FLC & “cuộc chơi” kịch tính

Phiên giao dịch với khối lượng lớn của FLC ngày 22-10 đã giải thoát hơn 46,8 triệu cổ phiếu (CP), chưa kể lượng bán ra mấy ngày trước đó. Các nhà đầu tư (NĐT) mắc kẹt hằng năm trời nay có cơ hội được giải thoát, phần khó sẽ là những nhà đầu cơ (NĐC) vào muộn. Thực tế, FLC được đầu cơ kéo giá kịch trần trong sáu phiên liên tiếp.

Cổ phiếu của FLC được đầu cơ kéo giá kịch trần trong sáu phiên liên tiếp. Ảnh: ANH QUÂN
Cổ phiếu của FLC được đầu cơ kéo giá kịch trần trong sáu phiên liên tiếp. Ảnh: ANH QUÂN

Trước đó, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có phiên đầu tuần, ngày 21-10, khá bất ngờ khi nhóm CP ngân hàng (NH) lại “dẫn dắt” TT đi xuống. Hơn một tuần sau khi không thể tăng giá được nhờ thông tin kết quả kinh doanh quý III, CPNH đã đồng loạt bị bán tháo. Kết quả kinh doanh quý III xuất sắc nhất và công bố sớm nhất thuộc về nhóm CPNH. Thông tin ra từ cách đây hơn một tuần, nhưng trước đó, phần lớn CPNH không tăng được hoặc giảm. Đến phiên này sự thất vọng lộ rõ, NĐT bắt đầu bán tháo mạnh gây sức ép lớn lên nhóm CP này. CPNH giảm mạnh đã tạo sức ép rất lớn lên VN Index.

Việc VN Index đóng cửa giảm 0,57%, tương đương để mất 5,64 điểm, đã xác định mức giảm mạnh nhất trong 13 phiên. TT chung khá xấu do ảnh hưởng của nhóm blue chip và tác động lên hầu hết các CP khác. Nhóm CP đầu cơ vẫn còn nhiều mã tăng, nhưng đa số giao dịch quá ít thanh khoản. Những mã đầu cơ mạnh nhất đang hút hết dòng vốn nóng nên không đủ để tạo sóng cho cả nhóm.

Đà tăng giá hết biên độ của FLC đã bước sang phiên thứ 6. Phiên này, FLC giao dịch tiếp khoảng 10,3 triệu CP. Trong sáu phiên FLC tăng 49,1%, mức lợi nhuận rất cao trong bối cảnh TT sụt giảm. Thực tế này góp phần tạo lòng tham ghê gớm đối với cả nhóm CP có liên quan như: KLF, ART, HAI, AMD.

Mức độ đầu cơ với nhóm CP này ngày càng nóng do hằng ngày vẫn được đánh lên hết biên độ và chặn mua khối lượng lớn. Với sự suy yếu rõ rệt của nhóm CP blue chip, NĐT không còn chỗ kiếm lời nên đang nhao vào các mã đầu cơ. Thanh khoản phiên này khá lớn, đạt 4.483 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch, tăng 16,4% so phiên cuối tuần trước. Thanh khoản lớn nhờ hai yếu tố: Thứ nhất, vẫn là ROS giao dịch quá nhiều, chiếm 18,4% tổng TT khớp lệnh. Thứ hai, hiện tượng xả cực mạnh ở các mã CPNH.

Tiếp đó, phiên giao dịch lớn trong ngày 22-10 của FLC đã tạo đà giải thoát hơn 46,8 triệu CP, chưa kể lượng bán ra mấy ngày trước đó. Các NĐT mắc kẹt hằng năm trời, nay có cơ hội được giải thoát, phần khó sẽ là những NĐC vào muộn. Thực tế, FLC được đầu cơ kéo giá kịch trần trong sáu phiên liên tiếp.

Rất nhiều bàn luận trên các diễn đàn CK thể hiện sự hân hoan, hào hứng của NĐT. Có hai nhóm NĐT vui mừng trước các diễn biến này. Nhóm thứ nhất là các NĐT đã “chung thân” quá lâu với FLC mà chưa được hưởng một ngày có lãi. Với mức giá tăng liên tục, dù bớt lỗ cũng đã là điều không tưởng, còn có lãi thì quá “lộc”. Nhóm thứ hai là các NĐC nhạy bén tranh thủ mua và lướt sóng ngắn hạn. Sáu phiên tăng liên tục và thêm phiên tăng này cũng đồng nghĩa việc các NĐC vẫn có thời gian chốt lời.

Tuy nhiên, chỉ những NĐC “biết thế nào là đủ” mới có thể kiếm lợi nhuận. Mật độ các bàn luận về khả năng tăng giá FLC liên tục hàng chục phiên nhằm đưa giá quay lại mệnh giá, phù hợp cơ hội phát hành thêm giá 10.000 đồng khiến lòng tham sôi sục. Với các NĐC tham gia những “canh bạc” tăng trần liên tục kiểu này, điều khó nhất là khi nào thì nên thoát ra. Và chỉ những NĐC biết kiềm chế lòng tham mới không bị rơi vào cái bẫy giăng sẵn. Khi cả TT biết rằng, FLC chỉ là “cuộc chơi” đầu cơ thì ai cũng xác định trước rằng sẽ có người nào đó phải mắc kẹt lại. Mặc dù phiên này chỉ là phiên xả hàng đầu tiên khiến giá giảm xuống tận mức sàn, nhưng cũng chưa biết liệu “vòng hai” có giải thoát các NĐC bị mắc kẹt hay không?

Phiên này, vẫn có thời điểm FLC tăng giá kịch trần 5.290 đồng/CP. Hàng chục triệu CP vẫn được giao dịch ở mức này trước khi sụt giảm. Mức lợi nhuận trọn sóng vào khoảng 59,34%. Dĩ nhiên rất ít NĐC cơ kiếm được đủ phần trên, nhưng mức tăng cũng là rất lớn. FLC bị xả tổng cộng 46,8 triệu CP phiên này và giá giảm 6,87% nhưng thực tế rất nhiều NĐT lỗ lớn hơn, bởi tính từ đỉnh tới gần 13% chỉ trong một ngày. Với khối lượng trao tay rất lớn, FLC chắc chắn có làn sóng bán ra mạnh mẽ. Gần 240 tỷ đồng đã mắc kẹt riêng phiên này và nguy cơ giá điều chỉnh giảm trở lại rất cao. Những NĐT chốt lời xong rất có thể sẽ không ngó ngàng lại FLC nữa. Điều đó cũng có nghĩa cuộc chơi ở mã này sẽ thiếu đi một bộ phận NĐC tham gia “vòng hai” nếu được tạo lập.

Đối tượng kiếm lời nhiều nhất trong mấy ngày thăng hoa vừa qua ở FLC chính là lực lượng thiết lập cuộc chơi. Họ biết cách kích động lòng tham, tung tin hỗ trợ và sử dụng các kênh mạng xã hội hiệu quả. CP FLC từ chỗ bị coi là CP khiến NĐT thiệt hại nhất năm 2019 đột nhiên trở thành CP “thần tài” trên TT.

Bất kỳ “game” đầu cơ nóng nào trên TTCK cũng chỉ đẹp ở giai đoạn đầu, khi ai tham gia cũng có lời, dù đa phần là lời trên sổ sách. Đến đoạn cuối, khi cần thu về tiền mặt, cuộc chơi mới chuyển sang giai đoạn sát phạt, vì tiền thì chỉ có hạn, sẽ phải có người nhận CP và mất tiền cho người khác.

FLC bị xả lớn cũng khiến rất nhiều mã đầu cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhóm blue chip lại chống đỡ tốt và giúp VN Index có một phiên tăng nhẹ hơn 3,6 điểm. Động lực chính của mức tăng này là các CPNH. Hầu hết các mã CPNH vừa trải qua ba, bốn phiên giảm giá liên tục, phiên này được bắt đáy và tăng lại khá tốt. Sau ba phiên điều chỉnh giảm liên tục, TT đã có được một ngày tăng. VN Index dừng ở 987,19 điểm, gần phục hồi hết mức giảm phiên đầu tuần.