Lặp lại hiện tượng nghẽn giao dịch

Ngay cả khi VN Index tăng hơn 7 điểm trong phiên giao dịch ngày 12-1 thì tình thế vẫn chỉ là giằng co đối với cổ phiếu (CP). Điểm số chủ đạo vẫn do các mã vốn hóa lớn kéo lên. Hiện tượng điểm số cứ tăng nhưng CP gặp khó khăn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Chuỗi phiên tăng giá mạnh ở phần lớn các CP đã chững lại. Việc nhìn vào đà tăng của VN Index có thể khiến nhà đầu tư (NĐT) không có được đánh giá đúng về CP.

Nhà đầu tư sẽ rất khó giao dịch khi hiện tượng nghẽn hệ thống xảy ra. Ảnh: NG.NAM
Nhà đầu tư sẽ rất khó giao dịch khi hiện tượng nghẽn hệ thống xảy ra. Ảnh: NG.NAM

Đà tăng giá mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) đã bước sang phiên thứ 6 liên tiếp. Hệ thống giao dịch một lần nữa “ngắt mạch” chốt VN Index tại 1.184,89 điểm. Hiện tượng luân phiên giữa các nhóm CP vốn hóa lớn thể hiện rất rõ trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 11-1.

Nhóm CP ngân hàng (NH) chịu sức ép và đồng loạt giảm thì ngay lập tức nhóm CP họ Vingroup bật tăng. Sức ảnh hưởng của những CP lớn này thậm chí còn tốt hơn cả các mã CPNH. Nổi bật là VHM có phiên kịch trần đưa giá vượt qua đỉnh cao lịch sử, chốt tại 103.100 đồng/CP. Riêng VHM giúp VN Index có gần 6,5 điểm trong phiên này. Trong khi đó, nhóm CPNH sụt giảm khá mạnh. Phần lớn các CPNH đã có hai phiên giảm và tạo đỉnh cao ngắn hạn trong vòng ba phiên gần nhất. Nhóm CP chứng khoán cũng quay đầu. SSI giảm 1,76%, VND giảm 4,39%, VCI giảm 3,31%... Nhóm blue chip không thật sự xuất sắc và số lượng mã tăng trong rổ VN30 cũng chỉ 19 mã so 10 mã giảm.

Nhìn chung, TTCK vẫn đang hưởng lợi từ sự ổn định trong xu hướng của chỉ số và nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá tích cực nhất. Blue chip đang có dấu hiệu xoay chuyển giữa các nhóm vốn hóa hơn là nhóm ngành. Các CP tăng giá quá nóng đang bị chốt lời bất chấp kỳ vọng cơ bản vẫn đang tích cực. VN Index có được 17,2 điểm phiên này là mạnh nhất trong chuỗi ngày bứt tốc gần đây. Trong sáu phiên vừa qua, chỉ số từ mức tăng hơn 16 điểm giảm dần xuống 11 điểm và phiên này tăng mạnh trở lại. Có được điều này là do vai trò của nhóm dẫn dắt thay đổi. CPNH sụt giảm là tín hiệu kém tích cực, do đó nếu không có các CP đủ lớn khác tăng, VN Index sẽ mất đà.

Việc VHM tăng kịch trần rất bất ngờ cũng là yếu tố tác động lên chỉ số. Trong bối cảnh hệ thống giao dịch dễ bị nghẽn, việc đẩy chỉ số tăng vọt là một lợi thế lớn, vì mức điều chỉnh sau đó sẽ rất nhỏ hoặc không điều chỉnh được. Phiên này là một thí dụ điển hình khi VN Index đạt đỉnh hơn 1.186 điểm ngay cuối phiên sáng và VHM duy trì giá kịch trần. Toàn bộ thời gian phiên chiều VHM rung lắc khá nhiều, có lúc mất giá trần nhưng chung cuộc vẫn tăng hết biên độ. Hệ thống sau đó dừng nhận lệnh nên thành quả của VHM vẫn được phản ánh lên chỉ số. Hiện tượng chốt lời đáng chú ý tại nhóm CP tài chính bao gồm CPNH, CPCK là một tín hiệu khá quan trọng. Đây là hai nhóm CP có kỳ vọng rất cao ở giai đoạn hiện tại, khi kinh tế tăng trưởng mạnh năm 2021, thanh khoản TTCK liên tiếp lập kỷ lục, NH và CK là lựa chọn đầu tiên. Đây cũng là động lực đẩy giá liên tiếp mấy tuần nay. Khi hai nhóm CP này bị chốt lời mạnh, đồng nghĩa các yếu tố cơ bản không phải là nguyên nhân lớn nhất. Lý do chính sẽ là nhu cầu chốt lời sau khi giá tăng cao.

Đà tăng gấp gáp của giá chính là yếu tố rút ngắn thời gian của xu hướng tăng giá. Ngay cả khi VN Index tăng được hơn bảy điểm trong phiên giao dịch ngày 12-1 thì tình thế vẫn chỉ là giằng co đối với CP. Điểm số chủ đạo vẫn do các mã vốn hóa lớn kéo lên. Hiện tượng điểm số cứ tăng nhưng CP gặp khó khăn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Chuỗi phiên tăng giá ở phần lớn CP đã không còn. Việc nhìn vào đà tăng của VN Index có thể khiến NĐT không có đánh giá đúng về CP.

VN Index tăng trong phiên này có vai trò rất lớn của HPG, VCB, SAB và BID. Thật ra, tình thế có thể thay đổi vì đến đợt ATC nhiều mã không giao dịch được. Dù vậy chỉ số vẫn được chốt tăng mạnh lên mức 1.192,28 điểm, tương đương tăng 0,62% so tham chiếu. Có thể thấy CP blue chip tương đối yếu về xung lực so những phiên trước.

Khi nhìn vào các CP riêng lẻ thì biến động tăng giá không thật sự tạo nên sự đột biến khác biệt nào rõ rệt. Kể cả khi VN Index đột phá qua đỉnh cao lịch sử 1.200 điểm thì chưa chắc CP đã tăng tương xứng chỉ số. Đó là hiện tượng phân hóa về sức mạnh, do ảnh hưởng của các CP vốn hóa lớn đang ngày càng rõ hơn. Điều này cho thấy sự lựa chọn CP sẽ đóng vai trò quyết định ở thời khắc VN Index vượt đỉnh lịch sử. Giai đoạn CP tăng đồng loạt đã không còn nữa.

Hệ thống giao dịch vẫn lặp lại hiện tượng nghẽn về cuối phiên và phiên này hiện tượng nghẽn đã diễn ra ngay từ 1 giờ 45 phút trở đi. Nếu có gì đó khác lạ thì chính là điểm nghẽn xuất hiện khi thanh khoản tương đối thấp, với gần 14.780 tỷ đồng. Thanh khoản trong bối cảnh hệ thống trục trặc thì cũng không có nhiều ý nghĩa. Tuy vậy, nếu như hiện tượng nghẽn xảy ra với quy mô nhỏ hơn nữa thì NĐT sẽ rất khó để giao dịch. Điều này có thể dẫn tới đà tăng giá bất thường vì áp lực bán không đủ để đáp ứng nhu cầu mua.

Về lý thuyết, giá cứ lên thì NĐT sẽ hưởng lợi, nhưng đó là xu hướng giá không phản ánh đúng tính chất giao dịch bình thường của TT. Khi tăng giá, việc nghẽn hệ thống không tạo ra nhiều bất lợi nên NĐT không phản ứng mạnh, nhưng khi bất lợi của hệ thống gây ra thua lỗ, tình thế lúc đó sẽ khác.