Mạnh tay xả hàng cắt lỗ

Diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới xấu trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 12-8 phần nào thể hiện nhịp tăng tuần trước không chắc chắn. TTCK Việt Nam cũng giống thế giới, đang trải qua những phiên bật tăng sau khi rơi rất nhanh. Nếu các phiên tăng tuần trước chỉ là diễn biến phục hồi kỹ thuật, TT hoàn toàn có nguy cơ quay lại xu hướng giảm trước đó. Chính vì vậy nhà đầu tư (NĐT) đã đẩy mạnh thoát hàng trong phiên 13-8.

Thị trường diễn biến tiêu cực khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra để cắt lỗ. Ảnh: NG.HẢI
Thị trường diễn biến tiêu cực khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra để cắt lỗ. Ảnh: NG.HẢI

TTCK mở đầu tuần mới rất thận trọng. Các cổ phiếu (CP) lớn hầu hết là trong thế giằng co, riêng các mã vốn hóa trung bình tăng tốt. Tuy nhiên tình trạng này lại dẫn đến hệ quả là VN Index gần như không tăng được.

Phiên cuối tuần trước, ngày 9-8, khi TT Việt Nam đã đóng cửa, TTCK Mỹ quay đầu giảm có thể phần nào tác động đến phiên giao dịch này. Tuy nhiên, yếu tố chính vẫn là các CP phân hóa quá mạnh dẫn đến tình trạng giằng co lẫn nhau. VN Index kết thúc phiên cũng có thể coi là tăng khi lấy được 0,97 điểm hay 0,1%, nhưng mức tăng là không đáng kể. Thậm chí, trong cả phiên này, TT đi ngang là chính. Mức tăng cao nhất của VN Index chỉ là +0,34% so tham chiếu và mức giảm thấp nhất chỉ là - 0,11% so tham chiếu. Như vậy dao động tối đa trong phiên của chỉ số chỉ là 0,45%.

Ngưỡng dao động này là quá nhỏ và nguyên nhân chính do thiếu vắng nhóm CP dẫn dắt có đủ sức mạnh vốn hóa để kéo chỉ số. Sự giằng co phản ánh khá rõ lên chỉ số VN Index, vì chỉ số này chịu tác động của các mã lớn nhiều hơn. Trong khi đó, chỉ số VN30 Index vẫn tăng 0,41%. Chỉ số VN30 Index phản ánh sức mạnh của các CP vốn hóa trung bình. Hiện tượng phân hóa có thể nhìn thấy trong từng nhóm CP khác nhau.

Mặc dù điểm số có thể tăng hay giảm từng ngày trong hơn tuần nay nhưng vẫn có cả trăm CP tăng giá mỗi phiên. Trong đó số CP có khả năng giao dịch được với thanh khoản an toàn cho mua bán cũng không nhiều. Chính vì vậy TT trở nên kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên với diễn biến các nhóm CP như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển logistic vừa rồi, dòng tiền dường như vẫn đang cố gắng tìm kiếm các cơ hội lợi nhuận. Hoạt động này không dành cho số đông.

Nguyên nhân chính vẫn là khả năng nhạy bén với dòng tiền đến mức nào. Đa số nhà đầu tư chỉ bắt đầu quan tâm tới CP/nhóm CP nào đó khi có đột biến trong giao dịch. Nghĩa là, khi giá bắt đầu bùng nổ thì NĐT mới nhảy vào mua là chính. Trong khi đó hiện tượng đầu cơ nóng thì quan trọng nhất là mua được ở lúc giá thấp, trước khi tăng. Khả năng mua sớm như vậy chỉ có thể xuất phát từ các nhà đầu cơ chuyên nghiệp và vốn lớn. Mặt khác, tình trạng làm giá trong các trường hợp như vậy cũng là phổ biến. Thí dụ CP logistic và khu công nghiệp, các NĐT mua T1, T2 đa số đều đang lỗ. Các mã đầu cơ đột nhiên tăng bùng nổ 1 - 2 phiên không rõ lý do, sau đó quay đầu giảm ngay. Các CP dạng này không có yếu tố cơ bản có thể lý giải được, nên các nhà đầu cơ chỉ đánh nhanh rút gọn.

Đến thời điểm hiện tượng này không còn đem lại nhiều lợi nhuận nữa thì dòng tiền đầu cơ sẽ hạn chế hoạt động. Thanh khoản sẽ từ từ giảm dần. Cho đến phiên này thanh khoản chung đã giảm xuống dưới mức 3.000 tỷ đồng đối với khớp lệnh và chỉ còn quanh 4.000 tỷ đồng đối với tổng giao dịch. Thanh khoản đang giảm đều ở tất cả các nhóm CP, từ blue chip cho tới các mã đầu cơ nhỏ. Đó có thể là dấu hiệu nhà đầu cơ bắt đầu giảm cường độ hoạt động.

TT diễn biến tiêu cực hơn trong phiên giao dịch ngày 13-8 khi TTCK Mỹ đêm 12-8 đồng loạt rớt trên 1%. NĐT đẩy mạnh bán ra đã khiến thanh khoản tăng vọt. VN Index kết thúc phiên đã để mất 8,48 điểm tương đương 0,87%, là mức giảm mạnh nhất 5 phiên gần đây. Chỉ số đóng cửa xuống 966,83 điểm, mức thấp nhất bốn phiên. Như vậy, đà phục hồi từ ngày 7-8 giúp VN Index có được 9,38 điểm thì riêng ngày 13-8 đã mất 8,48 điểm.

Áp lực giảm vẫn đến từ các CP vốn hóa lớn đang phục hồi thiếu ổn định. Các mã lớn nhất TT này đều giảm sâu nhất: VIC giảm 1,58%, VHM giảm 1,54%, VCB giảm 1,8%, VNM giảm 2,16%, GAS giảm 1,96%, BID giảm 1,27%. Điểm nổi trội là trong nhóm VN30, CP giảm giá vẫn áp đảo. Nhóm này số mã giảm gấp 2,2 lần số mã tăng. Trên cả sàn HoSE tình trạng cũng không khá hơn được: cứ 1 mã giảm chỉ có 0,53 mã tăng. Chỉ riêng số lượng CP tăng giảm quá chênh lệch cũng đủ thấy xu hướng giảm giá đã xuất hiện đồng loạt. NĐT không chỉ xả hàng ở các blue chip mà còn ở tất cả các nhóm CP khác.

Việc TT điều chỉnh giảm mạnh và trong một ngày xóa gần hết thành quả tăng của ba phiên cho thấy nhu cầu bán ra đang rất mạnh. Thậm chí cả những nhóm CP “thời thượng” như logistic cũng bị xả. Những quan điểm về hưởng lợi từ chiến tranh thương mại vốn là lý do để CP khu công nghiệp, cảng biển tăng giá mấy ngày trước, đột nhiên không còn tác dụng trong phiên này.

Điểm nhấn của phiên này là thanh khoản gia tăng khá cao so mức trung bình. Tuy tổng giá trị giao dịch chỉ tăng hơn 10% so phiên đầu tuần nhưng giao dịch khớp lệnh tăng gần 22%, lên 3.564 tỷ đồng, mức tốt nhất ba phiên. Thanh khoản tăng là do giao dịch gặp nhau về giá. Điểm dở là phiên này giá CP giảm nhiều nên thanh khoản tăng là kết quả của hành động bán rẻ. Ngay cả ở những CP vốn hóa lớn, hàng blue chip, giao dịch T3 cũng không có nhiều lợi nhuận mấy ngày qua và hàng về NĐT cắt lỗ mạnh tay. TT không đạt lợi nhuận ngắn hạn sẽ khiến NĐT dễ bán ra hơn vì cắt lỗ sớm sẽ an toàn.