Kỳ vọng thị trường tích cực hơn

Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, một số nhóm ngành dự báo có kết quả kinh doanh cả năm khả quan và một số yếu tố mới xuất hiện, thị trường chứng khoán (TTCK) được kỳ vọng sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trong quý cuối năm 2019.

Việc hạ lãi suất là thông tin hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trong quý IV. Ảnh: HẢI BẮC
Việc hạ lãi suất là thông tin hỗ trợ tích cực cho tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trong quý IV. Ảnh: HẢI BẮC

Sau những đợt giảm điểm ngay trong tháng 9 vừa qua, TTCK đã tăng trở lại, VN Index vài lần tiến sát mức 1.000 điểm. Trong những phiên giao dịch đầu tháng 10, VN Index tiếp tục nhiều lần gần chạm ngưỡng này. TT trong quý cuối năm được dự báo tiếp tục có diễn biến khả quan.

Theo Giám đốc Chiến lược Công ty CK Dầu khí (PSI) Lê Đức Khánh, rủi ro biến động chính trị, kinh tế thế giới vẫn hiện hữu, sản xuất công nghiệp của nhiều khu vực đã có dấu hiệu giảm sút. Không ít tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế và khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) duy trì mức dự báo tăng trưởng. Triển vọng Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP như kế hoạch 6,6 - 6,8% đề ra từ đầu năm là khả thi. Trong khi đó, gần đây có các thông tin hỗ trợ TTCK như làn sóng hạ lãi suất của nhiều ngân hàng (NH) T.Ư trên thế giới nhằm hỗ trợ, kích thích kinh tế, chẳng hạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 0,25%. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất điều hành từ ngày 16-9. Nhìn chung, Việt Nam đang có nhiều cơ sở để có thể dự báo TTCK quý IV sẽ khởi sắc hơn giai đoạn quý II và III, đặc biệt là trong tháng 10, chỉ số VN Index có thể vượt 1.000 điểm, tiệm cận ngưỡng 1.100 điểm.

Xu thế giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ là một trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam nói chung, TTCK nói riêng có diễn biến tích cực hơn trong giai đoạn quý IV. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là điểm sáng thu hút dòng tiền đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp, tăng trưởng kinh tế được duy trì, dòng tiền nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại mua trên TTCK… là những yếu tố hỗ trợ TT. Cũng không thể không nhắc tới yếu tố tâm lý ổn định và lạc quan trở lại của nhà đầu tư (NĐT) khi chứng kiến các chỉ số CK lớn trên thế giới hồi phục. Theo đó, chỉ số VN Index đang quay trở lại sát mốc 1.000 điểm, với lực mua gia tăng ở các cổ phiếu (CP) trụ thuộc nhóm: NH, xây dựng, công nghệ, dầu khí, nhất là nhóm CP dịch vụ CK, vốn khá nhạy với xu hướng tăng của TT. Về cơ hội đầu tư, nhóm CPNH, công nghệ, CK, dầu khí vẫn sẽ là tâm điểm của TT trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận chiến lược TT Công ty CK VietinBank thận trọng nhận định, TTCK sẽ không có quá nhiều biến động khác biệt đáng chú ý, trong bối cảnh yếu tố rủi ro vĩ mô như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số khó dự đoán và sự gia tăng lo ngại về các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần hiện ra rõ ràng hơn. Thời gian qua, thanh khoản trên TTCK suy giảm, phản ánh dòng tiền tỏ ra thận trọng khi tham gia, bởi thông tin hỗ trợ không nhiều, trong khi các tin tức tiêu cực lại có tác động lớn lên tâm lý TT chung. Do đó, trong kịch bản lạc quan, chỉ số VN Index sẽ dao động trong vùng 940 - 1.005 trong quý cuối năm 2019, với ngưỡng 940 điểm có thể coi là vùng đáy của chỉ số và vùng 1.000 - 1.005 điểm là vùng kháng cự mạnh. Tất nhiên, TT vẫn luôn có những điểm sáng ở một số nhóm ngành. Trong quý IV, nhóm CPNH, công nghệ thông tin, bán lẻ, bất động sản (BĐS), BĐS khu công nghiệp, dệt - may, cảng biển, dịch vụ hậu cần sẽ là những điểm sáng mà NĐT cần chú ý.

Trên TTCK, kết quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) chính là nền tảng quan trọng nhất cho đà tăng của TT. Nhất là khi NĐT trên TTCK có sự sàng lọc so trước kia. Nhìn trên bình diện toàn TT, kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trong sáu tháng đầu năm 2019 đã phát đi tín hiệu kém lạc quan hơn so cùng kỳ 2018, đặc biệt ở nhóm DN vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tăng trưởng ở nhóm DN có giá trị vốn hóa lớn được dự báo sẽ duy trì ở mức cao và là bệ đỡ quan trọng cho TTCK trong quý IV, đặc biệt là các ngành đã ghi nhận tăng trưởng mạnh trong giai đoạn nửa đầu năm như: BĐS (37,8%), bán lẻ (30%), NH (18,2%)… Và đây sẽ là những nhóm ngành dự báo thu hút dòng tiền trong quý IV. Tới thời điểm này, một số DN đã hé lộ kết quả kinh doanh rất tốt. Chẳng hạn, Tổng công ty CP Ðầu tư phát triển xây dựng (DIG) ước lãi hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận trong sáu tháng cuối năm, tăng hơn bốn lần so giai đoạn nửa đầu năm. Công ty CP Ðầu tư LDG (LDG) ước vượt kế hoạch 600 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay. Công ty CP Tập đoàn Hà Ðô (HDG) dự báo đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2019; trong đó, lợi nhuận sáu tháng đầu năm đạt 627 tỷ đồng, gấp tám lần so cùng kỳ…

Theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khu vực miền bắc, Công ty CK MB (MBS), nhân tố tác động mạnh nhất tới xu thế TT là lãi suất và các yếu tố ảnh hưởng tới lãi suất. Thế nên, chừng nào lãi suất còn ở xu thế giảm thì TT còn xu thế tăng trong trung hạn. Vừa qua, FED và một loạt NHT.Ư các nước đã hạ lãi suất điều hành, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ðây là thông tin hỗ trợ cho tâm lý NĐT trên TTCK trong quý IV, thậm chí có thể kéo dài tới quý I-2020. Việc hạ lãi suất này sẽ không làm dòng tiền chảy vào sản xuất, mà chỉ thúc đẩy dòng tiền đầu cơ đổ vào TT tài sản, do vậy, ảnh hưởng tốt đến TT tài sản nói chung và TTCK nói riêng trong khoảng sáu tháng đến một năm tới.