Giai đoạn mua vào hợp lý

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước sắp khép lại một năm 2019 với nhiều quyết sách, sản phẩm mới được ra đời. Trong bối cảnh TTCK thế giới bật tăng trở lại đi kèm việc giá dầu hồi phục cũng chưa thể khiến TTCK trong nước có diễn biến tích cực hơn sau chuỗi ngày giảm sâu. Theo nhiều chuyên gia, nếu TT có thể đi lên và tăng giá tốt thời gian tới, nhất là giai đoạn đầu năm 2020 thì đây được coi là giai đoạn mua vào cổ phiếu (CP) hợp lý hơn cả.

Theo lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), diễn biến TT có lên, có xuống cũng là vận động thông thường, nhưng năm 2019 là năm quá khó khăn và sụt giảm trên nhiều phương diện, đặc biệt là thanh khoản. Trước đó, năm 2017, TT tăng trưởng quá tốt, năm 2018 gây dấu ấn khi lên ngưỡng 1.200 điểm. So các năm, số doanh nghiệp (DN) lớn lên sàn không nhiều, việc thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa cũng thấp hơn, một phần từ diễn biến kém tích cực của TT. Đáng chú ý, diễn biến này diễn ra trong bối cảnh TT liên tiếp đón nhận “tin vui”.

Cụ thể, giữa năm 2019, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) được đưa vào giao dịch đã đánh dấu sự ra đời của sản phẩm phái sinh thứ hai, sau hợp đồng tương lai. Với đặc điểm là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn giao dịch ký quỹ, CW thu hút được nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, mà không làm gia tăng rủi ro mất thanh toán từ khối NĐT này. Hơn nữa, CW giúp gia tăng tính thanh khoản cho tài sản cơ sở thông qua hoạt động giao dịch tài sản cơ sở của nhà phát hành để phòng hộ rủi ro. CW được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường cổ phiếu (TTCP)…

Sau CW, ngày 4-7-2019, Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) cũng đã khai trương giao dịch Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Đến tháng 10-2019, sau hơn 10 năm vận hành và phát triển, TTCK Việt Nam chính thức có luật mới sau khi Quốc hội (QH) thông qua Luật CK sửa đổi tại kỳ họp thứ tám QH khóa XIV. Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2021 với nhiều thay đổi có lợi cho các NĐT. Ngoài ra, TT còn ghi dấu ấn bằng sự bùng nổ của trái phiếu DN với lãi suất dao động từ 11 - 12%/năm, có trường hợp lên tới 20%/năm...

Thực tế, TTCK khởi đầu năm 2019 với hy vọng trở lại ngưỡng kỷ lục 1.200 điểm của năm 2018. Từ mức thấp nhất 861,85 điểm, chỉ số VN Index đã có nhịp hồi phục ấn tượng và có thời điểm lên sát mốc 1.030 điểm trong năm 2019. Tuy vậy, mức đỉnh của năm không giữ được lâu, nhanh chóng quay lại trạng thái lình xình, chủ yếu dao động trong biên độ 950 - 1.000 điểm. Sự ra đời của các sản phẩm mới vẫn chưa thật sự sôi động, dù số lượng phát hành liên tiếp tăng trưởng. Ngoài ra, dòng tiền “ngoại” suy yếu sau hai năm mua ròng kỷ lục với giá trị lần lượt là 27.000 tỷ đồng (năm 2017) và 43.000 tỷ đồng (năm 2018), đến năm 2019, giá trị mua ròng của khối này chỉ còn hơn 7.000 tỷ đồng.

Về diễn biến TT trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho rằng, có nhiều phức tạp, đặc biệt là rủi ro chính trị thế giới tăng cao. Việc giữ được TT và VN Index không đổ vỡ, không biến động lớn đã là một điểm tích cực, nỗ lực cao của các thành viên TT.

Điều có thể nói trong hiện tại là VN Index đang tạo đáy khu vực 950 - 960 điểm đi cùng với đà tăng điểm của một số CP lớn, đặc biệt là các nhóm CP đầu ngành như: ngân hàng, tiện ích… Ngoài ra, nhiều CP lớn đã và đang có diễn biến giá tiêu cực. Sẽ là sớm để có để đưa dự báo việc VN Index đang bắt đầu vào chuỗi tăng điểm tốt khi mà chúng ta chứng kiến các CP như: MSN, VNM, VIC, VHM, VIC điều chỉnh mạnh. Dòng tiền lớn được kích hoạt khi và chỉ khi các CP này được mua lên tốt với điều kiện cả nước ngoài đều cùng mua. Cả hai điều kiện này đều chưa có hoặc ít nhất TT mới chỉ le lói tín hiệu VN Index có vẻ tạm đứng lại tại vùng 960 điểm với đầu tàu dẫn dắt là các CP ngân hàng.

Nếu TT chung chưa có tín hiệu thật sự tích cực thì đây lại là lúc cơ hội dành cho các CP riêng lẻ, cơ hội cho các NĐT chủ động tìm kiếm các CP định giá thấp, CP đang điều chỉnh hoặc tích lũy thời gian dài vừa qua. Chắc chắn trong quá trình vận động của TT, không phải giai đoạn nào cũng giống nhau cũng như không phải nhóm CP đặc biệt sẽ cùng hồi phục mạnh khi TT đi lên mà sẽ có thể khác đi với việc dòng tiền sẽ phân hóa vào những CP mà mọi người tin là nó sẽ không lên. Đây cũng là điều khó khăn đối với những người lựa chọn CP chủ động và nó cũng đòi hỏi khả năng cũng như kỹ thuật phân tích CP nổi trội hoặc đặc biệt sáng suốt.

Tất nhiên, việc chọn lựa được đúng CP với hứa hẹn sẽ tăng giá tốt giai đoạn tới cũng phải đòi hỏi khả năng kiên nhẫn, sự kiên định khi CP cần thời gian để tích lũy đi lên. Dù sao thì mỗi NĐT sẽ có những phương pháp giao dịch, phương châm đầu tư khác nhau và cuối cùng thời gian sẽ quyết định ai hiệu quả trong thời gian dài. Nếu TT biến động ngắn hạn và khó có thể đưa ra chiến lược giao dịch đủ hợp lý và đủ chín chắn thì việc chọn lựa các mã mua với tầm nhìn dài lại có thể mang lại hiệu quả cao hơn.

Và nếu TT có thể đi lên và tăng giá tốt thời gian tới, nhất là giai đoạn đầu năm 2020 thì đây được coi là giai đoạn mua vào CP hợp lý hơn cả. Ngay cả TT chưa có nhiều nét quá tích cực thì việc đi trước một bước cũng không phải là ý tưởng tồi. NĐT vẫn có thể lựa chọn việc đứng ngoài TT cho đến khi TT có tín hiệu rõ nét hơn và đương nhiên việc đứng ngoài hoàn toàn đôi khi cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội tăng giá tốt ngay giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm mới 2020.