Khối nước ngoài bán ròng

Thị trường chứng khoán (TTCK) ở trạng thái giằng co khá căng thẳng trong phiên giao dịch ngày 21-7 vì nguy cơ sụt giảm sâu hơn là hiện hữu nếu VN Index để mất ngưỡng 860 điểm. Tín hiệu tích cực là về cuối phiên một số cổ phiếu (CP) lớn phục hồi tốt, đẩy chỉ số đóng cửa tại 861,69 điểm. Tuy nhiên, TT tiếp tục chứng kiến nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài duy trì mức bán ròng lớn.

Khối nhà đầu tư nước ngoài duy trì mức bán ròng lớn sang phiên thứ hai của tuần này. Ảnh: NAM HẢI
Khối nhà đầu tư nước ngoài duy trì mức bán ròng lớn sang phiên thứ hai của tuần này. Ảnh: NAM HẢI

TT đột ngột suy yếu nghiêm trọng ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 20-7), mặc dù không có thông tin tiêu cực. Áp lực bán dâng cao ở tất cả các CP, nhất là tại nhóm blue chip dù TT chính thức bước vào đợt công bố kết quả kinh doanh quý II. Diễn biến đi ngang suốt sáu phiên gần nhất đã thay đổi theo chiều hướng không tích cực. Nhóm blue chip lớn phiên này giảm nhiều nhất, tạo sức ép quá mạnh lên VN Index. TT không xấu ngay, áp lực bán đầu phiên cũng chưa lớn. VN Index mở cửa chỉ giảm nhẹ 0,16% so tham chiếu, thậm chí đến khoảng 10 giờ cũng mới giảm hơn ba điểm.

Diễn biến yếu dần xuất hiện khi nhóm blue chip bắt đầu chịu sức ép ngày càng lớn. Hàng loạt CP lao dốc mạnh hơn về chiều và chỉ số rơi càng lúc càng sâu. Đóng cửa, VN Index dừng ở đáy thấp nhất ngày, giảm 10,62 điểm, tương đương 1,22% và chỉ còn 861,4 điểm. NĐT nước ngoài cũng có một phiên xả rất lớn ở blue chip. Riêng nhóm VN30 đã bán ròng gần 177 tỷ đồng. Toàn sàn HoSE, khối nước ngoài bán ròng 239 tỷ đồng. Các blue chip bị bán nhiều nhất là: HPG, STB, POW, VRE, VHM, BID, SSI. Ngoài ra có DXG, HSG, HQC, CII... 

Các CP đầu cơ hiếm hoi đi ngược TT phiên này hầu hết là thanh khoản rất nhỏ. Áp lực bán gia tăng được phản ánh rõ nét đối với các CP thanh khoản lớn. Trong 10 mã giao dịch nhiều nhất phiên này, chiếm 33% giá trị sàn HoSE, thì chỉ có SZC là tăng và DBC tham chiếu, còn lại toàn giảm và có bảy mã giảm hơn 1%. Ngược lại, các CP tăng giá phần lớn có thanh khoản tính theo giá trị rất nhỏ, khớp lệnh vượt 30 tỷ đồng chỉ có DAH, KBC, ITA, SZC.

Mức giảm 1,22% trong phiên này của VN Index là mạnh nhất trong 15 phiên vừa qua, chỉ đứng sau phiên ngày 29-6 (giảm 22,62 điểm tương đương 2,7%). TT đột ngột thay đổi trạng thái mà không có lý do cụ thể từ bên ngoài là điều bất ngờ. Thậm chí, các thông tin kết quả kinh doanh quý II còn bắt đầu được công bố dồn dập. Diễn biến các TTCK quốc tế cũng không quá xấu.

Lý do duy nhất có lẽ là NĐT không trông đợi nhiều vào kết quả kinh doanh quý II, cũng như cơ hội TT tiếp tục tăng để kiểm tra lại đỉnh 900 điểm. Thực tế, đến ngưỡng 871 - 873 điểm chỉ số còn không vượt qua được trong hai tuần qua và đến phiên này còn mất luôn cả mốc 870 điểm. Với diễn biến giảm trên diện rộng như vậy, TT đã không có hiện tượng phân hóa một cách rõ rệt. Đáng lẽ với kỳ vọng kết quả kinh doanh thì NĐT sẽ chọn lựa CP để mua, dẫn tới lực đỡ giữ cho giá tăng giảm khác nhau. Nhóm VN30 là thí dụ, chắc chắn có nhiều doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhưng phiên này tất cả đều giảm. Nguyên nhân có lẽ một phần là do giá đã tăng từ trước và phản ánh kỳ vọng kết quả kinh doanh. NĐT không còn nhiều niềm tin giá sẽ tăng thêm khi thông tin lợi nhuận xuất hiện.

Sang phiên giao dịch ngày 21-7, nhịp sụt giảm khá mạnh trong buổi sáng đã đẩy VN Index giảm xuống tận 856,94 điểm, dưới tham chiếu 0,52% hay gần 4,5 điểm. Mức giảm thì bình thường, nhưng điểm đáng ngại là chỉ số đã bị phá vỡ theo hướng tiêu cực vùng biến động ổn định. Nếu chỉ số tiếp tục giảm sâu hơn nữa thì NĐT sẽ lo lắng về nguy cơ kết thúc xu thế đi ngang để bắt đầu giảm sâu hơn và bán nhiều hơn. May mắn là buổi chiều TT có cải thiện. Vai trò quyết định được đặt lên vai các mã lớn là VCB và VNM. Cả hai CP này cũng giảm khá nhiều cuối phiên sáng, VCB giảm 0,61% và VNM giảm 0,95%. VCB được đẩy lên dần và càng về cuối phiên càng tăng. CP này đóng cửa đã vượt tham chiếu thành công và tăng 0,36%. VNM cũng đóng cửa tăng 0,26%.

Trong các phiên bình thường thì mức tăng nói trên là quá ít, nhưng phiên này là đủ để giành lại khoảng 0,6 điểm cho VN Index, vừa đủ để chốt trên tham chiếu, tăng 0,29 điểm. Quan trọng nhất là VN Index vẫn tiếp tục duy trì được trên ngưỡng 860 điểm. Cả sàn HoSE chỉ có 0,85 mã tăng cho mỗi mã giảm, về tỷ lệ là tốt hơn phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, mức tăng ở phần lớn các CP chỉ bằng phần nhỏ với mức giảm phiên trước. Nói cách khác, diễn biến phục hồi phiên này mới chỉ là phản ứng nhỏ, không rõ nét.

TT tiếp tục chứng kiến khối NĐT nước ngoài duy trì mức bán ròng lớn sang phiên thứ hai của tuần này. Khối này xả tập trung vào các blue chip khiến những nỗ lực nâng đỡ càng thêm vất vả cho NĐT trong nước. Riêng nhóm VN30 hôm nay đã bị khối này bán ròng 264 tỷ đồng. Các CP bị bán ròng lớn nhất, lên tới cả triệu CP là HPG, SSI, DXG, POW. Ngoài ra, VHM cũng bị bán cực mạnh với 1,15 triệu CP trong khi chỉ mua vào chưa tới 170.000 CP. Mặc dù VHM cũng được NĐT trong nước bắt đáy và đẩy dần giá lên nhưng chưa thể chạm được vào tham chiếu, đóng cửa vẫn giảm 0,51%. Hơn một nửa (55%) thanh khoản của VHM là do khối nước ngoài bán ra. 

Tính chung sàn HoSE phiên này bị khối nước ngoài rút ròng hơn 303 tỷ đồng. Mức bán ròng trong phiên đầu tuần vào khoảng 240 tỷ đồng, nghĩa là đã có biểu hiện tăng. Thật ra, khối này đã bán ròng trên HoSE trong hơn hai tuần qua, nhưng cuối tuần trước có giảm đáng kể. Hai ngày đầu tuần này quy mô bán ra đã tăng vọt, dù TT đang bước vào cao điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý II.