Hiện tượng kéo trụ

Trong phiên giao dịch chốt tuần qua, ngày 22-11, không mấy nhà đầu tư (NĐT) nghĩ đến khả năng thị trường (TT) tiếp tục giảm sâu. Thực tế, áp lực cắt lỗ quá lớn đã khiến cổ phiếu (CP) giảm sâu hàng loạt.

Mức điều chỉnh quá mạnh và liên tục của chỉ số đang tạo nỗi ám ảnh lên tâm lý thị trường chung. Ảnh: NAM NGUYỄN
Mức điều chỉnh quá mạnh và liên tục của chỉ số đang tạo nỗi ám ảnh lên tâm lý thị trường chung. Ảnh: NAM NGUYỄN

Một phiên đáo hạn phái sinh bất ngờ chưa từng thấy đã diễn ra trong ngày 21-11. Trong đợt giao dịch tại giá đóng cửa (ATC), hàng loạt CP lớn bị bán quy mô lớn và giảm sâu, thậm chí nhiều mã xuống gần sát giá sàn. VN Index bốc hơi 12,67 điểm trong một diễn biến bẻ gãy ngưỡng 1.000 điểm theo cách khó tưởng tượng.

Cách giao dịch trong đợt ATC gợi nhớ tới lối giao dịch trong phiên tái cơ cấu của các quỹ ETF: Hàng chục blue chip xuất hiện hàng trăm nghìn CP, thậm chí hàng triệu, bán ra giá ATC.

Đợt bán bất ngờ này ảnh hưởng mạnh lên TT. VN Index giảm liên tục và để thủng mức 1.000 điểm từ rất sớm. Tuy nhiên, giao dịch vẫn bình thường cho tới trước đợt ATC. VN Index điều chỉnh trong phiên chỉ tới 995,55 điểm, tức là chỉ giảm cỡ 0,5% so tham chiếu. Nhưng trạng thái giảm đã thay đổi hoàn toàn do các CP blue chip bị bán tháo quá lớn. Chỉ số VN30 Index đóng cửa giảm 2,05% đã cho thấy sức ép lớn tại nhóm blue chip. Đây là phiên giảm hơn 2% thứ ba trong năm nay của chỉ số này.

VN Index đóng cửa giảm 1,27%, tức là chỉ ở đợt đóng cửa đã mất thêm gần 8 điểm. Không chỉ để mất mốc 1.000 điểm, chỉ số còn giảm xuống 987,89 điểm, gần sát đáy tháng 10-2019. Chỉ số TT có điều chỉnh giảm là hoàn toàn bình thường nhưng diễn biến cuối phiên lại bất thường. Với lực bán ồ ạt ở đợt ATC, TT chịu sức ép không khác gì khi các quỹ ETF xả hàng. Ở các phiên tái cơ cấu giá CP cũng biến động rất lớn. Với mức giảm giá rất sâu ở CP và giảm trên hầu khắp TT, phiên này là một phiên bán ra rất mạnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư (NĐT) bắt đáy hỗ trợ giá nên CP không đến nỗi giảm sàn hàng loạt. Tổng thanh khoản bao gồm cả thỏa thuận đạt tới 5.696 tỷ đồng hai sàn. Nếu tính riêng khớp lệnh giá trị vượt 4.300 tỷ đồng, cao nhất 13 phiên.

TT giảm điểm nhưng thanh khoản tăng, cho thấy NĐT ban đầu bất ngờ vì lực bán quá lớn, nhưng sau đó đã xuống tiền. Đây là quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, cũng có thể NĐT cho rằng, diễn biến bất thường này mang tính thời điểm thì TT vẫn có cơ hội phục hồi sau khi lực bán chấm dứt.

Sang phiên giao dịch chốt tuần qua, ngày 22-11, không mấy NĐT nghĩ đến khả năng TT vẫn tiếp tục giảm sâu. Bởi sau ngày bán ra ồ ạt ở phiên đáo hạn phái sinh bất ngờ trước đó, những tưởng TT sẽ phục hồi. Áp lực cắt lỗ tiếp tục diễn ra khiến CP giảm sâu hàng loạt.

Còn nhớ, trong nhịp VN Index tăng vượt 1.000 điểm hồi đầu tháng 11, thông tin VHM, VRE mua hàng chục triệu CP quỹ là động lực quan trọng. Nhưng bất ngờ, tại phiên chốt tuần này, TT nhận được tin cả hai chưa mua được CP quỹ nào.

TT đã phản ứng khá tiêu cực tại VHM và VRE. VHM giảm tới 5,25%, sâu nhất trong phiên, VRE giảm 4,57%. Là CP vốn hóa lớn nên sức ép VHM tạo ra cho VN Index cũng rất mạnh. Thật ra, với quy mô mua CP quỹ lớn như vậy thì khả năng cao là VHM và VRE sẽ có thỏa thuận chứ không trực tiếp khớp lệnh trên sàn. Quy định mua CP quỹ cũng rất chặt chẽ để chống hành vi làm giá. Do đó, tác động của việc mua CP quỹ nếu có xảy ra trên sàn khớp lệnh thì cũng chỉ là chống đỡ ở đà giảm, còn khi tăng thì sẽ không bao giờ khớp được.

Hoạt động bán tháo ở VHM và VRE dẫn đến VN Index không tăng nổi. Thêm vào đó, các CP lớn khác cũng giảm giá mạnh: VCB giảm 2,29%, BID giảm 2,43%, SAB giảm 2,49%, GAS giảm 0,96%. VN Index sụt giảm xuống 971 điểm, dưới tham chiếu 1,71% là lúc các mã lớn nói trên rơi mạnh. Các CP trụ đều giảm hơn 2%, thậm chí hơn 3% nên VN Index rơi thẳng đứng là điều không tránh khỏi.

TT chỉ xuất hiện điểm sáng vào cuối phiên khi cầu bắt đáy chặn đà rơi, kéo giá CP lẫn các chỉ số đi lên một chút. VN Index đóng cửa chỉ còn giảm 1,02%, tương đương 10,11 điểm; VN30 Index giảm 0,66%, tương đương 5,92 điểm. Nhóm blue chip vẫn có một số mã tăng. May mắn nhất là VIC tăng 0,78% lúc đóng cửa.

Mức điều chỉnh quá mạnh và liên tục của chỉ số đang tạo nỗi ám ảnh lên tâm lý TT chung. Rất nhiều CP đang sụt giảm mạnh hơn nhiều so chỉ số. Tuy nhiên, giữa diễn biến xấu vẫn có điểm tốt: Nhiều CP đã bị giảm theo đà trở lại mức giá hấp dẫn và điều này lôi kéo NĐT cơ bản, dài hạn vào cuộc. Việc giá CP lao dốc mạnh đang tạo nên thanh khoản rất cao chứ không có hiện tượng mất thanh khoản. Hai phiên giảm mạnh nhất tuần qua giá trị khớp lệnh đều vượt 4.000 tỷ đồng. Như vậy, lực cầu vẫn xuất hiện và đem lại kỳ vọng hấp thụ hết lượng CP bị bán cắt lỗ.

Thực tế, việc VN Index vượt qua, rồi tụt ngưỡng 1.000 điểm chỉ mang tính chất của một nhịp đầu cơ hơn là xuất phát từ các biến động cơ bản.