Lực cản từ chốt lời ngắn hạn

Trong khi chứng khoán (CK) thế giới tăng tốt trong đêm 14-9, thì VN Index gần như giậm chân tại chỗ ở phiên giao dịch ngày 15-9, chỉ tăng được 1,69 điểm do sự hụt hơi của nhóm cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn. Yếu tố tâm lý trong phiên này không thật sự mạnh dù dòng tiền đổ vào thị trường (TT) khá tốt. Nhà đầu tư (NĐT) dường như lại chốt lời nhiều hơn nên thanh khoản tăng cao, số lượng CP giảm giá nhiều hơn.

Nhà đầu tư coi diễn biến tăng giá là cơ hội chốt lời. Ảnh: NAM ANH
Nhà đầu tư coi diễn biến tăng giá là cơ hội chốt lời. Ảnh: NAM ANH

Yếu tố quan trọng nhất giúp TT có phiên đầu tuần (ngày 14-9) tích cực là sự mạnh mẽ duy trì liên tục trên TT phái sinh Mỹ. Mặc dù diễn biến trên các TT châu Á trong giờ Việt Nam giao dịch không mấy khả quan, hầu hết các chỉ số tăng nhẹ, nhưng riêng TT tương lai của chứng khoán Mỹ lại ghi nhận mức tăng đồng loạt hơn 1%. Diễn biến này báo hiệu khả năng TT Mỹ cũng sẽ có một phiên đầu tuần rất mạnh. Đây là động lực chính hỗ trợ tâm lý NĐT trong nước vì từ đầu tháng 9 tới nay chứng khoán Việt Nam có mối tương quan khá chặt chẽ với TT Mỹ.

VN30 Index đóng cửa tăng 0,81% trong khi VN Index tăng 0,63% cho thấy sự nổi trội của nhóm blue chip. Duy có VHM và GAS - hai CP chủ yếu tác động đến VN Index, đã giao dịch khá lạc điệu với số còn lại. Đặc biệt, sự trở lại của VIC là chất xúc tác thay đổi lớn nhất. Trong sáu phiên vừa qua, VIC điều chỉnh giảm khoảng 4,2%. Phiên này VIC được cả NĐT trong nước lẫn nước ngoài mua khá tốt, đẩy giá tăng 2,2%. Ước tính VIC tăng đã giúp VN Index có khoảng hai điểm và VN30 Index có khoảng 1,5 điểm phiên này trong khi chỉ số chính tăng tổng cộng 5,6 điểm và VN30 tăng 6,68 điểm. 

Một yếu tố tích cực nữa là thanh khoản đã phục hồi tương đối: Hai sàn khớp lệnh tăng 16% về giá trị so phiên kề trước, đạt 5.845 tỷ đồng và đạt hơn 7.000 tỷ đồng bao gồm cả thỏa thuận. Mức khớp lệnh này tuy chưa trở lại mặt bằng 6.000 tỷ đồng nhưng cũng là tốt nhất trong năm phiên gần đây. Mức tăng vừa đủ trong phiên này giúp VN Index hình thành vùng củng cố kể từ khi rời đỉnh 900 - 905 điểm hồi đầu tháng 9, thay vì rơi vào nhịp điều chỉnh giảm thật sự. Mức giảm sâu nhất sau khi rời đỉnh của chỉ số mới là 881,57 điểm. Như vậy, biên độ dao động khoảng 23 điểm giúp VN Index vẫn còn cơ hội kiểm định lần nữa vùng đỉnh cũ.

Tuần này, hai quỹ ETF nước ngoài sẽ cùng tái cơ cấu danh mục cho kỳ tháng 9-2020 và các quỹ sẽ mua ròng do tỷ trọng nắm giữ hiện tại thấp. Đó sẽ là yếu tố hỗ trợ nhỏ cho TT do ngoài VIC, các CP lớn còn lại hầu như được mua bán không đủ để tạo biến động giá lớn.

Hiện tại, ảnh hưởng của các quỹ có lẽ chưa xuất hiện. Chẳng hạn tại GEX, CP dự kiến được quỹ FTSE mua ròng hơn ba triệu, phiên này vẫn bị khối này xả ròng gần 2,5 triệu CP. Như vậy, kể cả khi hai quỹ ETF nước ngoài thực hiện mua ròng, chưa chắc dòng vốn nước ngoài sẽ thật sự đảo chiều vì các quỹ vẫn đang chủ động bán ra rất nhiều.

Điều quan trọng nhất lúc này vẫn là xu thế biến động của CK Mỹ, liệu đã phát đi tín hiệu kết thúc điều chỉnh hay chưa. Phiên này các chỉ số tương lai như DJIA tăng tới hơn 1,2%, S&P500 tăng hơn 1,4% trong phiên chiều của TT Việt Nam đã giúp TT trong nước duy trì được đà tăng ổn định. Các biến động sốc nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý NĐT trong nước vì các chỉ số hiện tại đều đang ở vùng đỉnh rất cao.

TT lại có một phiên bỏ lỡ cơ hội khi CK thế giới tăng rất tốt trong đêm 14-9, VN Index gần như giậm chân tại chỗ trong phiên giao dịch ngày 15-9, chỉ tăng được 1,69 điểm do sự hụt hơi của nhóm CP vốn hóa lớn. Yếu tố tâm lý trong phiên này không thật sự mạnh dù dòng tiền đổ vào TT khá mạnh. NĐT dường như lại chốt lời nhiều hơn nên thanh khoản tăng cao cộng với số lượng CP giảm giá nhiều hơn hẳn phiên đầu tuần. Trong khi đó, khối lượng khớp lệnh lại tăng 7% và giá trị tăng 5% so phiên đầu tuần. Đặc biệt, thanh khoản tại VN30 tăng vọt 28% nhưng VN30 Index lại chỉ tăng có 0,13%. Thật ra, trong phiên chỉ số này tăng tối đa cũng chỉ 0,38% so tham chiếu. Thanh khoản tăng nhưng giá CP không tăng được thường là dấu hiệu của áp lực bán lớn. 

Điều khá bất ngờ là TT suy yếu chung chứ không chỉ riêng các blue chip. Tuần này hai quỹ ETF sẽ thực hiện tái cơ cấu, nhưng tổng thể là sẽ mua ròng. Lực xả từ khối NĐT nước ngoài có thể đến từ các giao dịch chủ động khác. Thực tế, các quỹ ETF thường mua bán dồn vào ngày cuối tuần, còn các quỹ chủ động không cần phải bán dồn vào một thời điểm như vậy.

Phiên này, tổng giá trị bán ròng trên sàn HoSE đạt khoảng 361 tỷ đồng, trong đó VN30 bị bán ròng 341 tỷ đồng. Tổng giá trị mua trên HoSE của khối nước ngoài chỉ chiếm khoảng 6,9% tổng giao dịch của sàn này, mức bán ra khoảng 12,3%. Mức bán còn thấp hơn so phiên đầu tuần (13,2%). Như vậy, thanh khoản tăng phiên này có dấu hiệu bán ra nhiều hơn từ NĐT trong nước. Các NĐT vẫn đang coi nhịp phục hồi quay lại vùng 900 điểm là cơ hội để chốt lời.

Khi nhìn vào VN Index thì TT đã có phiên tăng thứ ba liên tiếp. Diễn biến này có phải là tích cực hay không tùy thuộc vào cơ hội cho CP nào, vì phần lớn các mã đầu cơ mới tăng tốt. Đối với TT chung, chỉ số vẫn đang luẩn quẩn trong vùng đỉnh cũ và chưa có biểu hiện tiến triển. Vì vậy, NĐT coi diễn biến tăng giá là cơ hội bán ra cũng không có gì bất thường. Ở những phiên mà TT quốc tế tăng mạnh tạo cơ hội tốt cho TT trong nước tăng nhưng giao dịch yếu ớt, giá tiến triển chậm thì thường là do lực cản từ chốt lời ngắn hạn.