Lo ngại quá mức?

Với mức giảm rất mạnh trong phiên giao dịch ngày 30-1, không có gì khó đoán khi nhà đầu tư (NĐT) sẽ phải bán ra cắt lỗ và giải phóng đòn bẩy trong phiên chốt tháng 1-2020, ngày 31-1. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho diễn biến giảm cực mạnh trong phiên đến từ những biến động bên ngoài, bởi thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đang hồi phục giữa tâm bão dịch cúm.

Kết thúc phiên giao dịch đầu năm, VN index giảm 3,22%, tương đương 31,88 điểm. Ảnh: NG.NAM
Kết thúc phiên giao dịch đầu năm, VN index giảm 3,22%, tương đương 31,88 điểm. Ảnh: NG.NAM

Phiên giao dịch khai xuân ngày 30-1 đã không đem lại may mắn mà trái lại, gây ra nỗi ám ảnh đối với NĐT khi TT sụt giảm tới 3,22%. Đây là mức giảm kỷ lục suốt cả năm 2019 và chỉ đứng sau phiên ngày 11-10-2018 với mức giảm 4,8%. Không thể tìm thấy lý do nào khác để lý giải biến động của TT phiên này, ngoài yếu tố bất định từ bên ngoài. Trong khi TTCK Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán thì thế giới rúng động bởi đại dịch cúm nCoV. CK toàn cầu đều lao dốc cực mạnh và phiên này có thể TTCK trong nước mới kịp phản ánh.

VN index kết thúc phiên giao dịch đầu năm đáng quên với mức giảm 3,22%, tương đương sụt giảm 31,88 điểm. Mức giảm này là rất mạnh nhưng vẫn chưa là gì khi so sánh với mấy phiên giảm liên tiếp của CK quốc tế. Riêng phiên này, CK Nhật Bản giảm 1,72%, Trung Quốc giảm 2,75%, Hồng Công (Trung Quốc) giảm 2,65%, Đài Loan (Trung Quốc) giảm 5,75%, Hàn Quốc giảm 1,71%...

Đại dịch cúm nCoV mới chớm đến Việt Nam, nhưng TTCK đã hòa chung với đà giảm toàn cầu. Thực tế, NĐT lo sợ cũng không phải là vô cớ. Việc phong tỏa giao thông, hạn chế đi lại có nguy cơ ảnh hưởng mạnh lên nền kinh tế. Thậm chí, Trung Quốc còn được dự báo có thể sụt giảm tới 2% tăng trưởng năm 2020 nếu dịch cúm này không được kiềm chế. Trong bối cảnh CK toàn cầu vừa tăng cực mạnh cuối năm 2019, việc bùng nổ đại dịch càng dễ khiến NĐT quay về phòng thủ. Trong nước, TT cũng đã tăng gần 4,5% chỉ trong 10 phiên trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đặc biệt các cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) tăng cực mạnh và bị bán tháo ào ạt ngay phiên đầu năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên chỉ số. Nhóm CPNH phiên này giảm đồng loạt cực mạnh là điều không bất ngờ.

TT bị ảnh hưởng từ các yếu tố đột biến bên ngoài trong kỳ nghỉ nên phản ứng mạnh là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, lực bán cực lớn ở phiên này đã dẫn tới hệ lụy khác. Đặc biệt là áp lực giảm vốn vay lan tràn trên TT. Trước Tết, TT tăng rất khá và chắc chắn việc sử dụng đòn bẩy là lớn vì nhiều người nghĩ rằng TT sau Tết sẽ còn tăng nữa. TT bất ngờ quay đầu với tốc độ cao sẽ nhanh chóng khiến các giao dịch mua và nắm giữ đột nhiên bị ảnh hưởng. Ít nhất có hai yếu tố khiến TT gặp rất nhiều khó khăn vào lúc này: Thứ nhất, nhịp tăng quá tốt trước đó đưa các TT lên đỉnh cao nên rất dễ bị bán ra chốt lời. Thứ hai, các thông tin không rõ ràng về quy mô ảnh hưởng của đại dịch cúm nCoV khiến tâm lý NĐT kém tích cực, thậm chí là lo sợ.

Và VN index đã kết thúc phiên này chỉ còn 959,58 điểm, tức là 10 phiên nỗ lực tăng trước Tết đã bị xóa sạch trong một ngày. Đó là một diễn biến rất tệ, nhưng cũng chỉ đưa TT trở về điểm xuất phát.

Sang phiên giao dịch chốt tháng 1-2020, ngày 31-1, không thể đổ lỗi cho diễn biến giảm cực mạnh trong phiên đến từ những biến động bên ngoài được nữa. Trong khi, TTCK toàn cầu hồi phục giữa tâm bão dịch cúm, TTCK Việt Nam tiếp tục “bốc hơi” gần 23 điểm nữa. Phiên giảm cực mạnh thứ hai liên tiếp này đã khiến NĐT choáng váng. VN index mất thêm 22,96 điểm, nghĩa là chỉ trong có hai phiên chỉ số sụt giảm 5,53% giá trị trong khi 10 phiên tăng trước Tết chỉ được 4,48%.

VN index đóng cửa cuối tuần qua giảm xuống 936,62 điểm, tức là thấp hơn cả đáy thấp nhất hồi tháng 6-2019 ở quanh 940 điểm. TT “thủng đáy” ngắn hạn do áp lực bán kết hợp của cả hoạt động cắt lỗ, giải chấp lẫn hoạt động tái cơ cấu danh mục của quỹ ETF trong nước.

Phiên bán tháo ngày 30-1 đã đẩy rất nhiều NĐT vào thế kẹt, khi trót sử dụng đòn bẩy ở nhịp tăng trước Tết. Sang phiên này giá không tăng được mà tiếp tục giảm thêm, đến cuối phiên sáng 31-1chỉ số mất khoảng 0,5% nữa. Do đó, đến phiên chiều áp lực bán kỹ thuật đã tăng vọt. NĐT buộc phải xử lý các vị thế giao dịch thua lỗ vượt giới hạn hoặc chủ động cắt lỗ trước.

Quá nhiều CP vốn hóa lớn sụt giảm mạnh đã gây áp lực lên các chỉ số. Không ít cổ phiếu đã giảm mạnh đến mức xuống đáy mới trong nhiều tháng: VNM đóng cửa giảm sàn 6,95%; GAS giảm 5,98%... TT chung phiên này vẫn rất xấu khi HoSE cứ một mã giảm chỉ có 0,26 mã tăng và xác lập phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp với thanh khoản tiếp tục rất cao. Tổng giá trị giao dịch hai sàn phiên này ước đạt 5.438 tỷ đồng và mức khớp lệnh đạt kỷ lục 10 tuần với hơn 4.500 tỷ đồng.

Thực tế chỉ trong có hai ngày mà hàng trăm CP sụt giảm vượt 4% và giảm xuống dưới cả đáy trước khi bước vào nhịp tăng gần Tết. Đó là diễn biến khá sốc đối với NĐT đang nắm giữ CP, nhưng cũng là cơ hội bất ngờ đối với các NĐT cầm tiền. Bình thường mức giảm 4-5% như vậy phải trải qua nhịp điều chỉnh cả tháng trời, thậm chí còn lâu hơn. Cơ hội giá thấp đột ngột xuất hiện sẽ kích thích dòng tiền bắt đáy. Mức độ phản ứng của TT hiện tại, nếu chỉ vì yếu tố lo ngại dịch cúm nCoV thì không phù hợp. Thực tế, doanh nghiệp (DN) chưa chắc đã bị ảnh hưởng nhiều vì thời gian cũng còn rất ngắn. Mặt khác, không phải tất cả các DN đều bị ảnh hưởng và các TTCK thế giới cũng thể hiện phản ứng nhẹ nhàng hơn nhiều so Việt Nam. Nghĩa là đang có sự lo ngại quá mức, bởi ngoài yếu tố NĐT bị ảnh hưởng tâm lý do tin tức quá nhiều thì còn do yếu tố kỹ thuật, vì tính đầu cơ và sử dụng vô tội vạ đòn bẩy tài chính.