Dòng tiền tiếp tục ổn định

Dư âm từ phiên tăng tích cực đầu tháng 8 tiếp tục đẩy VN Index sớm bật tăng khi mở cửa phiên giao dịch ngày 4-8, đưa chỉ số nhanh chóng tiếp cận mốc 825 điểm. Tại đây, áp lực chốt lời gia tăng hãm bớt đà tăng của chỉ số. Tuy nhiên, với sự ổn định của dòng tiền, chỉ số vẫn duy trì vững đà tăng và kết phiên với mức tăng gần 13 điểm, cũng là mức cao nhất ngày. 

Dòng tiền tiếp tục cho thấy sự ổn định đã giúp nhà đầu tư cởi bỏ tâm lý thận trọng và giao dịch tích cực hơn.
Dòng tiền tiếp tục cho thấy sự ổn định đã giúp nhà đầu tư cởi bỏ tâm lý thận trọng và giao dịch tích cực hơn.

Bất chấp hàng loạt thông tin căng thẳng về dịch bệnh những ngày cuối tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước ở phiên đầu tuần này, ngày 3-8, vẫn tăng tưng bừng, là một trong hai TTCK mạnh nhất thế giới. Đà tăng mạnh mẽ trong ngày đầu tuần là khá bất ngờ vì không có thông tin nào ủng hộ rõ rệt đối với TTCK trong nước. Cuối tuần qua, tình hình dịch bệnh bùng phát khá nhanh và nhiều ca tử vong. CK thế giới cũng không khởi sắc rõ rệt, trừ TTCK Nhật Bản tăng 2,24%. TT tương lai CK Mỹ thậm chí còn giảm điểm.

Tuy vậy, nhà đầu tư (NĐT) vẫn rất hào hứng trong phiên này, có lẽ vì hy vọng lặp lại những gì đã xảy ra trong tháng 4 vừa qua: Dịch bệnh càng lan rộng, TTCK càng tăng khỏe. Không ít NĐT trong nhịp tăng lần trước đã bỏ lỡ vì quá thấp thỏm trước tình hình dịch bệnh. Lần này dường như NĐT đã sẵn sàng mạo hiểm. 

VN Index bật qua 800 điểm rất nhanh trong vài phút đầu và tăng hầu như liên tục sau đó. Kết phiên chỉ số đóng cửa gần sát đỉnh, ở mức 814,65 điểm, tăng 16,26 điểm so tham chiếu, tương đương 2,04%. VN Index tăng mạnh thứ hai thế giới trong sáng 3-8, chỉ sau Nikkei 225 của Nhật Bản.

Phần lớn số cổ phiếu (CP) phiên này đều bật tăng mạnh. Sàn HoSE ghi nhận số lượng CP tăng giá nhiều gấp 5,3 lần số giảm giá và thực tế chỉ có 64 CP là đóng cửa dưới tham chiếu. Số mã tăng vượt 2% ở sàn này khoảng 180 mã. Tuy vậy cũng chỉ có 31 CP kịch trần và đều là các mã đầu cơ.

VN30 Index kết thúc phiên tăng 2,31% so tham chiếu với duy nhất NVL giảm 1,23%. Đồng thời 20 mã tăng vượt 2%. Nhóm blue chip đã tăng giá tốt nên đẩy các chỉ số tăng cao. Dẫn dắt là các trụ ngân hàng: VCB tăng 3,14%, BID tăng 1,5%, CTG tăng 2,59%, TCB tăng 2,48%, VPB tăng 3,71%, MBB tăng 2,86%. Nhóm trụ còn lại hơi tiếc là VIC chỉ tăng 0,11% và SAB tăng 0,6%. Bù lại VNM tăng 2,06%, VHM tăng 1,03%, GAS tăng 2,6%, MSN tăng 4,16%.

Nhóm CP vừa và nhỏ, nhóm đầu cơ đương nhiên hưởng lợi rõ rệt nhất trong bối cảnh TT bùng nổ. Chỉ số Midcap tăng 2,48%, Smallcap tăng 2,72%. Nhóm kịch trần toàn là các mã đầu cơ “hạng nặng” như KSB, DRH, HHS, ITA, ASM, HSG, OGC, HAI, HDG, AMD... Dĩ nhiên một phiên tăng dù là kịch trần cũng không hẳn là đáng kể đối với các CP nói trên vì trước đó giá đã giảm quá nhiều.

Động lực tăng mạnh nhất của TT phiên này dĩ nhiên vẫn là các CP blue chip vốn hóa lớn vì chỉ nhóm này mới kích thích được chỉ số. Tuy vậy khá bất ngờ là dòng tiền ở nhóm này không gia tăng bao nhiêu dẫn tới tổng thể giá trị khớp lệnh cũng chỉ tăng khoảng 13% so phiên trước, đạt 3.908 tỷ đồng.

Nhóm VN30 khớp lệnh phiên này chỉ tăng khoảng 5%, đạt 1.677 tỷ đồng. Ba CP là HPG, VHM và STB lại chiếm tới gần 36% tổng giá trị khớp cả rổ. Nhóm Midcap giá trị khớp còn giảm 3% so phiên trước. Duy nhất nhóm Smallcap tăng gấp đôi giá trị giao dịch, đạt gần 668 tỷ đồng.

Như vậy dòng tiền đang ưu tiên chạy về nhóm đầu cơ và nhóm này tăng tốt nhất phiên này. Điều này dường như không hợp lý về mặt xu hướng vì nhóm đầu cơ chất lượng cơ bản không cao, chỉ hay được thổi giá và đem lại lợi nhuận nhanh. Nếu tin tưởng vào khả năng tạo đáy, dòng tiền nên chạy vào nhóm blue chip vì nhiều mã đã giảm khá sâu so đỉnh.

Dòng tiền gia tăng cũng chủ yếu là từ NĐT trong nước. Khối nước ngoài mua toàn sàn HoSE cũng chỉ đạt 395,9 tỷ đồng và bán ra 383,7 tỷ đồng. Mức giải ngân này của khối nước ngoài là thấp nhất trong bảy phiên. Dòng tiền trong nước mạnh lên và hướng vào các CP đầu cơ là nét khác biệt so thời điểm bùng nổ tháng 4 vừa qua.

Sang phiên giao dịch ngày 4-8, đà tăng của VN Index tiếp tục được duy trì với nhiều mã nhỏ tiếp tục nổi sóng. Ngay khi mở cửa, với sắc xanh phủ kín rổ VN 30 và sự sôi động của dòng tiền, gần 300 mã trên HoSE đã tăng điểm. VN Index theo đó leo nhanh lên gần 825 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sớm khiến TT hạ nhiệt, nhiều mã không còn duy trì sắc tím. Sau khi về ngưỡng 820 điểm, chỉ số VN Index thêm một nhịp cố gắng nảy lên, nhưng lực mua chưa đủ nên chỉ số lại đảo chiều hạ nhiệt sau đó. 

Trong một vài phiên gần đây, dòng tiền có xu hướng tập trung vào nhóm CP vừa và nhỏ. Một số ý kiến cho rằng, dòng tiền này thiếu sự ổn định nên khó có thể hỗ trợ TT và thực tế là đã có phiên VN Index đảo chiều giảm mạnh khi gặp áp lực chốt lời. Diễn biến này khiến một bộ phận NĐT giao dịch thận trọng, đặc biệt sau khi VN Index dần hạ nhiệt khi tiếp cận mốc 825 điểm. 

Tuy nhiên, việc dòng tiền tiếp tục cho thấy sự ổn định trong nửa đầu phiên chiều 4-8 đã giúp NĐT cởi bỏ tâm lý thận trọng và giao dịch tích cực hơn trong nửa cuối phiên. Nhờ đó, VN Index nhẹ nhàng vượt qua mốc 825 điểm lên mức cao nhất ngày với mức tăng gần 13 điểm. Đóng cửa, với 326 mã tăng và 68 mã giảm, VN Index tăng 12,92 điểm (+1,59%) lên 827,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 277,44 triệu đơn vị, giá trị 4.179,04 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 12% về giá trị so phiên 3-8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 26 triệu đơn vị, giá trị hơn 694 tỷ đồng.