Hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tiếp tục điều hành thị trường chứng khoán (TTCK) theo các quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của TT, hạn chế thấp nhất các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào TT khi chưa thật sự cần thiết”. Cùng với đó, sẽ tăng cường theo dõi, giám sát diễn biến TT, kịp thời đưa ra những thông tin chính thống, minh bạch; trấn an tâm lý NĐT; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

UBCKNN tổ chức họp trực tuyến. Ảnh: NAM ANH
UBCKNN tổ chức họp trực tuyến. Ảnh: NAM ANH

UBCKNN vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến hai đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để cùng với đại diện lãnh đạo khoảng 40 công ty chứng khoán (CTCK), 20 công ty quản lý quỹ (QLQ), cùng hai sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tìm “kế sách”, “kích thanh khoản” hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK), hỗ trợ nhà đầu tư (NĐT) vững vàng bước qua dịch Covid-19.

Theo đánh giá của UBCKNN, dịch Covid-19 đã bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, khiến nền kinh tế toàn cầu nói chung và TTCK nói riêng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Không chỉ các TTCK tại Trung Quốc và châu Á giảm sâu, mà nhiều TTCK khác trên thế giới đều giảm rất mạnh khi Covid-19 lây lan ra các quốc gia, vùng lãnh thổ và xuất hiện thêm các tâm dịch mới.

Trên TTCK Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TTCK cũng đã chứng kiến nhiều phiên giảm điểm mạnh và xu hướng giảm vẫn kéo dài khi dịch bệnh lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là giai đoạn NĐT nước ngoài có nhiều phiên bán ròng trên TT, đồng thời có dấu hiệu rút ròng của vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các dòng vốn nước ngoài rút khỏi các TTCK là hiện tượng chung ở nhiều TT trên thế giới.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Phát triển TT của UBCKNN cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25-2, dòng vốn gián tiếp nước ngoài trên TTCK Việt Nam ra ròng ở mức tương đương 0,037% giá trị danh mục đầu tư của NĐT nước ngoài. Có thể thấy NĐT nước ngoài rút vốn không đáng kể ra khỏi TT. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng tiêu cực hiện hữu của dịch Covid-19 đến TTCK, cần có các giải pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế để giảm bớt thiệt hại thông qua chính sách tiền tệ, tài khóa. Mặt khác, cần phải tăng cường tuyên truyền về các giải pháp và kết quả phòng, chống dịch bệnh và chính sách hỗ trợ để tạo niềm tin cho NĐT. Trong bối cảnh hiện nay, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo các quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu của TT, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào TT khi chưa thật sự cần thiết”. UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của TT để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho TT; trấn an tâm lý NĐT; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Tại cuộc họp lần này, cùng với cơ quan quản lý nhà nước, nhiều đại diện các CTCK, công ty QLQ đều cho rằng, tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng là không hề nhỏ, tuy nhiên không quá bi quan. TTCK Việt Nam không thể đặt mình ra khỏi bối cảnh chung của thế giới, nên việc TT giảm điểm và khối NĐT nước ngoài bán ròng, rút ròng là khó tránh khỏi. Nhưng TTCK Việt Nam chưa ở mức đáng lo ngại, NĐT và các tổ chức tài chính trung gian đã vững vàng hơn nhiều so giai đoạn 2008, khi phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) Trần Hải Hà chia sẻ, ở một góc độ nào đó, Covid-19 tạo ra cơ hội cho TT và các công ty tái cơ cấu, làm mới mình; đồng thời cũng là cơ hội để TT thanh lọc. NĐT và các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ cho TT cần bình tĩnh bởi dịch bệnh rồi cũng sẽ được kiểm soát, trong khi TTCK Việt Nam có nền tảng vĩ mô rất tốt.

Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) Vũ Đức Tiến cho biết, chúng tôi không quá bi quan vì dịch Covid-19, nhưng cũng không hề chủ quan. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều nước đã có động thái hỗ trợ nền kinh tế và Việt Nam cũng đã có giải pháp. Việc cần bây giờ là làm sao để dòng vốn hỗ trợ đến được với doanh nghiệp và NĐT trên TT...

Thay mặt cơ quan quản lý ghi nhận ý kiến của tất cả các thành viên, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, có những kiến nghị sẽ được xử lý trong quá trình xây dựng thông tư, nghị định hướng dẫn Luật CK. Tuy nhiên, có những kiến nghị thuộc thẩm quyền thì UBCKNN sẽ xem xét và xin ý kiến Bộ Tài chính để xử lý ngay để cùng TT vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay. Theo đó, đối với đề xuất kéo dài thời gian hiệu lực của hợp đồng margin, UBCKNN sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổng hợp và xem lại, nếu phù hợp sẽ tạo điều kiện để nới thời gian hợp đồng, tạo điều kiện cho các CTCK và giảm áp lực cho NĐT. Đề nghị Sở GDCK Hà Nội (HNX) sớm có báo cáo về việc áp dụng margin cho một số mã CK đủ tiêu chuẩn trên sàn UPCoM, trong đó cần có luôn danh sách cụ thể. Nếu các cổ phiếu này bảo đảm được tiêu chuẩn như sàn niêm yết, UBCKNN sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ Tài chính và nếu được đồng thuận sẽ cho phép triển khai để TT có cơ hội gia tăng thanh khoản. Các tổ chức tài chính trung gian cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần củng cố tâm lý cho NĐT, hỗ trợ TT lấy lại đà tăng trưởng.