Lực bán tiếp tục gia tăng

Sàn HoSE cuối phiên giao dịch ngày 9-6 đã xảy ra sự cố “Hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC)”. Tuy nhiên, hết đợt khớp lệnh liên tục, VN Index đã giảm nhẹ 0,49 điểm tương đương 0,05%, và diễn biến vẫn phản ánh áp lực bán ra tăng lên rõ rệt.

Nhà đầu tư vẫn chốt lời mạnh.
Nhà đầu tư vẫn chốt lời mạnh.

Trước đó, ngay khi mở cửa phiên đầu tuần, ngày 8-6, thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng rất mạnh cùng với thông tin Quốc hội thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA). Mặc dù việc thông qua này không còn là bất ngờ, nhưng TT vẫn coi đó là tin tích cực ở thời điểm hiện tại. VN Index tăng vọt vượt 890 điểm rất nhanh và đến khoảng 10 giờ đã vượt luôn cả mốc 900 điểm. Đà đi lên càng mạnh sau đó và đến khoảng 1 giờ 20 phút chiều, VN Index đã đạt 905,65 điểm, tăng 2,19% so tham chiếu.

Không chỉ có mức tăng rất ấn tượng, TT còn chứng kiến sự tham gia nhiệt tình của các nhà đầu tư (NĐT). Mức thanh khoản gia tăng liên tục và cao hơn nhiều so các phiên trước. Tổng giá trị giao dịch hai sàn phiên này lên tới 9.510 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 5-2019. Tính riêng các giao dịch khớp lệnh, hai sàn cũng gia tăng thanh khoản 39% so phiên thứ Sáu tuần trước. Hơn 8.200 tỷ đồng cũng là mức cao nhất kể từ tháng 9-2019. Quy mô giao dịch này phản ánh mức độ hưng phấn cực lớn khi TT liên tục đón nhận thông tin tích cực.

Thanh khoản phiên đầu tuần đã tiến gần sát tới kỷ lục lịch sử của giai đoạn đầu tháng 4-2018 - thời điểm VN Index tạo đỉnh cao nhất mọi thời đại. Giao dịch khi đó liên tục xuất hiện các phiên khớp lệnh vượt 8.000 tỷ đồng. Mức giao dịch vượt 10.000 tỷ đồng cũng xuất hiện. Lúc này TT đang có thêm NĐT mới nên thanh khoản hứa hẹn sẽ còn tăng nữa. Chỉ riêng trong tháng 5 vừa rồi đã có thêm gần 34.000 tài khoản mới của NĐT cá nhân trong nước. Mức thanh khoản kỷ lục luôn đi kèm với lực chốt lời lớn, vì nếu không có NĐT bán ra, sức mua mạnh sẽ đẩy giá tăng kịch trần hàng loạt.

Phiên này chỉ có nhóm CP đầu cơ là tăng hết biên độ, các CP blue chip vẫn tiếp tục bị chốt lời khá mạnh. VN Index sau khi vượt qua mốc 905 điểm đã bất ngờ suy yếu và đóng cửa, thậm chí còn dưới ngưỡng 900 điểm và chốt tại 899,92 điểm.

Hiện tượng chốt lời này cũng xuất hiện nhiều lần trong các tuần trước và điểm chung là khiến giá suy yếu một chút. Do sức mua quá mạnh nên CP vẫn tăng giá áp đảo. Sàn HoSE số mã tăng giá nhiều gấp bốn lần số mã giảm giá. Nhóm CP nhỏ giao dịch cực nóng với hơn 50 mã kịch trần.

TT có hiện tượng chốt lời mạnh quanh ngưỡng 900 điểm của VN Index. Với mức thanh khoản kỷ lục lần này, có vẻ như nhu cầu chốt lời đã tăng lên đáng kể so các thời điểm trước đây. Trong vòng bốn tuần qua, TT chỉ chứng kiến những phiên khớp lệnh hơn 6.000 tỷ đồng đã là rất cao. Các NĐT đang đổ tiền vào với quy mô chưa từng thấy và TT hoàn toàn có thể xuất hiện các mức giao dịch cao hơn nữa.

Sang phiên giao dịch ngày 9-6, TT giao dịch bình thường và lệnh trên sàn HoSE chỉ bị kẹt trong đợt ATC. Do đó diễn biến vẫn phản ánh áp lực bán ra tăng lên rõ rệt. Diễn biến phiên này khá giống chiều phiên đầu tuần, khi TT tăng lên không dứt khoát và chạm mức xấp xỉ đỉnh cao 905 điểm là quay đầu đi xuống.

Mức cao nhất VN Index đạt được trong phiên này là 904,89 điểm, tăng so tham chiếu 0,55%. Đỉnh cao nhất phiên đầu tuần đạt được là 905,65 điểm. Như vậy mặc dù VN Index đã vượt qua ngưỡng tâm lý 900 điểm, nhưng NĐT vẫn chốt lời mạnh thay vì hưởng ứng diễn biến bùng nổ qua ngưỡng kháng cự tâm lý.

TT đã sụt giảm từ sớm trong phiên 9-6, mức thấp nhất VN Index chạm tới là 898,87 điểm ngay ở 30 phút đầu tiên sau khi mở cửa. Từ đáy này, TT phục hồi dần lên, nhưng nhu cầu chốt lời tiếp tục vượt quá sức mua và đến cuối phiên chỉ số quay lại điểm xuất phát. Do không hoàn thành được giao dịch trong đợt ATC nên không thể biết chắc liệu áp lực bán có gia tăng thêm hay không.

Ngay cả khi không có đợt ATC, thanh khoản phiên này cũng tương đối lớn. Tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt 7.995 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh đạt 6.959 tỷ đồng. Mức giao dịch này giảm đáng kể so phiên kỷ lục ngày 8-6, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân phiên tuần trước khoảng 19%.

Áp lực bán trong phiên này là rõ ràng bất chấp việc không biết kết cục của đợt ATC như thế nào. Số lượng CP giảm giá trong phiên gia tăng nhanh cùng với thanh khoản chung duy trì mức cao. Đặc biệt là nhóm blue chip đã suy yếu trước khi TT bị dừng lệnh. NĐT nước ngoài cũng ghi nhận một phiên bán ròng, ít nhất là cho tới hết đợt khớp lệnh liên tục. Sàn HoSE bị bán ròng khoảng 147 tỷ đồng. Riêng nhóm VN30 bị bán ròng khá lớn tới 328 tỷ đồng.

Sau khi bứt phá qua ngưỡng 900 điểm ở phiên đầu tuần, TT bất ngờ không xuất hiện hưởng ứng mạnh mẽ hơn được và lại suy yếu đi. Đó là dấu hiệu của áp lực bán xuất hiện quanh ngưỡng 900 điểm, thay vì tại ngưỡng kháng cự kỹ thuật. Với sự cố phiên giao dịch ATC, tâm lý NĐT có thể bị ảnh hưởng, tuy nhiên theo hướng tích cực hay tiêu cực thì chưa thể khẳng định.

Sau sự cố xảy ra một thời gian ngắn, HoSE đã có thông tin và cho biết: Đây là loại sự cố “Hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh trong đợt khớp lệnh ATC” và đang xác định nguyên nhân và tích cực khắc phục sự cố này. HoSE thực hiện tạm ngừng giao dịch và hủy đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 9-6. Giá đóng cửa của CK ngày 9-6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày.

Thực tế, sự cố kiểu này đã xuất hiện ngày 22-1-2018, cũng trùng với thời điểm thanh khoản bùng nổ trên TT.