Phản ứng hồi phục

Sau liên tiếp hai phiên bán tháo, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phản ứng hồi phục, nhưng thanh khoản ở mức thấp và đà tăng của chỉ số chủ yếu được kéo bởi một số mã lớn. Trong phiên giao dịch ngày 28-7, VN Index đã được bao phủ bởi sắc xanh. Dẫu vậy, tâm lý nhà đầu tư (NĐT) còn khá thận trọng và sức mua còn có phần dò xét nên VN Index không tăng quá nhanh và thanh khoản cũng không cao.

Tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng và sức mua còn có phần dò xét. Ảnh: NAM NGUYỄN
Tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng và sức mua còn có phần dò xét. Ảnh: NAM NGUYỄN

Trong phiên đầu tuần, ngày 27-7, diễn biến xấu đi của tình hình dịch bệnh trong nước đã tác động đến TTCK. Tốc độ giảm giá nhanh cũng khiến hành động bán giải chấp xuất hiện, đẩy nhiều cổ phiếu (CP) rơi vào cảnh giảm sàn. Phiên này, TT đã xác lập kỷ lục về số CP giảm sàn với 217 mã, chỉ đứng sau phiên ngày 23-3 vừa qua (267 mã).

VN Index đóng cửa với mức giảm 43,99 điểm, tương đương 5,31% so tham chiếu. Phiên cuối tuần trước chỉ số đã để mất 27,59 điểm. Như vậy chỉ trong hai phiên VN Index đã “bốc hơi” 8,35% và CP thì giảm nhiều hơn. Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là các công ty CK buộc phải xử lý tài sản cầm cố. Có lẽ, phiên này là phiên đầu tiên mà thế hệ các NĐT mới gia nhập TT từ đầu tháng 4 được trải nghiệm cảm giác giảm sàn la liệt. Tháng 3-2020 cũng là tháng “kinh hoàng” của TT nhưng số tài khoản mới chưa nhiều. Lúc TT tăng mạnh, gần 106.000 tài khoản mới được mở, chưa kể mấy tuần đầu tháng 7 này. Bài học margin ở đỉnh của TT luôn khắc nghiệt và phải trải qua cảm giác thực tế mới hiểu hết.

VN30 Index đóng cửa với mức giảm 5,48% và 16 CP giảm sàn, 14 mã còn lại hầu hết giảm hơn 3%. Việc tìm kiếm các mã giảm nhẹ nhất lại đơn giản hơn: NVL chỉ giảm 0,16% là một bất ngờ lớn. Trên cả sàn HoSE có khoảng 33 CP vẫn tăng giá nhưng hầu hết chỉ giao dịch vài nghìn CP trở xuống. GIL tăng kịch trần với thanh khoản khá cao. CSM tăng 2,84%, SHI tăng 0,34%. Đó là các mã đáng kể nhất.

Thực tế mức giảm quá nhanh hai phiên gần nhất đã khiến NĐT mất lãi hoặc tăng lỗ ngay lập tức. Trong cả hai phần ba thời gian tháng 7, TT không biến động nhiều và CP phần lớn đi ngang. Khi dao động tăng theo hướng xấu, lợi nhuận không thể giữ được mà nếu sử dụng làm tài sản cầm cố, CP thậm chí còn gây lỗ lớn. Thanh khoản phiên này khá tốt nhưng vẫn thấp hơn phiên trước gần 12% tính theo giá trị khớp lệnh. Nguyên nhân chính là giá CP giảm quá sâu, cộng với nhiều mã mất thanh khoản vì không có người mua. Tổng giá trị khớp hai sàn phiên này đạt khoảng 6.604 tỷ đồng, tổng giao dịch (cả thỏa thuận) đạt 7.649 tỷ đồng, cũng giảm 7%.

Mức thanh khoản trung bình những tuần trước giao dịch khớp lệnh dưới 4.000 tỷ đồng. Điều đó thể hiện nhu cầu bắt đáy là khá lớn. NĐT nước ngoài cũng giải ngân khoảng 746 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó mức mua ròng là 292 tỷ đồng. Riêng với nhóm VN30 khối nước ngoài mua ròng 132 tỷ đồng. 

Cầu bắt đáy duy trì được cường độ mua khá tốt. Tuy vậy, khả năng chọn thời điểm mới là yếu tố quan trọng vì như thời kỳ tháng 3, cũng sau khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng, TT hoảng loạn một phiên ngày 9-3 (VN Index giảm 6,3%), cầu bắt đáy đẩy tăng được phiên kế tiếp nhưng TT vẫn rơi cho tới tận cuối tháng mới dừng. 

Hiện tại, TT đang trong giai đoạn bị bán kỹ thuật do quy mô dùng đòn bẩy đầu cơ cho nhịp kết quả kinh doanh quý II. TT đảo chiều quá nhanh chỉ trong hai phiên nên cơ hội xử lý tài khoản là không nhiều. Mặt khác như phiên cuối tuần trước, khi VN Index chạm ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 820, tương đương đáy cuối tháng 6, NĐT cũng đã bắt đáy rất mạnh và đến phiên này bắt đầu lỗ khá nặng. Vì vậy mặc dù thanh khoản bắt đáy lớn nhưng TT chỉ có thể dừng giảm khi lượng hàng cần bán đã được giải phóng hết.

Sau liên tiếp hai phiên bán tháo, TT đã có phản ứng hồi phục, nhưng thanh khoản ở mức thấp và đà tăng của chỉ số chủ yếu được kéo bởi một số các mã lớn. Cụ thể, bước vào phiên giao dịch sáng 28-7, phản ứng hồi phục đã xuất hiện ngay khi mở cửa, khi chỉ sau khoảng 30 phút thăm dò, lực mua bắt đáy đã được kích hoạt đồng loạt tại nhiều blue chip, kéo theo sắc xanh dần gia tăng trên bảng điện tử đã thúc đẩy VN Index có nhịp leo dốc ấn tượng, tăng gần 13 điểm lên gần 800 điểm. Nhóm CP lớn tăng khá mạnh, tuy nhiên, việc VIC và VRE đảo chiều xuống dưới tham chiếu và VJC nới đà giảm đã khiến chỉ số mất đà và lùi về dưới 795 điểm sau hơn một giờ giao dịch…

Tiếp đà hồi phục trong phiên sáng, VN Index bật tăng ngay sau giờ nghỉ trưa, vượt qua mốc 810 điểm. Ngay khi mở cửa, VN Index đã được bao phủ bởi sắc xanh khi cầu mua giá cao sớm được kích hoạt. Dẫu vậy, tâm lý NĐT còn khá thận trọng và sức mua còn có phần dò xét nên VN Index không tăng quá nhanh và thanh khoản cũng không cao. Tuy nhiên, tình hình đã tích cực hơn hẳn trong phiên chiều. Ngay sau giờ nghỉ trưa, dòng tiền ồ ạt chảy vào TT, không chỉ tập trung tại nhóm CP blue chip, mà ở các nhóm CP khác, giúp sắc xanh lan tỏa khắp bảng điện. Tại thời điểm 14 giờ 30 phút, chỉ số VN Index tăng 29,23 điểm, lên 814,4 điểm với số mã tăng gấp gần bảy lần số mã giảm, đạt 353 mã, thanh khoản hơn 4.700 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, VN Index không giữ được mức cao nhất ngày khi chịu áp lực nhẹ trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ATC. Đóng cửa, với 360 mã tăng và 49 mã giảm, VN Index tăng 28,19 điểm (+3,59%) lên 813,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 328,5 triệu đơn vị, giá trị 5.028,52 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 28% về giá trị so phiên đầu tuần.