉ riêng khớp lệnh là bằng chứng của áp lực bán.

NĐT có lãi vẫn chốt mạnh tay, nhưng do lực mua đủ nhiều nên giá vẫn không giảm mà còn tăng mạnh hơn. Đó là dấu hiệu của sự tự tin quay lại. Nếu NĐT vẫn lo TT giảm tiếp thì đã không mua vào mạnh mẽ như vậy mà sẽ chờ khi giá điều chỉnh rẻ hơn.

Điểm ngược dòng khó chịu trên TT là khối NĐT nước ngoài vẫn bán ra miệt mài. Không rõ khối này đang cơ cấu danh mục hay đánh giá rủi ro cao mà xả ròng mấy ngày nay rất nhiều. Phiên này, sàn HoSE lại bị bán ròng 170 tỷ đồng, riêng VN30 khoảng 130 tỷ đồng.

Tâm lý NĐT đang có dấu hiệu thay đổi rất nhanh. Vài ngày trước họ còn lo lắng trước bất kỳ thông tin nào liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), thì nay ảnh hưởng của những tin tức này đã không còn nhiều. Dòng tiền đang được bơm vào TT quy mô lớn và đã thành công.

Sang phiên cuối tuần qua, TT bất ngờ giảm tốc đáng kể mặc dù mới phiên kề trước còn bùng nổ bất chấp áp lực bán T+3. Những dự báo mới về tác động của dịch nCoV lên tăng trưởng kinh tế đã phủ bóng đen lên kỳ vọng trong quý I-2020.

Theo báo cáo đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của dịch nCoV đối với kinh tế - xã hội năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp tốt là dịch nCoV được kiềm chế kịp thời trong quý I-2020 (kịch bản thứ nhất), GDP cả năm dự kiến tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so Nghị quyết 01. Trong đó, dự kiến quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%. Kịch bản thứ hai, nếu dịch chỉ được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09%, thấp hơn 0,71% so Nghị quyết 01. Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Trước đó, đã có khá nhiều báo cáo phân tích của các tổ chức đầu tư trong lẫn ngoài nước đánh giá về tác động của dịch nCoV tới nền kinh tế khu vực, toàn cầu cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, đây là báo cáo đầu tiên do cơ quan quản lý trong nước thực hiện. Những ảnh hưởng của việc giảm giao thương, xuất khẩu chậm lại, giảm dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch, giảm sản xuất... có thể đã được đánh giá chi tiết hơn so các báo cáo của các tổ chức trung gian.

TTCK ngay sau khi dịch bệnh bùng phát cũng đã điều chỉnh mạnh để chiết khấu rủi ro giảm tăng trưởng. VN index giảm gần 6,4% chỉ trong ba phiên đầu tiên của năm Canh Tý, sau đó phục hồi trở lại khoảng 1,36%. Tuy nhiên, các phản ứng sớm như vậy thường mang tính cảm tính nhiều hơn là dựa trên những phân tích định lượng, các kịch bản với con số cụ thể.

Đóng cửa phiên cuối tuần qua, chỉ số VN index vẫn tăng 2,21 điểm, tương đương 0,24% ở đúng phút đóng cửa. Trước đó, TT trồi sụt nhiều trong phiên và nhiều thời điểm giảm. May mắn là vẫn còn các CP vốn hóa lớn giao dịch tốt để giữ nhịp cho chỉ số. Chỉ số VN30 index mãi đến lúc đóng cửa phiên mới tăng vượt qua tham chiếu 0,63 điểm, tương đương 0,07%. Số CP giảm giá nhỉnh hơn số tăng cho thấy các blue chip kém đồng thuận mà chủ yếu là phân hóa. Nếu không có sự trì kéo kịp thời của VNM và SAB thì có lẽ nhóm CPNH đã đẩy TT vào một phiên giảm.

Mặc dù đà tăng đã không còn nhưng phiên này vẫn là phiên tăng đem lại mức phục hồi gần 15 điểm trong hai ngày qua. Đây là mức phục hồi không phải là mạnh vì TT vừa trải qua 5 phiên giao dịch có mức giảm tổng cộng gần 66 điểm tính theo giá đóng cửa. Thế nên, dù TT đang tăng trở lại thì vẫn chỉ là phục hồi trong một xu thế giảm ngắn hạn.