Ngắt nhịp đà tăng

Dù chịu rung lắc mạnh đầu phiên cuối tuần qua (ngày 10-4) do áp lực chốt lời, nhưng VN Index vẫn giữ được đà tăng khi chốt phiên sáng 10-4 nhờ sự hỗ trợ của nhiều cổ phiếu (CP) blue chip, trong đó đáng chú ý là cặp đôi CP ngành hàng không là HVN và VJC, khi hai CP này cùng tăng trần. Sang phiên chiều 10-4, mặc dù nhóm CP ngành hàng không vẫn giữ sắc tím nhưng không đủ sức giúp thị trường chứng khoán (TTCK) giữ được đà tăng.

Áp lực bán dâng cao, đặc biệt là từ các CP lớn, đã đẩy chỉ số VN Index quay đầu giảm điểm sau bảy phiên tăng liên tiếp. Ảnh: NAM ANH
Áp lực bán dâng cao, đặc biệt là từ các CP lớn, đã đẩy chỉ số VN Index quay đầu giảm điểm sau bảy phiên tăng liên tiếp. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, hy vọng vào khả năng đỉnh dịch sắp đến, TTCK toàn cầu tiếp tục băng băng đi lên và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chuỗi ngày tăng đã kéo sang phiên thứ bảy liên tục, bất chấp lực chốt lời liên tục xuất hiện. Sau phiên sụt giảm thanh khoản đột ngột ngày 8-4, dòng tiền đã quay lại mua rất tích cực trong phiên giao dịch ngày 9-4, dù liên tục các đợt chốt lời vẫn tuôn hàng ra.

Đáng kể nhất là hơn 30 phút cuối phiên, VN Index tuột khỏi đỉnh cao một cách đáng tiếc do một số CP lớn đã không duy trì được sức mạnh. Đáng tiếc nhất trong số này phải kể tới SAB, CP lớn thứ bảy của TTCK trong phiên đã xuất sắc tăng kịch trần. Đây là phiên tăng hết biên độ đầu tiên trong năm 2020 của SAB và lẽ dĩ nhiên, VN Index được kéo lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ sau 14 giờ chiều 9-4, SAB suy yếu do bị chốt lời mạnh và giá tăng từ 6,96% bị ép xuống chỉ còn tăng 1,45% lúc đóng cửa. Thanh khoản của SAB cũng đạt kỷ lục trong 34 phiên với 236.310 CP, tương đương 34,5 tỷ đồng giá trị. Nhịp phục hồi kéo dài 12 phiên của SAB đã đem lại lợi nhuận 21,2% tính đến phiên này.

VHM cũng là trụ yếu khi không thể duy trì đà tăng mà còn quay đầu giảm. CP lớn thứ 3 của TTCK này tăng cao nhất 1,29% và kéo VN Index lên đỉnh 765,87 điểm nhưng sau đó tụt dốc. VHM rơi nhanh trong 30 phút cuối và đóng cửa thành giảm 1,43%. Như vậy, chỉ trong vài chục phút VHM biến động tới 2,7%. Lực bán lớn xuất hiện là điều dễ hiểu vì chỉ 5 phiên VHM đã tăng 27,7%.

VN Index bị kéo lùi gần 6 điểm trong những phút cuối là do nhiều CP lớn lỡ đà và cùng tụt dần xuống. VN30 Index đã để mất hơn 6 điểm, tương đương 0,9% so đỉnh. Mặc dù vậy số lượng CP tăng giá phiên này vẫn áp đảo: HoSE ghi nhận số tăng giá gấp đôi số giảm và VN30 có 18 mã tăng thì chỉ bảy mã giảm. Đóng cửa phiên này, chỉ số VN Index có thêm 12,31 điểm, lên mức 760,33 điểm. Đây là phiên tăng thứ 7 liên tiếp, với tổng cộng 98 điểm kể từ mức đóng cửa ngày 30-3 vừa qua. Tính từ đầu tuần, chỉ số đã tăng 58,53 điểm, tương đương 8,3%. Đà tăng như vậy hứa hẹn VN Index sẽ lập một kỷ lục mới. Thật vậy, mới có bốn trên năm phiên giao dịch mà mức tăng 8,3% đã là mạnh nhất kể từ tuần đầu năm 2013 (tăng 8,6%) tức là chỉ số đang ghi nhận kỷ lục suốt bảy năm.

Tính từ đáy ngày 24-3-2020, VN Index đã phục hồi 15,34% chỉ trong 12 phiên. Một lần nữa, đây là kỷ lục chưa từng có kể từ năm 2009 đến giờ, khi TTCK phục hồi với cường độ mạnh trong thời gian ngắn. Mức phục hồi quá mạnh này chỉ có thể lý giải bằng sự xoay chiều trong tâm lý nhà đầu tư (NĐT), từ lo lắng tột đỉnh sang lạc quan và hy vọng. TTCK lao dốc là do yếu tố dịch bệnh. Tuy nhiên, ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang đạt đỉnh. Cũng chỉ trong 13 phiên, chỉ số S&P 500 của TTCK Mỹ đã tăng 22,91%, mức phục hồi cũng thuộc hàng kỷ lục trong cả thập kỷ.

Như vậy, có thể thấy phản ứng của các NĐT trên thế giới là khá giống nhau: Từ lo sợ dịch bệnh sẽ “đóng băng” hoạt động xã hội và kinh tế, tới kỳ vọng dịch sẽ sớm qua và sức sống quay lại. Ngay khi chưa có quốc gia nào công bố đạt đỉnh dịch (trừ Trung Quốc) thì TTCK đã bứt tốc phục hồi mạnh mẽ. TTCK đã đi trước các diễn biến thực tế do yếu tố kỳ vọng đang lèo lái cảm xúc.

Công ty CP CK Bảo Việt (BVSC) nhận định, xu hướng hồi phục của VN Index vẫn đang được duy trì với đích đến 780 - 820 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều CP đã đạt được mức hồi phục ấn tượng trong tuần và hiện đang tiệm cận các vùng kháng cự mạnh. Điều này có thể khiến chỉ số gặp áp lực chốt lời mạnh và điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp.

Đúng như nhận định của BVSC, TTCK mở cửa phiên sáng 10-4 đã quay đầu giảm điểm trước áp lực bán chốt lời gia tăng. Hầu hết các blue chip chịu sức ép bán ra và rơi xuống dưới mốc tham chiếu, đã gia tăng gánh nặng, nhanh chóng đẩy VN Index về sát mốc 750 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp TTCK bật ngược đi lên. Chỉ sau 35 phút giao dịch, TTCK đã lấy lại sắc xanh. Song với dòng tiền chưa đủ mạnh cùng diễn biến phân hóa của TTCK đã khiến chỉ số VN Index trở lại trạng thái rung lắc và biến động nhẹ quanh mốc 760 điểm.

Sang phiên chiều 10-4, sau hơn 20 phút giao dịch cầm cự sắc xanh, lực bán thường trực dâng cao đã khiến TTCK quay đầu giảm điểm. Mặc dù nhóm CP ngành hàng không vẫn giữ sắc tím nhưng không đủ sức giúp TTCK giữ được sắc xanh trước áp lực bán dâng cao, đặc biệt là từ các CP lớn. Chỉ số VN Index đã quay đầu giảm điểm sau bảy phiên tăng liên tiếp.

Kết phiên cuối tuần qua, sàn HoSE có 165 mã tăng và 187 mã giảm, VN Index giảm 2,39 điểm (tương đương giảm 0,31%), xuống 757,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 338,4 triệu đơn vị, giá trị 4.122,24 tỷ đồng, tăng 13,4% về khối lượng nhưng giảm 6,19% về giá trị so phiên 9-4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,14 triệu đơn vị, giá trị gần 859 tỷ đồng.