Phát triển nhanh, bền vững thị trường trái phiếu

Năm 2019 ghi dấu nhiều thành công lớn của nền kinh tế Việt Nam. Đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế, thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, đồng bộ, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn có hiệu quả của Chính phủ, doanh nghiệp (DN)...

Thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn có hiệu quả của Chính phủ, doanh nghiệp. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn có hiệu quả của Chính phủ, doanh nghiệp. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Theo Bộ Tài chính, quy mô của TTTP đến hết năm 2019 đạt 40,14% GDP, gấp gần 5 lần so năm 2011; khối lượng vốn huy động qua phát hành TP đạt giá trị khoảng 581.089 tỷ đồng, tương đương 9,62% GDP, tăng 25,7% so năm 2018 và gấp 4,6 lần so năm 2011; thanh khoản trên TT thứ cấp ngày càng được cải thiện; sản phẩm hàng hóa và cơ sở nhà đầu tư (NĐT) ngày càng đa dạng. Cụ thể, đối với TT trái phiếu Chính phủ (TPCP), năm 2019, tổng mức vay để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc của ngân sách (NS) T.Ư được Quốc hội phê duyệt là 391.471 tỷ đồng, trong đó khối lượng đấu thầu phát hành TPCP để huy động vốn cho NS là 242 nghìn tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2019, tổng khối lượng TPCP phát hành là 239.769 tỷ đồng, tăng 41,2% so năm 2018, trong đó phát hành theo phương thức đấu thầu là 197.769 tỷ đồng, phát hành theo hình thức riêng lẻ là 42 nghìn tỷ đồng.

Về quy mô TT TPCP, đến cuối năm 2019, quy mô TTTP CP đạt 26,54% GDP, tăng 6,1% về giá trị tuyệt đối so năm 2018. Về NĐT, trong năm 2019, Bộ Tài chính đã tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các tổ chức tài chính phi ngân hàng như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, DN bảo hiểm. Tính đến cuối năm 2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang nắm giữ khoảng 43,8% dư nợ TPCP, giảm 3,93% so cuối năm 2018, các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ khoảng 56,13% dư nợ TPCP. Theo đó, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các TCTD tiếp tục giảm, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức tài chính phi ngân hàng tăng.

Đối với TTTP được CP bảo lãnh, trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn mức bảo lãnh phát hành TP của hai ngân hàng thực thi chính sách là 17.499 tỷ đồng; trong đó, BIDV là 13.797 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội (VPSB) là 3.702 tỷ đồng. Theo đó, năm 2019, BIDV huy động được 13.797 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch phát hành năm 2019. VPSB huy động được 3.702 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch phát hành năm 2019. Quy mô TTTP được CP bảo lãnh đến cuối năm 2019 đạt 146.855 tỷ đồng, tương đương 2,43% GDP thực hiện năm 2019.

Nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và hệ thống cho các NĐT về tình hình hoạt động của TTTP năm 2019, Bộ Tài chính đã xây dựng “Báo cáo thường niên TTTP Việt Nam năm 2019”. Ngày 9-11 vừa qua, tại HoSE, Bộ Tài chính đã tổ chức công bố báo cáo này.

Theo đó, đối với TTTP chính quyền địa phương, năm 2019, tổng mức bội chi NS địa phương được QH phê duyệt là 12.500 tỷ đồng. Trong năm 2019, có một địa phương là TP Hải Phòng phát hành TP chính quyền địa phương để huy động vốn cho các nhiệm vụ chi của NS địa phương. Khối lượng TP phát hành thành công là 969 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm theo phương thức bảo lãnh phát hành, lãi suất phát hành là 4,3%/năm. Về quy mô, quy mô TTTP chính quyền địa phương đến cuối năm 2019 đạt 19.435 tỷ đồng, tương đương 0,32% GDP thực hiện năm 2019.

Đối với TTTP DN, năm 2019, quy mô của TTTP DN có sự tăng trưởng mạnh so các năm trước, tăng khoảng 31,2% so năm 2018, đạt khoảng 10,85% GDP năm 2019. Trong đó quy mô TTTP DN riêng lẻ là 10,14% GDP, cho thấy các DN đã ngày càng quan tâm đến kênh phát hành TP để huy động vốn bên cạnh kênh vay vốn tín dụng ngân hàng. Về khối lượng phát hành, tổng khối lượng TPDN phát hành năm 2019 đạt 332.852 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ là chủ yếu, đạt 309.352 tỷ đồng chiếm 92,9% khối lượng phát hành; phát hành ra công chúng khoảng 23.500 tỷ đồng chiếm 7,1% khối lượng phát hành; có một DN phát hành ra TTTP quốc tế với khối lượng 300 triệu USD. Về NĐT, tính đến hết năm 2019, NĐT trong nước nắm giữ khoảng 96,4% khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ, NĐT nước ngoài nắm giữ khoảng 3,6% tổng khối lượng phát hành. NĐT chủ yếu trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ là NĐT tổ chức mua 91,6%, NĐT cá nhân mua 8,4% tổng khối lượng TP phát hành.

Phó Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và TCTD, Bộ Tài chính, Nguyễn Hoàng Dương cho biết, Luật Chứng khoán 2019 và Luật DN năm 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn nhằm tạo ra khung khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động phát hành và giao dịch TPDN, để TPDN phát triển an toàn, minh bạch. Theo đó, đối với TPDN phát hành ra công chúng sẽ gắn với xếp hạng tín nhiệm, các trường hợp xếp hạng tín nhiệm và lộ trình áp dụng xếp hạng tín nhiệm theo hướng dẫn của Chính phủ. Đồng thời, quy trình phát hành TPDN ra công chúng cũng được đổi mới tạo điều kiện cho các DN phát hành TP ra công chúng để huy động vốn. Đối với TPDN riêng lẻ, chỉ NĐT chứng khoán chuyên nghiệp được tham gia mua và giao dịch loại TP này. Dự thảo nghị định quy định việc tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ dành cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán để có đầy đủ thông tin từ khâu phát hành đến khâu giao dịch TP, đồng thời nâng cao thanh khoản của TP.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, trong quá trình xây dựng các nghị định này, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến thành viên TT, các DN phát hành, các định chế trung gian cung cấp dịch vụ trên TT chứng khoán và lấy ý kiến rộng rãi công chúng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, cổng thông tin của Bộ Tài chính để tổng hợp hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng chặt chẽ, minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển TTTP nhanh và bền vững.