Lực cầu yếu, nhiều cổ phiếu giảm sàn

Tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã không thể hiện được sự gia tăng về lực cầu bắt đáy. Thanh khoản chung đã sụt giảm đáng kể. Tổng giá trị giao dịch bình quân tuần qua giảm 24% so bình quân tuần kề trước, giá trị khớp lệnh bình quân tuần cũng giảm 29%. Có lẽ sau nhiều lần bắt đáy trượt, nhà đầu tư (NĐT) đã nản và bắt đầu thận trọng, thậm chí là có vẻ đuối sức.

Nhà đầu tư đã trở nên thận trọng với hoạt động bắt đáy cổ phiếu. Ảnh: NA
Nhà đầu tư đã trở nên thận trọng với hoạt động bắt đáy cổ phiếu. Ảnh: NA

Mặc dù về cuối phiên khi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 3 đáo hạn và TT cơ sở vẫn được đẩy lên khá tốt, nhưng chung cuộc phiên giao dịch ngày 19-3 vẫn giảm mạnh ở hầu hết cổ phiếu (CP) lẫn chỉ số. Có thể nói, chưa lúc nào các TTCK lại “ngập” trong các tin tức hỗ trợ, các giải pháp kích thích kinh tế như lúc này kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Thậm chí, Mỹ còn liên tục tung ra các gói trăm tỷ, ngàn tỷ USD. Rất tiếc là các TTCK không hề phản ứng tốt hơn. Hiện tượng giảm quá nhiều đến mức phải dừng giao dịch lại liên tục xảy ra ở TTCK Mỹ.

TTCK Mỹ đêm 18-3 đã lao dốc 6,3% ở chỉ số DJIA, và 5,18% ở chỉ số S&P 500. Việc các gói hỗ trợ không khiến NĐT tin tưởng đã lan tỏa tâm lý bi quan ra toàn thế giới. Các TTCK khác đều giảm mạnh trong phiên này.

TTCK trong nước cũng biến động mạnh và gần đây mức giảm 2 - 3% lại trở thành bình thường. VN Index lao dốc ngay lúc mở cửa 2,05% và đến đầu phiên chiều sụt giảm tới 4,5%. Tuy nhiên, phiên này có một biến số là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 3. Những ngày này, TT trở nên nhiễu động lớn. Cuối phiên đã xuất hiện một đợt kéo chỉ số đáng kể khi VN30 Index từ đáy 669 điểm phục hồi lên 679,55 điểm, nghĩa là tăng trong phiên 1,57%. VN Index cũng hưởng lợi một chút, phục hồi từ đáy khoảng 1,67%.

Đối với TT phái sinh thì mức phục hồi cả chục điểm là rất đáng kể, nhưng với TT cơ sở, tình hình không được cải thiện bao nhiêu. Để hỗ trợ chỉ số VN30 thì chỉ các CP có ảnh hưởng nhất phục hồi mới nhiều. Mặc dù vậy hàng loạt CP vẫn đóng cửa giá đỏ. VN Index chốt phiên giảm 2,91%. Rất nhiều CP vốn hóa lớn giảm sâu như: VCB giảm 4,76%, VNM giảm 6,32%, SAB giảm 6,62%...

Sàn HoSE phiên này, cứ 1 CP giảm giá chỉ có 0,23 CP tăng giá và các CP đầu cơ, vốn hóa nhỏ phiên trước vừa tăng ồ ạt, nay đã quay đầu giảm la liệt. Diễn biến chung trên thế giới vẫn đang rất xấu, nhất là TTCK Mỹ thể hiện sự bi quan tột cùng và mất niềm tin vào các giải pháp kích thích. TTCK này có sức ảnh hưởng mạnh lên tất cả các TTCK khác mà với Việt Nam không chỉ là yếu tố tâm lý, mà còn là hiện tượng rút vốn liên tục đang diễn ra.

Mặt khác, diễn biến dịch Covid-19 trong nước vẫn cho thấy nguy cơ gia tăng số lượng người nhiễm trong thời gian tới. Vì thế, xu thế sụt giảm chung của TT cũng khó thuyên giảm trong ngắn hạn. Đặc biệt khi châu Âu và Mỹ cùng áp dụng biện pháp cách ly mạnh tay, các TTCK quốc tế có thể còn phản ánh tiêu cực hơn nữa. Việc rút vốn khỏi các TTCK vẫn đang diễn ra. Thậm chí, vàng cũng giảm giá, trái phiếu giảm giá (lợi suất tăng) và USD lại tăng giá. Đây là hệ quả của việc bán tài sản để tăng dự trữ tiền mặt trong bối cảnh khủng hoảng, vì các khoản nợ hay thanh toán chi phí đều phải dùng tiền mặt. Nguồn vốn nhàn rỗi được dùng để đầu tư trước đây cũng phải rút về.

Phiên này, NĐT nước ngoài bán ròng tiếp khoảng 468 tỷ đồng nữa trên HoSE. Mới bốn phiên đầu tuần giá trị bán ròng trên hai sàn CP đã vượt 2.000 tỷ đồng trong khi kỷ lục tuần trước đó mới hơn 1.800 tỷ đồng.

Điểm tích cực cần nhìn nhận là trong bối cảnh bi quan chung, nhu cầu bắt đáy vẫn đang được duy trì và tạo thanh khoản khá tốt. Riêng giá trị khớp lệnh phiên này tăng gần 10% so phiên kề trước, đạt 3.739 tỷ đồng. Khi khắp nơi lo ngại khủng hoảng, dịch bệnh làm gia tăng sự sợ hãi, lượng tiền vào TT vẫn duy trì mức cao như vậy là điều rất tích cực.

Phiên cuối tuần qua, ngày 20-3, là thời điểm cả hai quỹ ETF nước ngoài lại cùng thực hiện tái cơ cấu danh mục. TTCK đã trong giai đoạn khó khăn lại bị thêm sức ép của các giao dịch này. Phiên này là phiên giao dịch khá thuận lợi cho TTCK trong nước. Lâu lắm rồi TTCK Mỹ mới có một ngày mà đóng cửa các chỉ số tăng và ngày kế tiếp các hợp đồng tương lai cũng tăng. Chỉ số tương lai DJIA và S&P 500 đang tăng hơn 4%.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam lại không mạnh mẽ. VN Index trượt dốc trọn cả phiên và nỗ lực phục hồi ít phút cuối đợt khớp lệnh liên tục lại thất bại hoàn toàn ở đợt đóng cửa. Cả hai quỹ ETF bán ra mạnh mà không tìm thấy lực đỡ để hỗ trợ giá. VN Index đóng cửa giảm 2,23%, tương đương 16,21 điểm, rơi xuống mức 709,73 điểm.

Việc hai quỹ ETF nước ngoài bán mạnh phiên này là điều đã có thể biết trước. NĐT vẫn trông đợi một phiên “đấu lệnh” hoành tráng như mọi lần. Tuy nhiên, có lẽ TT đang quá yếu nên không có bất ngờ nào xảy ra. Khối lượng xả vượt trội khối lượng mua vào, khiến giá CP giảm hàng loạt. Nhiều blue chip giảm sàn do không có đủ cầu đỡ. Minh chứng là: VIC, VHM, VRE cùng giảm hết biên độ. Nhóm CP ngân hàng lớn nhất TT cũng không tăng nổi.

Với số lượng CP giảm giá áp đảo hoàn toàn phiên này, TT vẫn không có được một ngày phân hóa. Số ít các mã tương đối cân bằng là thuộc về nhóm VN30. TT cũng không tận dụng được một ngày mà các TTCK quốc tế rất thuận lợi. Tuần qua cũng đã lập kỷ lục về mức độ rút vốn của NĐT nước ngoài với hơn 3.000 tỷ đồng trên hai sàn CP. Hoàn toàn có thể đổ lỗi nguyên nhân TT lao dốc cho hành động bán quyết liệt này.