Khi blue chip đảo chiều tăng

Trong phiên cuối tuần qua, ngày 21-8, dưới sự dẫn dắt của nhiều cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH), nhóm blue chip đã đảo chiều tăng mạnh, giúp VN Index đảo ngược tình thế cho cả tuần qua. Chỉ số này đã có được mức tăng hơn bốn điểm so cuối tuần kề trước, dù đến phiên giao dịch trước đó, ngày 20-8, thị trường vẫn còn giảm gần ba điểm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VN Index tăng lên 854,78 điểm. Ảnh: NAM HẢI
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VN Index tăng lên 854,78 điểm. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, phiên đảo chiều khá mạnh ngày 19-8 chưa thể giúp TT trong nước kéo dài sự hưng phấn. Đêm 19-8, các thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế đồng loạt quay đầu giảm, đặc biệt là CK Mỹ sụt giảm ngay tại đỉnh lịch sử. Diễn biến này đã “hạ hỏa” những cái đầu nóng chờ một phiên bùng nổ...  Ngày 20-8 cũng là phiên giao dịch quan trọng khi hợp đồng phái sinh chỉ số tháng 8 đáo hạn. Không ít nhà đầu tư (NĐT) nghĩ đến một phiên đáo hạn tăng hoành tráng nữa, vì phiên kề trước đã tăng tốt và phiên này có thể được kéo mạnh hơn để các NĐT duy trì vị thế mua trên thị trường phái sinh “ăn đậm”.

Đầu phiên 20-8, TT có tăng thêm chút ít, VN Index lên 856,99 điểm, tăng 0,68%. VN30 Index lên 793,35 điểm, tăng 0,5%. Đó là 30 phút đầu tiên huy hoàng nhất của TTCK Việt Nam khi đi ngược xu hướng thế giới. CK Mỹ đêm 19-8 lại có thêm một nhịp tăng trong phiên, S&P500 lại vượt đỉnh lịch sử nhưng rồi ngay lập tức quay đầu giảm. Các TTCK châu Á phiên này cũng đỏ rực, CK Nhật Bản giảm 1%, Trung Quốc giảm 1,3%...

TTCK trong nước sau khi đạt đỉnh cao sớm đã không thể duy trì được lực đỡ, vì các CP blue chip đồng loạt quay đầu. Mức giảm không phải là quá mạnh, nhưng giảm đều, tạo nên một sườn dốc kéo dài ở cả hai chỉ số. VN Index đóng cửa giảm 0,35%, VN30 Index giảm 0,42%. 

Như vậy mức điều chỉnh ở blue chip chỉ ở ngưỡng trung bình, nhưng đủ để xóa sạch nhịp tăng trong phiên giao dịch ngày 19-8. TT như vậy là thiếu ổn định, vì chỉ qua một đêm tình thế đã thay đổi theo hướng thiếu tích cực. Đợt đóng cửa phiên giao dịch ngày 20-8 cũng chứng kiến sự thất bại của các blue chip cố gắng tăng giá để kéo VN30 Index lên phục vụ cho đáo hạn phái sinh. 

Trong phiên giao dịch này, NĐT khá hào hứng khi thanh khoản gia tăng mạnh và khối nước ngoài mua ròng rất nhiều. Tuy nhiên đó là thỏa thuận của VHM trị giá tới 1.700 tỷ đồng từ rất sớm. Giao dịch này giúp tổng giá trị hai sàn đạt 7.461 tỷ đồng, tăng 54% so phiên trước. Giao dịch khớp lệnh cũng có cải thiện với mức tăng 15% giá trị khớp, đạt 4.875 tỷ đồng và khối lượng khớp cũng tăng gần 8%. Khối lượng tăng chậm hơn giá trị là do giao dịch tập trung nhiều ở các mã thị giá cao. Thanh khoản khớp lệnh cao nhất TT phiên này thuộc về ACB với gần 19,5 triệu CP, tương đương 403,5 tỷ đồng. ACB chính thức xác lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản và giá cũng tăng 5,58% trong ngày chốt quyền. Tuy vậy, biến động của ACB cũng thể hiện lực chốt lời rất cao: Ban đầu giá còn tăng tới 7,61% trước khi bị xả ép xuống. Dù vậy riêng từ đầu tháng 8 tới giờ, ACB đã tăng 20,1%, mức lợi nhuận quá lớn để chốt lời.

Sàn HoSE có giao dịch khá lớn tại HPG, VHM, VNM, PHR và HSG, đây cũng là những CP giao dịch khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng. Trong số này duy nhất PHR là tăng 0,52%, còn lại là giảm hoặc tham chiếu. 5 CP trên sàn HoSE cộng ACB bên HNX chiếm khoảng 25,4% tổng giá trị khớp hai sàn. Vì vậy thanh khoản cao phiên này cũng chỉ là nhờ số ít mã. VN Index để mất 3 điểm phiên này là gần hết mức tăng phiên kề trước. Điều quan trọng hơn là TT vẫn thể hiện sự chật vật trong một biên độ hẹp đi ngang kéo dài.

Nhóm blue chip đảo chiều tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua dưới sự dẫn dắt của nhóm CPNH đã giúp VN Index đảo ngược tình thế cho cả tuần qua. Chỉ số đã có được mức tăng hơn bốn điểm so cuối tuần kề trước. TT giao dịch không tốt trong phiên sáng 21-8, mức tăng chỉ khoảng bốn điểm. Tuy nhiên buổi chiều nhóm CPNH bùng nổ mạnh mẽ đã tạo ra sự khác biệt. Hầu hết các mã CPNH đều tăng rất mạnh, trừ VCB, CP lớn nhất nhóm CPNH. Phiên này, VCB bị khối nước ngoài kiềm chế chặt bằng lượng bán ra lớn. Trong tổng khối lượng giao dịch 1,28 triệu CP thì khối nước ngoài xả tới 1,2 triệu CP, tức là chiếm gần 94%. 

Trong khi đó, trừ EIB tham chiếu, tất cả các mã CPNH còn lại trên HoSE đều tăng tưng bừng. Các mã CTG, BID, VPB và TCB là bốn trong năm CP có ảnh hưởng nhất tới VN Index phiên này. Có thể nói nhóm CPNH thật sự là trụ cột của phiên tăng cuối tuần qua. Sự yếu ớt của các CP lớn còn lại được bổ sung bằng số đông các mã CPNH. 

NĐT nước ngoài là những người đi ngược TT phiên này, khi bán ròng lớn trên sàn HoSE. Riêng trong nhóm VN30 giá trị bán ròng lên tới hơn 281 tỷ đồng và cả sàn HoSE là hơn 271 tỷ đồng. 

Mặc dù mức bán ròng lớn ở phiên này không ảnh hưởng nhiều đến TT và chỉ có VCB, VHM giảm giá, nhưng đây là động thái bán ròng liên tục rất lớn. Chỉ trong hai tuần gần nhất, khối nước ngoài rút vốn ròng thẳng qua khớp lệnh đã gần 1.300 tỷ đồng và bán ròng 10 phiên liên tục. Mặc dù có mua ròng thỏa thuận, nhưng động thái rút vốn qua khớp lệnh là đáng suy ngẫm hơn, vì sẽ tác động trực tiếp lên giá CP, trong khi việc mua ròng thỏa thuận không khiến NĐT bình thường hưởng lợi gì về sức cầu.

Hai tuần khối NĐT nước ngoài xả ròng liên tục cũng là hai tuần TT dao động đi ngang rất nhỏ. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, VN Index tăng lên 854,78 điểm, nhưng đây cũng không phải là thay đổi lớn. Chỉ số này vẫn đang dao động ở biên độ hẹp và mức cao nhất đạt được trong hai tuần nay là 860 điểm, mức thấp nhất khoảng 841 điểm. Có thể thấy, về cơ bản vùng khống chế của chỉ số vẫn được giữ nguyên.