Dòng tiền vẫn hoạt động khá mạnh

Phiên giao dịch mở đầu tháng 10, ngày 1-10, mốc 1.000 điểm lại tới rất gần khi các cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) nỗ lực thay thế hàng loạt trụ khác để kéo chỉ số. VN Index tăng hơn 3 điểm, nhưng vẫn lỡ hẹn mốc 1.000. Tổng giao dịch hai sàn phiên này tăng gần 24% so phiên trước, đạt 5.184 tỷ đồng nhưng do thỏa thuận là chính. Tương quan có phần trái ngược này cho thấy, dòng tiền vẫn hoạt động khá mạnh trên thị trường (TT) nhưng có mức độ tập trung cao thay vì dàn trải.

Nhà đầu tư vẫn hoạt động khá mạnh trên thị trường nhưng có mức độ tập trung cao thay vì dàn trải.
Nhà đầu tư vẫn hoạt động khá mạnh trên thị trường nhưng có mức độ tập trung cao thay vì dàn trải.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, ngày 30-9, TT đã giúp nhà đầu tư (NĐT) thoáng vui hơn khi VN Index vượt ngưỡng 1.000 điểm trong vài giờ, tuy nhiên áp lực xả hàng đã khiến chỉ số không thể vượt thành công mốc điểm tâm lý kỳ vọng này... Thực tế, VN Index vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các CP vốn hóa lớn. Phiên này, các trụ mạnh nhất đã nhấc bổng chỉ số qua mốc 1.000 điểm ngay từ giữa phiên sáng. Khoảng hơn 10 giờ chỉ số bắt đầu tăng mạnh và lên đỉnh điểm 1.004,17 điểm. Đây là nhịp tăng tốt nhất của phiên giao dịch này.

Mức tăng này cũng không phải là mạnh nhưng kết quả quan trọng hơn là VN Index đã vượt qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. NĐT rất trông đợi sự kiện này. Tuy nhiên, nếu lưu ý tới quá khứ thì đây không phải lần đầu TT gây thất vọng khi VN Index vượt xa mốc 1.000 điểm để rồi lại rơi xuống.

Áp lực xả hàng đã một lần khiến VN Index không thể vượt thành công mốc 1.000 điểm. Trong phiên, cũng có yếu tố khá đặc biệt, là phiên giao dịch cuối cùng của quý III, thời điểm các hoạt động chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư để chia thưởng, báo cáo thành tích... Do đó, TT thường mạnh lên. Tuy nhiên, nếu đà tăng của TT chỉ dựa vào động lực này thì diễn biến thường không bền vững. Đến đầu giờ chiều phiên chốt tháng 9, TT xuất hiện lực bán mạnh đẩy VN Index đi xuống. Hàng loạt CP blue chip cũng quay đầu giảm. Rõ ràng các blue chip đã không làm tròn nhiệm vụ nâng đỡ VN Index, bởi chỉ cần một mức tăng nhẹ cũng đủ giữ chỉ số nằm trên mốc 1.000 điểm, tạo một phiên vượt cản thành công. Điều đó có thể hỗ trợ tâm lý NĐT trong các phiên tới.

Tuy nhiên, với hiệu ứng chốt NAV và giá tăng, có thể NĐT lại suy nghĩ khác, rằng đó là cơ hội để chốt lời vì nếu sau ngày 30-9, lực mua của các quỹ giảm đi, TT có thể suy yếu. Vượt 1.000 điểm là thời khắc quan trọng, vì rất nhiều lần TT “vật vã” quanh mốc này. Thế nhưng phiên này, khi VN Index vượt 1.000 điểm, NĐT lại không mấy hào hứng. Bằng chứng rõ nhất là thanh khoản không cao. Tổng giá trị khớp lệnh của hai sàn phiên này giảm gần 3% so phiên trước, trong khi nếu NĐT hào hứng, thanh khoản sẽ gia tăng thay vì giảm. Mặt khác, chỉ có ROS là CP giao dịch lớn, còn lại đều chịu tác động khá mạnh của hoạt động chốt lời. Việc TT bị xả tại đỉnh 1.000 điểm lặp lại sang lần thứ 4 chắc chắn sẽ khiến NĐT mệt mỏi. Số đông NĐT nhỏ lẻ chờ đợi VN Index đột phá qua 1.000 điểm để “bay” cao hơn. Vì thế, việc xả khối lượng lớn ở khu vực này nhiều khả năng là quyết định của các NĐT chuyên nghiệp và NĐT nước ngoài.

Sang phiên giao dịch ngày 1-10, mốc 1.000 điểm lại tới rất gần khi các CP ngân hàng nỗ lực thay thế hàng loạt trụ khác để kéo chỉ số. VN Index tăng hơn 3 điểm, nhưng vẫn lỡ hẹn mốc 1.000. Trong phiên này, hai lần chỉ số VN Index cố gắng vượt 1.000 điểm nhưng vẫn chưa thành công.

Lý do chính khiến chỉ số cứ lên lại xuống và không chạm được mốc nhạy cảm nói trên là do chỉ có nhóm CPNH bứt phá, các mã lớn khác không tốt. CPNH tuy là nhóm vốn hóa khá lớn và tổng hợp lại là nhóm lớn nhất TT, nhưng các mã khác giảm thì sức mạnh của nhóm cũng yếu đi. Chỉ số VN30 Index đại diện các blue chip của HoSE đóng cửa tăng 0,37% và có 17 CP tăng giá. Tuy nhiên, lực tăng lại chưa đủ mạnh để hỗ trợ nhóm CPNH. Trong khi đó, VNM giảm cực mạnh 1,31%, SAB giảm 0,61%, VHM giảm 0,11%, VRE giảm 1,21%, GAS giảm 0,09% lại là những CP rất lớn.

Mức điểm số của VN Index đóng cửa chỉ còn cách mốc 1.000 điểm rất nhỏ và hoàn toàn có thể đạt được ngay trong phiên này, nếu như các CP lớn bớt một chút độ giảm. Chỉ số đóng cửa đã là 999,59 điểm và cơ hội vượt 1.000 điểm lại đành để dành sang phiên kế tiếp. Lần này cơ hội rất lớn vì chỉ cần nhóm blue chip tăng nhẹ là TT sẽ bước qua được mốc điểm số rất khó chịu này.

Mặc dù các mã CPNH phiên này đồng loạt bùng nổ, nhưng thanh khoản ở nhóm này lại không đột biến, trừ HDB. HDB nhận được lực mua mạnh từ phía NĐT nước ngoài, vừa góp phần đẩy thanh khoản lên, vừa đẩy giá rất mạnh. Như vậy, có thể dòng tiền đang xoay vòng tìm kiếm các CP chưa tăng nhiều. Tuy nhiên, các mã CPNH không hẳn hút tiền như nhau. Phiên này, HDB đạt giao dịch kỷ lục trong 17 tháng về thanh khoản với gần 4,48 triệu CP. Thế nhưng MBB, VCB, CTB, VPB... lại giao dịch không mạnh như các phiên trước. Dòng tiền cũng giao dịch rất lớn ở các CP như VNM, VRE, nhưng lại là dòng tiền rút ra.

Tổng giao dịch hai sàn phiên này tăng gần 24% so phiên trước, đạt 5.184 tỷ đồng nhưng do thỏa thuận là chính. Tương quan có phần trái ngược này cho thấy dòng tiền vẫn hoạt động khá mạnh trên TT nhưng có mức độ tập trung cao thay vì dàn trải. Ngay trong nhóm blue chip cũng không hẳn NĐT mua đồng đều. Ở các mã có đà tăng tốt nhất thanh khoản cũng rất khác biệt.