Hiệu ứng cổ phiếu trụ cột

Thị trường (TT) đã có một phiên giao dịch tưng bừng trong ngày 4-7, với mức tăng 1,3% ở VN Index. Sau các phiên tăng mạnh, TT thường chững lại một chút vì các cổ phiếu (CP) dẫn dắt có thể bị chốt lời. Và thực tế, trong phiên cuối tuần qua, ngày 5-7, TT đã khựng lại do các CP lớn điều chỉnh. Vẫn là biểu hiện của hiệu ứng CP trụ cột, VN Index giảm cũng vì VHM và tăng cũng nhờ VHM.

Nhà đầu tư bắt đầu xuống tiền mạnh hơn. Ảnh: NAM ANH
Nhà đầu tư bắt đầu xuống tiền mạnh hơn. Ảnh: NAM ANH

Phiên tăng ngày 4-7 đã giải tỏa sự ức chế chờ đợi suốt hơn một tháng qua. TT xác lập được đà tăng đột phá, thoát ra khỏi vùng đi ngang kéo dài và ngay lập tức, lượng tiền đổ vào TT tăng vọt. Chỉ số VN Index đóng cửa phiên tăng 1,32% hay 12,65 điểm, lên 973,04 điểm. Phần lớn các blue chip của sàn HoSE phiên này tăng giá, nhưng đột biến là: VCB và VHM, đại diện hai nhóm CP có sức mạnh nhất TT hiện tại. VCB đại diện nhóm CP ngân hàng, đóng cửa phiên này tăng 4,17% so tham chiếu. VHM đại diện nhóm CP họ Vingroup, phiên này tăng 3,66%, chưa đạt đến mức tăng kỷ lục như VCB nhưng cũng là mạnh nhất bốn tháng. VHM cũng khác VCB ở chỗ vừa chạm đáy hồi cuối tháng 6 và quay đầu tăng liên tiếp 5 phiên với lợi suất tăng gần 9,7%. VCB và VHM là hai trong ba CP vốn hóa lớn nhất TT.

Việc cả hai CP lớn cùng tăng đột biến đã kéo theo sức mạnh rất ấn tượng của chỉ số VN Index. Sau khi tăng 22,5 điểm, chỉ số điều chỉnh nhẹ hơn 5 điểm và phiên này tăng trở lại 12,65 điểm. Điều tích cực nhất là mức tăng nhanh và mạnh lần này đã đẩy VN Index vượt qua được đỉnh 966 điểm của tháng 6 vừa rồi. Trong suốt tháng 6, VN Index hai lần thất bại tại ngưỡng này và đều tụt dốc trở lại đáy 940 điểm. Phiên này là lần “va chạm” thứ ba, kết thúc thành công.

TT tăng khá đều ở phiên bùng nổ này, nhưng sức mạnh tập trung chủ yếu ở nhóm blue chip, các mã quyết định điểm số. Phiên bùng nổ này còn xuất hiện thanh khoản rất cao, hai sàn đạt tổng giá trị hơn 4.700 tỷ đồng nhưng mức khớp lệnh tới gần 3.300 tỷ đồng. Thanh khoản yếu trong các tuần gần đây là do TT trong giai đoạn đi ngang tích lũy.

Nhà đầu tư (NĐT) chưa nhìn thấy triển vọng tăng giá nào rõ ràng nên chấp nhận giảm giao dịch. Phiên này, khi TT kết thúc hai phiên điều chỉnh nhẹ và bắt đầu có dấu hiệu đột phá lên trên vùng tích lũy, NĐT bắt đầu xuống tiền mạnh hơn. Những CP tăng đột biến trong phiên đều có thanh khoản rất cao.

Dòng tiền ưu tiên các blue chip trước là hợp quy luật thường thấy của TT mỗi khi bước vào mùa báo cáo tài chính hàng quý. Các doanh nghiệp (DN) lớn hứa hẹn lợi nhuận tốt và an toàn, trong khi tính đột biến lợi nhuận của các DN nhỏ thường được công bố muộn hơn và cũng rất khó đoán. Đó là lý do tại sao trong xu thế tăng thì blue chip đi trước và CP đầu cơ chỉ tăng ở giai đoạn cuối. TT đã đi được gần hết tuần đầu tiên của tháng 7, nghĩa là sau hai tuần nữa kết quả kinh doanh sẽ được công bố đồng loạt. Đã có DN bắt đầu tiết lộ thông tin và dòng tiền thông minh sẽ phản ứng sớm.

Sang phiên giao dịch chốt tuần qua, VHM sụt giảm suốt cả phiên, mức rơi sâu nhất tới 1,76%. Mức giảm này không sốc vì mới ngày 4-7 VHM còn tăng 3,7%. Điểm bất ngờ chính là khả năng tăng giá tiếp của CP này: VHM phục hồi dần vào buổi chiều và đến cuối phiên xuất hiện đợt giao dịch quyết định với khối lượng rất lớn đẩy giá vọt hẳn qua tham chiếu. VHM tăng tiếp 1,18% nữa và là phiên tăng thứ 6 liên tục. Tương tự, VCB phiên 4-7 cũng tăng rất ấn tượng 4,2%, nhưng gần như cả phiên chốt tuần qua lại chìm trong sắc đỏ. Đến cuối phiên, cũng lại là thời điểm then chốt, giá VCB được đẩy bật tăng 0,14% so tham chiếu.

Dưới ảnh hưởng của các trụ thoát khỏi áp lực điều chỉnh trong phiên, VN Index cuối ngày 5-7 cũng có thay đổi tích cực. Chỉ số đang từ giảm nhẹ chuyển sang tăng 0,24% hay 2,3 điểm so tham chiếu. Ngoài VHM cực mạnh lúc đóng cửa, nhóm CP họ Vingroup phiên này còn có VRE tăng 2,88%, mức tăng mạnh nhất trong vòng ba tháng.

Như vậy, tổng thể phiên chốt tuần qua là một phiên phân hóa trong nhóm blue chip dẫn dắt. Cho tới trước khi VHM đột biến phục hồi mạnh, TT hầu như chỉ dao động đi ngang dưới tham chiếu, mức giảm rất nhẹ những cũng không tăng nổi. Phiên điều chỉnh nghỉ ngơi thường thấy sau một cú bật quá đột biến. Thêm nữa, TT quốc tế cũng không có diễn biến nào đáng chú ý. Phiên chững đà tăng này đã đi kèm với thanh khoản sụt giảm nhẹ. Đặc biệt giảm nhiều là giao dịch thỏa thuận khi chỉ bằng một nửa phiên kề trước. Do đó tổng giá trị giao dịch khá thấp, đạt 3.702 tỷ đồng, giảm khoảng 21%. Tuy vậy giao dịch khớp lệnh chỉ giảm gần 11% so ngày 4-7, đạt mức 2.930 tỷ đồng.

Thanh khoản gia tăng không đáng kể một phần vì hai phiên giữa tuần giao dịch hơi yếu. Đó là thời điểm VN Index không chắc chắn có vượt được ra khỏi vùng tích lũy hay không và điều chỉnh trở lại. Hai ngày cuối tuần qua giao dịch khá tốt với mức bình quân hơn 3.100 tỷ đồng, cao hơn trung bình cả tuần. Thanh khoản giảm nhẹ phiên chốt tuần qua cũng giống như mức giao dịch giảm của hai ngày điều chỉnh giữa tuần. NĐT chờ đợi CP điều chỉnh một chút trước khi mua vào thêm. Đó không phải là tín hiệu xấu vì TT đã xác lập xu thế tăng. Khía cạnh tích cực hơn là NĐT đã không bán ra mạnh. Các CP bật tăng tốt đều trải qua một nhịp giảm, rồi phiên sau đó được mua rất mạnh như: VHM, VRE. VN Index tăng sang ngày thứ hai đã đạt 975,34 điểm. Vùng điểm số 966 - 967 đã trở thành mức hỗ trợ và lúc này TT hướng tới các đỉnh cao hơn, mà gần nhất là 987 - 990 điểm của tháng 5 vừa qua.