Không chỉ do tâm lý

Thị trường chứng khoán (TTCK) bất ngờ có một phiên hoảng loạn và mức giảm nhiều nhất của VN Index có lúc lên tới hơn 40 điểm trong phiên cuối tuần qua, ngày 24-7. Việc xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 mới có thể là lý do khiến nhà đầu tư (NĐT) lo ngại, nhưng nếu nhìn ngược lại thời điểm bệnh dịch còn nặng nề hơn nhiều mà TTCK vẫn tăng thì không có lý do gì chỉ với một thông tin như vậy NĐT đã bán đổ bán tháo.

Nhiều nhà đầu tư bắt đáy khi thị trường đột nhiên giảm mạnh. Ảnh: NAM ANH
Nhiều nhà đầu tư bắt đáy khi thị trường đột nhiên giảm mạnh. Ảnh: NAM ANH

Trong phiên giao dịch ngày 23-7, VN Index tăng 1,67 điểm thì riêng VHM đã đóng góp hơn 1,2 điểm. TT may mắn có một ngày đảo chiều dù số cổ phiếu (CP) giảm giá vẫn áp đảo. Phần lớn thời gian của phiên này TT trồi sụt rất khó chịu bất chấp CK thế giới tăng tốt. VN Index nằm dưới tham chiếu rất lâu trước khi phục hồi dần về cuối phiên. Khoảng 15 phút cuối chỉ số chuyển xanh thành công dù mức độ rất nhẹ.

Nhóm CP vốn hóa lớn đã bật lên khá tốt trong những giây cuối và hỗ trợ chỉ số thoát khỏi một phiên giảm. VHM tăng 1,68%, VRE tăng 5,01% và GAS tăng 1,28% là những mã kéo chỉ số nhiều nhất. Riêng VHM và VRE đã giúp VN Index có được 2,2 điểm, nhiều hơn cả mức tăng lúc đóng cửa. Khả năng nâng đỡ của các blue chip đã không tạo được hiệu ứng tốt ở nhóm đầu cơ. Midcap giảm 0,61% và Smallcap giảm 0,7%. Ngay cả với VN30, thanh khoản tăng nhưng cũng đang là vấn đề lớn vì hầu như giao dịch tăng là nhờ HPG, VRE và VCB. Ba mã này đã chiếm 35% giá trị khớp của rổ là tỷ trọng quá cao. Đặc biệt VRE xuất hiện thanh khoản đột biến lớn nhất trong vòng hai tháng, với 7,3 triệu CP, tương đương 202 tỷ đồng giá trị…

Mức phục hồi chưa tới hai điểm phiên này của VN Index có yếu tố kéo trụ khá rõ. Các CP lớn quay đầu tăng mạnh mẽ và cũng là lúc chỉ số thoát đáy để đi lên. Tính riêng nhịp phục hồi chiều 23-7, VN Index đã tăng khoảng 4,5 điểm.

Ngoài số ít CP tăng mạnh một cách rõ rệt, phần lớn CP chỉ dao động đi ngang yếu và thanh khoản cũng suy giảm. Nhìn thuần túy VN Index cuối phiên thì khả năng phục hồi là khá tốt (hơn 4 điểm), nhưng nếu không nhờ mã trụ thì cũng vẫn thất bại. Thêm nữa, không có nhiều CP phục hồi đủ mạnh theo diễn biến của chỉ số, phần lớn vẫn chưa vượt được tham chiếu. VN Index đóng cửa phiên này đạt 856,75 điểm và so mức giảm phiên kề trước (6,61 điểm) thì cũng không có gì đáng nói. Ngoài ra, chỉ số vẫn chưa chinh phục trở lại được ngưỡng 860 điểm. Do vậy, diễn biến giằng co này không có nhiều tín hiệu tốt và khi thông tin kết quả kinh doanh sắp kết thúc thì cơ hội đi lên càng khó hơn. 

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, TTCK bất ngờ có một phiên hoảng loạn và mức giảm mạnh nhất của VN Index có lúc lên tới hơn 40 điểm. Nguyên nhân được cho là liên quan trường hợp dương tính với Covid-19 ở Đà Nẵng. Đây có thể là lý do khiến NĐT lo ngại, nhưng nếu nhìn ngược lại thời điểm bệnh dịch còn nặng nề hơn nhiều mà TTCK vẫn tăng thì không có lý do gì chỉ với một thông tin như vậy NĐT đã bán đổ bán tháo.

Thực tế, áp lực bán lớn trên TT phiên này không chỉ xuất phát từ tâm lý, mà còn do bản thân TT đã đuối sức từ vài tuần nay. Mặt khác, các con số sử dụng đòn bẩy lớn đã lan truyền mấy phiên gần đây khi không ít NĐT trông đợi mùa kết quả kinh doanh quý II sẽ đưa TT vượt 900 điểm. Ngay đầu tháng 7 này mức tăng đã hơn 6% và hy vọng đó hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, TT luôn đi theo hướng bất ngờ nhất và các NĐT có kinh nghiệm đều biết rằng nhiều thông tin hỗ trợ mà không tăng được thì nguy cơ giảm rất cao. Kỳ vọng dù có cơ sở nhưng phải hợp lý và được xác thực trong giao dịch hằng ngày. Đã bốn phiên liền TT suy giảm, dòng tiền không mạnh thì rất dễ dẫn tới một phiên cắt lỗ đồng loạt. Việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 chỉ là một “cú huých” nhỏ mà thôi.

VN Index đóng cửa phiên này giảm tới 3,22% so tham chiếu, tương đương mất 27,59 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng sáu tuần qua. TT đã có phục hồi một chút nhờ lực cầu bắt đáy, ngưỡng giảm nhiều nhất của chỉ số tới hơn 40 điểm, tương đương 4,68%.

Phiên hoảng loạn này tiếp tục cho thấy không có bất kỳ ảnh hưởng nào của kết quả kinh doanh. CP giảm giá hàng loạt bất kể là tốt hay xấu, lớn hay nhỏ, lời hay lỗ, NĐT chỉ có một hướng duy nhất là tháo chạy. Thanh khoản tăng lên 8.191 tỷ đồng tổng giá trị và 7.472 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn là rất lớn. Dĩ nhiên NĐT phải tháo chạy thì mới khiến giá giảm sâu và thanh khoản cao như vậy. Ngược lại cũng phải có NĐT bỏ tiền vào mua, nếu không CP đã giảm sàn hàng loạt. TT đột nhiên giảm cực mạnh tất yếu khuyến khích NĐT bắt đáy. Mặt khác, tại đáy giảm sâu nhất, VN Index quay lại mức hỗ trợ cuối tháng 6 vừa qua. NĐT có cơ sở để kỳ vọng TT sẽ bật lên từ đáy này một lần nữa, như đã từng diễn ra trong hai tuần đầu tháng 7.

Giao dịch hằng ngày là sự đấu trí giữa người mua và người bán nên một phiên giao dịch khó có thể biết bên nào đúng. Nếu TT không giảm sâu hơn nữa thì phiên này người mua thắng và ngược lại. Tuy nhiên, câu chuyện với CP lại hoàn toàn khác với VN Index. Phiên này nhiều mã lớn được bắt đáy có phục hồi nhẹ (dù đóng cửa vẫn giảm) nên chỉ số lấy lại được khoảng 12,5 điểm. Nhiều CP bật lên từ 1% - 2%, cá biệt một số mã phục hồi 3% - 4% so đáy. Vấn đề là những CP này có duy trì được biên lợi nhuận đó cho tới lúc về tài khoản hay không. Thực tế, NĐT nước ngoài vẫn ghi nhận hoạt động mua vào mạnh trong phiên này.