Dòng tiền suy yếu, thị trường giảm điểm

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 26-6, thị trường chứng khoán (TTCK) đã rất yếu dù chỉ số VN Index chỉ giảm 2,6 điểm. Hiện tượng nâng đỡ chỉ số là quá rõ, vì số lượng cổ phiếu (CP) giảm giá nhiều hơn rất nhiều số tăng. Nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ CP đang thiệt hại nhiều hơn những gì VN Index thể hiện... CP lớn nhất nâng đỡ VN Index trong phiên này là SAB.

Hoạt động xả hàng vẫn tiếp tục trong khi người mua giảm.
Hoạt động xả hàng vẫn tiếp tục trong khi người mua giảm.

Mặc dù giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 25-6, nhưng TTCK Việt Nam vẫn khá tích cực khi đề kháng lại được mức lao dốc sâu trên TTCK Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chỉ có nhóm CP nhỏ, các mã đầu cơ là đang bám trụ, trong khi blue chip tiếp tục suy yếu.

TTCK Việt Nam bước vào phiên 25-6 với bóng đen từ TTCK Mỹ giảm đêm trước hơn 2,5% ở các chỉ số chính. Trong phiên, TT tương lai của Mỹ cũng sụt giảm mạnh. Thế nhưng TT trong nước lại khá ổn định. Ảnh hưởng tâm lý chỉ tạo nên một chút sốc nhanh đầu phiên khi VN Index để mất 1,17% ngay sau khi mở cửa. TT sau đó phục hồi dần dù phần lớn số CP vẫn đỏ. VN Index bám trụ thành công trên ngưỡng 850 điểm và đóng cửa lên 854,59 điểm, giảm 0,6% so tham chiếu, tương đương âm (-) 5,12 điểm.

Nhóm CP thép phiên này giao dịch mạnh mẽ, trong đó HPG gây sốc với mức thanh khoản chưa từng có trong lịch sử: Hơn 24,4 triệu CP được giao dịch, tương đương giá trị gần 667,5 tỷ đồng. HPG tăng giá 1,11% và thu hút thanh khoản lớn nhờ thông tin quý II lãi khoảng 2.700 tỷ đồng sau thuế, tăng 32% cùng kỳ. Tuy nhiên, thông tin này thật ra không mới và đó là động lực để HPG tăng giá mạnh trong tháng 5. Phiên này rất nhiều NĐT bắt đầu mua vào nhưng các NĐT mua trước đã xả hàng rất nhiều, đẩy thanh khoản lên cao kỷ lục.

Các CP thép khác cũng bật tăng mạnh mẽ cùng HPG. HSG đóng cửa tăng 5,13% và đang ở đỉnh cao nhất 26 tháng. Chỉ riêng hai CP thép này đã chiếm 23% tổng giá trị khớp lệnh của cả sàn HoSE.

Các nhóm ngành khác phiên này không giao dịch tốt như các CP thép. Phần lớn CP giảm giá và chỉ có CP riêng lẻ tăng. TT cũng không có trụ đỡ. Các mã lớn còn lại cũng giảm ngoại trừ VCB. Mức giảm chỉ hơn 5 điểm của VN Index là tương đối nhẹ phiên này. Nếu nhìn từ góc độ tích cực thì TT còn có cải thiện. Mức giảm đã được thu hẹp lại về cuối phiên và chỉ số giữ được trên mốc 850 điểm.

Cầu bắt đáy xuất hiện khá tốt đã đẩy nhiều mã hồi dần về phía tham chiếu, chỉ là chưa đủ để vượt qua ngưỡng này. Sau ba phiên giảm liên tục, TT có được lực mua nhất định tạm thời chặn đà giảm ở chỉ số. Đây là cố gắng đáng ghi nhận trong khi các TTCK quốc tế giảm mạnh. Tuy nhiên, tổng thanh khoản của TT vẫn còn thấp, chỉ đạt 5.109 tỷ đồng, giảm 10% so phiên kề trước, còn giá trị khớp lệnh giảm gần 9%, đạt 4.309 tỷ đồng, thấp nhất 5 phiên. Cầu bắt đáy vẫn được duy trì là tín hiệu tích cực ở thời điểm hiện tại, cho thấy vẫn có NĐT lựa chọn giải pháp mua vào khi giá điều chỉnh. Lực bắt đáy này chưa đủ mạnh so nhu cầu bán ra nên phần lớn số CP vẫn trượt dốc thêm.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 26-6, TT rất yếu dù chỉ số VN Index chỉ giảm 2,6 điểm. Hiện tượng nâng đỡ chỉ số là quá rõ, vì số lượng CP giảm giá nhiều hơn rất nhiều số tăng. NĐT nắm giữ CP đang thiệt hại nhiều hơn những gì VN Index thể hiện... CP lớn nhất nâng đỡ VN Index trong phiên này là SAB. Phiên 25-6, SAB cũng đã làm như vậy, nhưng đến lúc đóng cửa thì rơi về tham chiếu. Phiên này, SAB duy trì mức tăng 3% trọn phiên và điều đó tác động tốt đến VN Index khi SAB vẫn là CP lớn thứ 7 trên TT.

Tuy được SAB nâng đỡ khiến VN Index giảm không nhiều, nhưng TT giao dịch phiên này rất kém và CP giảm giá đáng kể. Sàn HoSE có tới gần 130 CP giảm hơn 1% và số giảm giá nhiều gấp đôi số tăng giá. Nếu NĐT chỉ đánh giá TT qua chỉ số thì phiên này không hẳn là xấu (vì mức giảm chưa tới 3 điểm), nhưng nếu nhìn vào danh mục CP của mình, mức thua lỗ chắc chắn lớn hơn nhiều.

Hoạt động xả hàng vẫn tiếp tục trong khi người mua giảm khiến TT suy yếu và các CP đầu cơ rất dễ bị bán mạnh hơn. Nhóm CP TT tuy có khả năng đi ngược dòng chung, nhưng khi suy giảm sức mua, tình thế sẽ thay đổi rất nhanh. Các nhà đầu cơ đều hiểu rằng các CP đầu cơ vốn không có yếu tố cơ bản hỗ trợ, mà chủ yếu tăng giá vì có nhiều người đầu cơ giá lên. Khi số lượng nhà đầu cơ mua vào ít dần, giá sẽ không còn được hỗ trợ, thậm chí có thể mất thanh khoản.

TT phiên này phản ứng rất đuối khi TTCK Mỹ phiên trước tăng vọt hơn 1% ở tất cả các chỉ số chính. Lúc này TT gần như không còn đủ sức phản ứng với yếu tố bên ngoài, vì dòng tiền lớn đã không còn giao dịch nhiều. Thanh khoản ngày một yếu là bằng chứng rõ nhất.

Tổng giá trị giao dịch hai sàn phiên này chỉ đạt 4.757 tỷ đồng, giảm 7% so phiên kề trước. Đó đã là nhờ giao dịch thỏa thuận tăng hơn 60% với 1.282 tỷ đồng. Điều này càng cho thấy lượng tiền vào các giao dịch khớp lệnh rất kém: Mức khớp lệnh chỉ đạt 3.475 tỷ đồng, giảm gần 20% so phiên kề trước.

Thanh khoản giảm dần tiếp tục phản ánh tâm lý đứng ngoài TT. NĐT đã chốt lời không muốn mua lại ở thời điểm này. Đặc biệt với các blue chip, dòng tiền đã rút đi đáng kể khiến thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Hiện TT đã đi gần hết tháng 6, vốn là thời điểm chốt danh mục đầu tư bán niên của các quỹ. Tuy nhiên, thanh khoản giảm nhanh cho thấy các tổ chức cũng không còn giao dịch nhiều nữa. Đây là điểm yếu nhất của TT lúc này vì thiếu dòng vốn của tổ chức, TT thiếu ổn định khi các NĐT cá nhân hầu hết chỉ là đầu cơ ngắn hạn.