Hiệu ứng Tết Âm lịch

Dòng tiền có dấu hiệu suy yếu những ngày gần Tết, nên thị trường chứng khoán (TTCK) vận động ỳ ạch và VN Index đảo chiều xanh đỏ liên tục. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4-2, chỉ số VN Index chỉ còn tăng nhẹ 0,9 điểm với thanh khoản hai sàn sụt giảm tới 21% so phiên kề trước.

Thị trường tuần cuối năm sẽ bắt đầu giao dịch trong trạng thái cầm chừng. Ảnh: HẢI NAM
Thị trường tuần cuối năm sẽ bắt đầu giao dịch trong trạng thái cầm chừng. Ảnh: HẢI NAM

Lâu nay, hiệu ứng Tết âm lịch luôn là một trong những bất thường của TTCK khi tỷ suất lợi nhuận (TSLN) ở các ngày Tết âm lịch luôn tăng cao một cách bất thường. Tuy nhiên, với những biến động về tình hình dịch bệnh như hiện nay, liệu lịch sử có lặp lại với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021?

Trong những dịp Tết trước đây, thống kê từ các công ty chứng khoán (CTCK) đều cho rằng, giai đoạn năm ngày trước Tết, nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ cổ phiếu  (CP) trung bình đạt TSLN lần lượt cao hơn 0,25% và 0,3% so những ngày thường. Trong những năm gần đây, những con sóng thường xuất hiện quanh dịp Tết thường diễn ra liên tục khiến các NĐT không khỏi chú ý biến động TT trong giai đoạn này. Minh chứng là, dịp Tết năm 2020, TT đã ghi nhận mức tăng điểm khá tốt nhờ ba yếu tố hỗ trợ gồm: thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh của nhóm CP ngân hàng; dòng vốn khối NĐT nước ngoài đổ vào TT và kết quả kinh doanh quý IV - 2019. Các NĐT bám sát TT đã kiếm được những khoản lợi nhuận không nhỏ.

Thực tế, các ngày lễ thường có tác động tích cực đến tâm lý, đặc biệt Tết Nguyên đán lại là dịp lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam. Sau khi kết thúc năm cũ và nhận được tiền thưởng cuối năm, NĐT đang trở nên tự tin hơn và sẵn sàng đầu tư vào các tài sản có độ rủi ro. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sóng TT quanh dịp Tết ngoài yếu tố tâm lý NĐT còn mang tính chất logic khi giai đoạn sau là giai đoạn các hoạt động tái cơ cấu danh mục diễn ra khá mạnh, luồng tiền có xu hướng chạy vào những CP được dự đoán hoạt động tốt trong năm vừa qua. Ngoài ra, sóng của TT trong dịp đầu năm cũng phụ thuộc dự đoán của NĐT về tình hình kinh tế chung của năm đó và TTCK vẫn thường là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, nhưng các biến động của nó thường diễn ra sớm hơn một chút.

Tuy nhiên, đây là quy luật, động thái của TT những năm về trước, còn đối với dịp Tết Tân Sửu sắp tới khó có thể đoán định được TT sẽ đi đúng quy luật hay không. Đầu tiên là diễn biến TTCK trong năm 2020 vốn đã được xem là rất đặc biệt do tác động của dịch Covid-19 dẫn đến sự góp mặt đông đảo của các NĐT mới (F0). Rõ ràng, chưa bao giờ CK phủ sóng rộng như năm vừa qua.

Nhờ sự hỗ trợ lớn của dòng tiền mới, các chỉ số TT cứ thế đi lên mà không vướng bất kỳ chướng ngại nào. Thế nhưng, chính sự tăng nóng này đã khiến các NĐT vốn không có nhiều kiến thức liên tiếp rơi vào trạng thái hoang mang khi TT lao dốc nhanh vào những phiên giao dịch cuối tháng 1 vừa qua. 

Đây cũng chính là thời điểm bước vào chuỗi ngày giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý và cũng là giai đoạn NĐT đón nhận quá nhiều tin xấu liên quan tình hình dịch Covid-19 với đợt bùng phát thứ ba. Dù từ sau phiên giao dịch ngày 29-1 đã có sự hồi phục trở lại nhưng cũng không thể cứu được TT trong phiên giao dịch đầu tháng 2 khi chỉ số VN Index tiếp tục giảm hơn 21 điểm, bảng điện tử bị phủ kín bởi sắc đỏ.

Trước một TT đỏ lửa trong phiên đầu tháng 2, các chuyên gia cho rằng, với nhiều yếu tố hỗ trợ từ nền kinh tế vĩ mô cùng với việc kênh CK vẫn hấp dẫn trong mắt NĐT thông qua việc các tài khoản mở mới không hề giảm đi, TT có thể hồi phục dần dần, nhất là khi NĐT đã bình tĩnh trở lại sau đợt xả hàng quyết liệt, cộng thêm khối NĐT nước ngoài liên tiếp mua ròng.

Theo một chuyên viên phân tích cấp cao của CTCK HSC, sự thay đổi về bản chất dòng tiền đã diễn ra, nên mức độ bền vững của TT tăng lên, rủi ro bán tháo sẽ không còn. Phản ứng của NĐT trước thông tin về dịch bệnh chỉ mang tính sự kiện hơn là vấn đề cốt lõi tác động đến VN Index. Nhiều khả năng nền giá vững chắc quanh 1.100 điểm đã được xây lên nếu không có thông tin này. Hơn nữa, đây là tuần giao dịch trọn vẹn trước Tết Nguyên đán nên có thể nhịp độ giao dịch sẽ giảm dần. TT khó xuất hiện nhịp tăng hình chữ V hay các lệnh đua trần, nhưng thay vào đó sẽ dao động trong biên độ hẹp. TT sẽ bắt đầu giao dịch trong trạng thái cầm chừng. Nguyên nhân là NĐT không mặn mà nắm giữ xuyên Tết vì không biết được trong giai đoạn đó sẽ xuất hiện những biến cố nào có thể ảnh hưởng đến TT, như đã xảy ra đầu năm 2020.

Minh chứng rõ nét cho nhận định này là trong phiên giao dịch ngày 4-2, TT đã kém hào hứng hơn hẳn so phiên kề trước. Lý do đơn giản, lịch nghỉ giao dịch của TTCK dịp Tết nguyên đán là từ ngày 9-2 nên các giao dịch mua phiên này sẽ phải đợi tới sau khi TT mở cửa trở lại vào ngày 17-2 mới có thể bán được. Không phải NĐT nào cũng sẵn lòng nắm giữ trong gần hai tuần dừng giao dịch vì rủi ro xuất hiện bất ngờ vẫn có thể xảy ra. 

Đây cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản có mức sụt giảm đáng kể. Tổng giá trị giao dịch hai sàn, bao gồm cả thỏa thuận, giảm tới 21% so phiên kề trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh chỉ đạt 12.073 tỷ đồng, giảm 19,2%. Dù ngưỡng giao dịch khớp lệnh này là thấp ở thời điểm hiện tại nhưng so cách đây vài tháng thì vẫn là con số đáng mơ ước. Và nghĩa là lượng tiền mới gia nhập, TT vẫn sẵn sàng giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán này.