Kỳ vọng vào các blue chip

Sau gần hai tháng dường như bị thị trường (TT) lãng quên, ngày 23-7, VIC - cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nhất TT đã bất ngờ bùng nổ. VIC tăng giá 2,83% là mạnh chưa từng thấy trong suốt 70 phiên giao dịch gần nhất. Nhờ đó, TT có một phiên giao dịch khá tưng bừng khi VN Index tăng hơn 7 điểm lên 989,46 điểm.

Nhà đầu tư có phần kỳ vọng vào những blue chip lớn. Ảnh: NGUYỄN ANH
Nhà đầu tư có phần kỳ vọng vào những blue chip lớn. Ảnh: NGUYỄN ANH

Sau phiên cuối tuần qua bật tăng mạnh mẽ, những tưởng trong phiên đầu tuần này, ngày 22-7, TT phải bùng nổ với mức độ ấn tượng không kém. Đáng tiếc là dường như nhà đầu tư (NĐT) lại tranh thủ tin tốt xuất hiện để chốt lời. Các thông tin kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN) dồn dập xuất hiện dịp cuối tuần qua, do hạn chót ngày 20-7 đúng vào ngày thứ bảy. TT sáng thứ hai có đầy đủ thông tin để phản ánh vào giá. Thông thường kết quả kinh doanh tích cực sẽ giúp giá CP tăng, nhưng không phải NĐT nào cũng chờ đợi đến lúc công bố chính thức. Hoạt động thu gom đã được tiến hành từ trước và khi thông tin xuất hiện là lúc xả hàng.

CP ngân hàng (NH) bắt đầu rơi vào trạng thái sự đuối sức. Đơn cử, MBB công bố lợi nhuận sau thuế sáu tháng tăng 34%. Giá MBB có một nhịp bùng nổ tăng 1,8% lên mức 22.600 đồng/CP. Đó cũng là giá cao nhất hồi tháng 3-2019. Như thế là MBB đã quay lại đỉnh cao cũ đúng vào ngày xuất hiện kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, lực chốt lời rất mạnh phiên này đã nhanh chóng đẩy giá MBB quay lại đúng tham chiếu. Liên tục 5 - 6 phiên gần đây, MBB giao dịch vượt 100 tỷ đồng giá trị. Giá MBB từ đầu tháng 7 phiên này tăng 7,77% và nhịp tăng hiện tại đem lại lợi nhuận khoảng 10% kể từ đáy tháng 6-2019.

Trong nhóm CPNH phiên này chỉ còn BID tăng 2,44% là ấn tượng. BID chưa ra kết quả kinh doanh và là CP mạnh cùng với VCB. Có thể nói sóng CPNH lần này tập trung vào ba mã là VCB, BID và MBB. Các CPNH khác cũng có tăng nhưng mức tăng yếu hơn và không đạt thanh khoản tốt.

CPNH quay đầu phiên này nhưng lại không có sự thay thế đủ mạnh ở các CP lớn khác. VIC tăng 0,43%, SAB tăng 0,04% và VHM tăng 0,12%, nhưng đã thiếu đi ba mã lớn nhất TT khi VNM giảm 1,1%, VRE giảm 1,87%, GAS giảm 0,47%. Diễn biến giá ở nhóm CP vốn hóa lớn nhất đã đẩy VN Index đóng cửa tụt xuống dưới tham chiếu, dù chỉ mất 0,3 điểm mà thôi.

Hiện TT vẫn còn trông đợi một vài thông tin kết quả kinh doanh quan trọng nữa chưa xuất hiện. Tuy nhiên, cứ theo những gì CPNH thể hiện, không có gì bảo đảm báo cáo lợi nhuận sẽ đẩy giá CP tăng bền vững. Hoạt động chốt lời sớm dường như đang được quan tâm hơn cả. Cho đến giờ đã có rất nhiều DN báo cáo lợi nhuận, nhưng thanh khoản TT vẫn không thể mạnh lên được. Phiên này tổng giá trị giao dịch cũng chỉ tương đương phiên cuối tuần trước, nhưng đó là nhờ giao dịch thỏa thuận tới hơn 1.113 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần. Điều đó có nghĩa là giao dịch khớp lệnh đã sụt giảm rất nhiều.

Một diễn biến nữa cũng không tích cực ở phiên này, là blue chip suy yếu, phân hóa, nhưng các CP vừa và nhỏ cũng chưa thu hút được dòng tiền. Kết quả kinh doanh không phải tốt đều như nhau, đó là điều mà NĐT lo ngại đối với các DN nhỏ. Thông thường, TT hào hứng với con số lợi nhuận của các blue chip hơn là các DN nhỏ. Vì vậy TT sôi động nhất trong khoảng hai tuần đầu tiên khi có báo cáo tốt. Sau đó, TT bắt đầu phân hóa theo từng CP và nhóm đầu cơ có tăng cũng chỉ là nhờ dòng vốn nóng có cớ để đẩy giá.

Sang phiên giao dịch ngày 23-7, TT có một phiên giao dịch khá tưng bừng, khi VN Index tăng hơn 7 điểm lên 989,46 điểm. Trong phiên này, chỉ số có lúc còn vượt qua cả 990 điểm. Mặc dù nhóm CPNH chững lại, TT vẫn được tiếp sức từ các CP lớn khác. Đặc biệt, phiên này có sự bùng nổ của VIC, CP vốn hóa lớn nhất TT nhưng bị “lãng quên” gần hai tháng qua. VIC tăng giá 2,83% là mạnh chưa từng thấy trong suốt 70 phiên giao dịch gần nhất. TT đang đồn thổi về kết quả kinh doanh của VIC và CP này thu hút một lượng giao dịch rất lớn. Khoảng 1,5 triệu CP được khớp lệnh trị giá 179,4 tỷ đồng, theo đó VIC lập kỷ lục thanh khoản trong vòng bốn tháng. Rõ ràng là NĐT kỳ vọng lớn ở CP này mới chấp nhận đua giá cao như vậy. Cùng với VIC, VHM cũng tăng 1,42%, GAS tăng 1,52%, HPG tăng 4,58%, MWG tăng 2,25%, NVL tăng 1,22%, VRE tăng 1,63%. Đó là các blue chip tăng giá tốt trong phiên này, một sự thay thế kịp thời cho nhóm CPNH.

Nhóm CPNH chững lại cũng có lý do, khi kết quả kinh doanh quý II đã được TT biết và phần nào phản ánh vào giá. Các CP nhỏ hơn hoặc vốn hóa trung bình đón nhận thông tin dù là tích cực cũng không đủ sức ảnh hưởng tới TT chung.

Thanh khoản trên TT cũng phản ánh kỳ vọng này. VIC giao dịch cực mạnh. HPG, MBB cũng lên tới cả trăm tỷ đồng giá trị. MBB giao dịch lớn nhất trong nhóm CPNH. Các CP này tăng giá mạnh, thanh khoản tăng nghĩa là NĐT mua vào nhiều. Nếu không có kỳ vọng lớn, việc đuổi giá cao như phiên này sẽ không diễn ra quyết liệt tới tận phút chót.

Những phiên giao dịch trong tuần này là thời điểm công bố kết quả kinh doanh dồn dập nhất. Những DN báo cáo muộn thường kém tích cực. TT bùng nổ cũng bởi NĐT có phần vì kỳ vọng vào những blue chip lớn nhất. Điều rất rõ là nếu VIC không tăng tới gần 3% thì VN Index rất khó để tăng mạnh như vậy.