Nhóm blue chip có xu hướng suy yếu

Ở phiên giao dịch ngày 11-8, hầu như chỉ có nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) là tăng trong nhóm blue chip. Điều đó là chưa đủ để đẩy VN Index lên trên tham chiếu. Chỉ số ghi nhận phiên giảm đầu tiên sau sáu phiên tăng liên tiếp. Hiện tượng suy yếu của nhóm blue chip đang trở nên rõ ràng hơn và không có khả năng luân phiên tăng giá như trước. 

Suy yếu của nhóm blue chip đang trở nên rõ ràng hơn và không có khả năng luân phiên tăng giá như trước. Ảnh: HẢI NAM
Suy yếu của nhóm blue chip đang trở nên rõ ràng hơn và không có khả năng luân phiên tăng giá như trước. Ảnh: HẢI NAM

Trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 10-8, VN Index đã nối dài chuỗi phiên tăng liên tục sang ngày thứ 6 và số lượng mã tăng cũng áp đảo. Tuy vậy, đà tăng cứ lên cao sau đó lại quay đầu trượt xuống. Từ chỗ tăng hơn 8 điểm, đến cuối phiên VN Index lại tụt đáng kể, chỉ còn tăng 1,74 điểm. VN30 Index cũng vậy, lúc cao nhất tăng gần 10 điểm, đóng cửa còn có 2,15 điểm.

Lý do chính khiến các chỉ số cứ loanh quanh tăng mạnh rồi lại lao dốc là do nhóm blue chip không giữ được sức mạnh đến cuối ngày. Trái lại, lực xả ở các blue chip đã tạo nên những tín hiệu đảo chiều tăng giả trong một thị trường (TT) đang đi xuống (bull trap) liên tiếp ba ngày gần đây. Nhóm VN30 đến lúc đóng cửa vẫn còn 20 CP tăng, chỉ bảy CP giảm. Số lượng mã tăng là nhiều nên vẫn tạo cảm giác TT đi lên. Thực tế, CP lại gây thiệt hại cho nhà đầu tư (NĐT) mua phải giá cao là khá nhiều. Thống kê với nhóm VN30, có tới 20 mã suy yếu tới hơn 1% lúc đóng cửa so đỉnh cao trong ngày. 

Do nhiều CP vẫn đóng cửa cao hơn tham chiếu nên cơ bản là NĐT vẫn có lãi nếu nắm giữ từ trước. Tuy nhiên, những ai đua giá cao thì ngay trong phiên đã lỗ. Tất cả 30 CP của nhóm blue chip có giá đóng cửa thấp hơn giá đỉnh trong ngày. Mức lỗ hơn 1% ngay sau vài phút mua là tổn thất đáng kể. Trong số này, SAB, VNM và VCB ảnh hưởng lớn nhất đến VN Index. Đây cũng là ba CP có lực xả rõ ràng sau khi tăng tốt trong ngắn hạn và NĐT chốt lời đủ mạnh vượt quá khả năng đỡ giá của phía mua. Các blue chip còn tăng khá mạnh lại không phải là những CP có vai trò giữ nhịp TT. Ngược lại, các CP đầu cơ lại có mức tăng khá nổi bật. Chỉ số VN Smallcap đóng cửa tăng 1,11% là chỉ số mạnh nhất sàn HoSE.

Điểm tích cực trong phiên này là diễn biến trồi sụt đã tạo thanh khoản tương đối tốt. Tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt khoảng 5.463 tỷ đồng, tăng 7,8% so bình quân tuần trước. Giá trị khớp lệnh đạt 4.742 tỷ đồng, tăng 14,5%. Thanh khoản có dấu hiệu phục hồi cho thấy NĐT giải ngân nhiều hơn. Đương nhiên do giá từ đỉnh cao trong ngày trượt dốc về cuối phiên nên cũng có lực xả mạnh. Nếu không có cầu mua tốt thì lực xả này sẽ không tạo được thanh khoản nhiều như vậy mà vẫn giữ được giá CP tăng. 

Trên sàn HoSE số mã tăng vẫn nhiều gấp 2,4 lần số mã giảm. Các CP tạo thanh khoản nhiều nhất cho TT phiên này đều khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng giá trị. Việc thanh khoản được cải thiện vẫn thể hiện sự chấp nhận khả năng VN Index đã có đáy và TT bước vào sóng tăng mới. NĐT sẵn sàng mua vào lượng chốt lời của những người lướt sóng. Tuy vậy, tình trạng giằng co biên độ hẹp và không tăng dứt khoát như ba phiên gần nhất cũng tạo ra nguy cơ lặp lại giai đoạn đi ngang trong tháng 7 vừa qua. Khi đó TT cũng kỳ vọng bước vào nhịp tăng mới nhưng lại vướng sự kiến tái bùng phát Covid-19.

Ở phiên giao dịch ngày 11-8, hầu như chỉ có nhóm CPNH là tăng trong nhóm blue chip nhưng chừng đó là chưa đủ để đẩy VN Index lên trên tham chiếu. Chỉ số ghi nhận phiên giảm đầu tiên sau sáu phiên tăng liên tiếp. Tình trạng rập rình đi ngang bốn phiên gần đây có yếu tố nâng đỡ từ CP trụ rất rõ. Luân phiên các CP vốn hóa lớn tăng giá đã tạo đủ điểm số để VN Index đóng cửa trên tham chiếu.

Riêng phiên này các CP lớn lại quá yếu trong khi nhóm CPNH tuy tăng đều, nhưng lại chưa đủ để thay thế. Chỉ số để mất 0,12 điểm phút chót, chấm dứt chuỗi sáu phiên tăng liên tục. Nhóm CPNH trong rổ VN30 đều tăng. Nếu tính cả TPB tăng 0,48%, ACB tăng 6,72% thì gần như tất cả CPNH trên TT đều tăng, riêng SHB giảm 0,79%. 

Đối với HNX Index thì ACB quyết định tất cả. Đặc biệt ACB xuất hiện giao dịch đột biến hơn 15,33 triệu CP, tương đương 381,6 tỷ đồng. Chỉ riêng ACB đã chiếm 56,1% giá trị sàn HNX, giúp HNX Index có được 1,7 điểm trong tổng số 2,66 điểm tăng phiên này. Nếu như ACB có vai trò rất lớn ở HNX thì đáng tiếc là BID, CTG không đủ mạnh đối với VN Index. Các mã CPNH cộng dồn lại cũng chưa thay thế được SAB giảm 0,78%, VIC giảm 0,79%, VHM giảm 0,25%, GAS giảm 0,71%. Nhóm VN30 có 16 CP giảm giá và chỉ 13 CP tăng. Phiên này nhìn tổng thể cũng là một phiên điều chỉnh ở sàn HoSE vì số CP giảm giá nhiều hơn số tăng.

Hiện tượng suy yếu của nhóm blue chip đang trở nên rõ ràng hơn và không có khả năng luân phiên tăng giá như trước. Mặc dù chỉ số VN30 Index phiên này đóng cửa trên tham chiếu, nhưng nhờ yếu tố kỹ thuật là chính. Ngay như nhóm CPNH, mức tăng khá nhẹ và thanh khoản rất kém. Hầu hết các mã CPNH đều có khối lượng giao dịch giảm đáng kể so phiên đầu tuần. Tính chung, nhóm VN30 phiên này giảm giá trị khớp lệnh tới 25% so phiên đầu tuần, chỉ đạt 1.452,7 tỷ đồng, thấp nhất tám phiên. 

NĐT nước ngoài bán ròng khoảng 74 tỷ đồng trong nhóm VN30 nhưng tính riêng giá trị mua vẫn là hơn 371 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa thanh khoản giảm do NĐT trong nước. Các CP trụ cột của nhịp tăng sáu phiên trước đây bắt đầu rơi xuống vùng thanh khoản thấp, rõ nhất là VHM, VNM. Hai mã này trước đó đã tăng tốt và đang bị chốt lời, đi kèm với thanh khoản kém thể hiện sức mua đã suy giảm.