Phụ thuộc vào cổ phiếu ngân hàng

Thị trường (TT) đang phụ thuộc rất lớn vào các cổ phiếu ngân hàng (CPNH) do kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế. Với ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 (nCoV), TT kỳ vọng các chính sách kích thích tăng trưởng sẽ được thực thi và nhóm này sẽ hưởng lợi. Đơn cử ngày 11-2, trong khi CPNH tăng tốt, phần lớn các blue chip khác đều chỉ phục hồi hạn chế. Thực tế, VN Index tăng 3,94 điểm thì gần như toàn bộ thuộc về các CPNH.

Nhóm ngân hàng hầu hết đã tăng giá khá mạnh kể từ sau Tết, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa tìm được các cổ phiếu thay thế.
Nhóm ngân hàng hầu hết đã tăng giá khá mạnh kể từ sau Tết, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa tìm được các cổ phiếu thay thế.

Trước đó, dù không có thông tin bất lợi nào mới trong phiên đầu tuần, ngày 10-2, nhưng nhà đầu tư (NĐT) đã quay lại trạng thái thận trọng cao độ. Những khoản lợi nhuận ngắn ngủi mấy phiên trước tích cực được thu về, trong khi đã không còn sức mua ồ ạt nâng đỡ. VN Index đóng cửa phiên đầu tuần sụt giảm 10,02 điểm, tương đương 1,07% và rơi xuống mốc 930,73 điểm. VN30 Index giảm 1,23%, xác nhận việc các blue chip đã kiệt lực nâng đỡ.

Có tới 22 CP trong nhóm VN30 giảm giá và 17 mã giảm mạnh hơn chỉ số. Dẫn đầu là nhóm CPNH tiếp tục bị bán mạnh, tạo gánh nặng cực lớn cho VN Index. Khả năng đi ngược TT đã thu hút một lượng tiền lớn đổ vào nhóm CPNH trong vài tuần qua và tiêu biểu là CTG, VPB. Hiệu ứng ngược đã xảy ra phiên này khi NĐT bán ra mạnh tay trong khi giá lên liên tục đã không còn khuyến khích NĐT giải ngân mới.

Nhìn tổng thể TT thì nhóm yếu nhất lại chính là các blue chip, nhóm dẫn dắt TT thoát đáy trong tuần trước. Phiên này nhóm này bị chốt lời dữ dội hơn. CPNH có ba mã thanh khoản lớn nhất TT là CTG, MBB và VPB thì cả ba CP này đều giảm hơn 1%. Ngược lại, mức độ phân hóa xuất hiện tại các mã đầu cơ nhưng chủ yếu là do kéo giá riêng lẻ.

Trong hai ngày nghỉ cuối tuần qua, TT không hứng chịu thêm cú sốc thông tin nào đặc biệt, vẫn chỉ là những thông tin liên quan đến dịch Covid-19 chi phối. Tuy nhiên, TT đã yếu đi rất nhanh ngay ngày đầu tuần này cho thấy tâm lý của NĐT đã thay đổi sau hai ngày “bình tĩnh” lại. Dấu hiệu rõ nhất là chiến lược đứng ngoài TT đã thể hiện phiên này. Thanh khoản đột ngột giảm xuống mức rất thấp. Tổng giá trị bao gồm cả thỏa thuận hai sàn chỉ đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Tuần trước trung bình mỗi ngày tổng giá trị lên tới 4.740 tỷ đồng, nghĩa là phiên này giảm khoảng 32%. Mức giảm hơn 30% của thanh khoản là rất đột ngột vì không có lý gì TT đang giao dịch lớn đột nhiên lại chùng xuống như vậy. Lý do duy nhất là NĐT đã không còn hào hứng đổ tiền vào TT như trước.

Yếu tố giảm điểm của chỉ số không phải là điều quan trọng nhất, mà là liệu NĐT có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để giữ và mua CP hay không. Nhìn lại những phiên giảm cực mạnh sau Tết, điểm số bốc hơi choáng váng nhưng dòng tiền vẫn đổ vào mua và kết thúc bằng một nhịp phục hồi đảo chiều. TT hiện tại hẳn phải tích cực hơn các đây hơn một tuần, nhưng dòng tiền lại thấp đi đáng kinh ngạc.

Sang phiên giao dịch ngày 11-2, VN Index đã phục hồi nhẹ gần 4 điểm phiên nhờ nhóm CPNH vẫn thu hút được dòng tiền khi TT trông đợi các giải pháp kích thích. Đặc biệt, BID phục hồi dẫn dắt chỉ số sau bốn phiên giảm liên tục. Trước đó, TT cũng đã có phiên phục hồi nhẹ sau khi giảm hơn 1,1% trong phiên 10-2 và tâm điểm vẫn là các CPNH. Các biện pháp kích thích tăng trưởng được trông đợi sẽ là lực kéo đối với nhóm CP này. BID tỏa sáng với mức tăng 3,46%.

Nhóm CPNH nói chung tuy đều tăng phiên này, nhưng không CP nào tạo được đỉnh mới. Dù vậy, năm trên mười CP thanh khoản nhất TT phiên này là các mã CPNH. Thêm nữa, bốn trên năm CP kéo VN Index nhiều nhất trong phiên cũng đều thuộc nhóm CPNH. Điều đó cho thấy dòng tiền vẫn chưa rời bỏ nhóm này.

Dòng tiền vẫn tập trung rất lớn vào nhóm CP trụ cột là CPNH đã phần nào bộc lộ điểm yếu của TT. Nhóm này hầu hết đã tăng giá khá mạnh kể từ sau Tết, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa tìm được các CP thay thế. Việc dòng tiền chỉ loanh quanh ở một nhóm CP tuy tạo cơ hội cho các giao dịch muộn có cơ hội chốt lời, nhưng ảnh hưởng chung tới TT là không nhỏ. Sự lan tỏa của dòng tiền là một trong các yếu tố quan trọng bảo đảm đà tăng trưởng bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất vẫn không hấp dẫn được NĐT.

TT phục hồi nhẹ phiên này không giúp xu hướng tích cực hơn vì chủ yếu dựa vào một nhóm CP cá biệt. Nếu như nhóm CP dẫn dắt là CPNH không thể nối dài hơn đà tăng, nguy cơ điều chỉnh vẫn còn. Thực tế các mã CPNH đã tạo đỉnh từ tuần trước và phiên phục hồi phiên này vẫn chưa giúp CP nào tạo được đỉnh cao mới. Do dòng tiền đổ vào các mã CPNH thời gian qua rất lớn, quá trình phân phối cũng sẽ cần thời gian dài hơn. Trong vòng quay giao dịch ngắn hạn gần nhất, chưa có CPNH nào giúp NĐT có lợi nhuận. Việc giữ giá không có nghĩa rằng các mã CPNH còn dư địa tăng cao hơn trong ngắn hạn.

Điều bất lợi chính là liệu có nhóm CP nào có khả năng thay thế CPNH, những mã đã tăng khá mạnh gần đây?

Ngay cả với chỉ số, các mã CPNH tạo điểm số chính nhưng mức phục hồi chưa tới bốn điểm là yếu so mức giảm hơn 10 điểm ngày đầu tuần. Lực đầu cơ đối với các CP lớn đã không thể duy trì tốt hơn, thậm chí đang khiến thanh khoản giảm dần. Phiên này giá trị khớp lệnh hai sàn tăng khoảng 20% so ngày đầu tuần, đạt 2.995 tỷ đồng nhưng chủ yếu vẫn đến từ các mã CPNH và thấp hơn bình quân tuần trước 23%. Sau một nhịp tăng nhanh trong ngắn hạn, TT có thể điều chỉnh để kiểm tra đáy cũ. Dư địa điều chỉnh kỹ thuật vẫn còn khá lớn, nhất là khi mạch thông tin hỗ trợ chưa có gì thay đổi.