Dòng tiền quay vòng nhanh

Các công ty chứng khoán (CTCK) ghi nhận, nhiều nhà đầu tư (NĐT) liên tục chuyển tiền vào tài khoản CK để giao dịch, thông thường từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, có tài khoản cá nhân đạt vài chục tỷ đồng, thậm chí có khách hàng bỏ vào cả trăm tỷ đồng.

Các nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 221.000 tài khoản. Ảnh: NG.NAM
Các nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 221.000 tài khoản. Ảnh: NG.NAM

Theo các CTCK, trong bối cảnh lãi suất huy động (LSHĐ) liên tục giảm, kênh đầu tư bất động sản (BĐS) chưa có tín hiệu khởi sắc và yêu cầu nguồn vốn tham gia lớn, thì kênh có thanh khoản cao và dễ tham gia là CK đã trở nên hấp dẫn hơn. Không chỉ các NĐT trong nước mà cả các NĐT cá nhân nước ngoài cũng tăng cường tham gia thị trường (TT). Dù không có con số thống kê về lượng tiền của các NĐT mới (được gọi là NĐT F0 - lần đầu tham gia hoặc mới quay lại TT), nhưng ước lượng từ các nhà môi giới lớn, giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam cho biết, lũy kế tám tháng đầu năm 2020, các NĐT trong nước đã mở mới hơn 221.000 tài khoản. Sự nhập cuộc của các NĐT F0 đã góp phần quan trọng giúp TTCK hồi phục mạnh sau khi lao dốc vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ số VN Index hiện quay trở lại vùng 890 - 900 điểm.

Theo Báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), số lượng tài khoản mở mới trong tháng 8 tại VDSC là 28.300, tăng 4,8% so tháng 7 và cao hơn nhiều mức bình quân của năm 2019 (khoảng 15.000 đến 20.000 tài khoản/tháng). Bên cạnh đó, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tăng cao kể từ cuối tháng 7, cho thấy sự hào hứng của các NĐT. Uớc tính, margin tính đến cuối tháng 8 tăng khoảng 40% so tháng 6.

Trưởng phòng Phân tích của VDSC Nguyễn Thị Phương Lam cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu và mặt bằng lãi suất giảm, các CTCK có thể đa dạng hóa nguồn huy động vốn phục vụ nhu cầu margin. Do đó, dòng tiền margin trên TT trong thời gian tới vẫn sẽ dồi dào. Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD) của nhiều doanh nghiệp (DN) bị đình trệ nên nhu cầu vốn thấp, khiến tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế đang ứ đọng trong hệ thống ngân hàng, dẫn đến các ngân hàng giảm LSHĐ. VDSC xem đây là dòng vốn rẻ, sẵn sàng chảy vào các kênh đầu tư khác như: CK, BĐS hay vàng. Nghĩa là, thay vì đưa vốn vào SX, KD hoặc gửi tiết kiệm, lượng tiền này giờ đây có thể phân bổ nhiều hơn cho hoạt động đầu tư. Phần lớn các NĐT F0 là “tay chơi” mới, chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư CK, nhưng họ có tư duy về đầu tư.

Diễn biến trên TTCK phản ánh một phần điều này, dòng tiền trong nước nâng đỡ TT nhưng rất thận trọng, quay vòng nhanh qua các nhóm cổ phiếu (CP) phân lợi theo thị giá, vốn hóa, hay nhóm ngành, nhất là các ngành, lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như BĐS khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, hạ tầng…

Theo nhiều nhà phân tích CK, giai đoạn này, dòng tiền trên TT vẫn là dòng tiền trong nước, lượng margin không quá nhiều, chưa phải giai đoạn bùng nổ của margin. NĐT kỳ cựu quen dùng margin thì rất thận trọng, NĐT mới phấn khích hơn nhưng ít dùng, tỷ lệ sử dụng chỉ khoảng 20 - 30%.

LSHĐ giảm, nhưng không phải lĩnh vực, ngành nghề nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn. Một số ngành được đánh giá có mức rủi ro cao hơn như BĐS đã phải gia tăng huy động vốn trên thị trường trái phiếu DN. Thực tế, lãi suất chỉ giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên và DN sản xuất theo đúng định hướng của Chính phủ. Trong khi đó, môi trường kinh tế hiện tại chứa đựng không ít rủi ro. Do đó, nguồn vốn đầu vào dư thừa với chi phí thấp nhưng điều kiện cho vay ở các lĩnh vực đầu tư tài chính (vốn được xem là có hệ số rủi ro cao) không được nới lỏng.

Mặc dù vậy, đối với cho vay đầu tư CK, lãi suất giảm tạo dư địa để khối CTCK cung cấp nhiều gói margin với các chính sách linh hoạt, phù hợp nhu cầu NĐT. Thực tế cũng cho thấy, hàng loạt CTCK đã tung ra chương trình ưu đãi về phí giao dịch, lãi suất margin hấp dẫn, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin giúp các NĐT dễ dàng tiếp cận TTCK, giao dịch thuận tiện hơn… Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất margin đang phổ biến ở mức 13 - 13,5%/năm, riêng các gói ưu đãi theo từng giai đoạn có lãi suất trung bình khoảng 9%/năm kèm theo một số điều kiện.

Mặt bằng lãi suất giảm, các CTCK có thể đa dạng hóa nguồn huy động vốn phục vụ nhu cầu giao dịch ký quỹ. Chẳng hạn, CTCK VNDIRECT vừa đưa ra gói lãi suất margin 9%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho danh mục ưu đãi gồm hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30; CTCK Bản Việt có gói margin 600 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm; CTCK Yuanta có sản phẩm YSR8, trong đó NĐT sẽ được hoàn 100% lãi vay margin nếu đáp ứng điều kiện về giao dịch, giá trị tài sản ròng… Với khách hàng VIP hay “siêu VIP”, các CTCK sẽ áp dụng lãi suất margin thấp hơn.

Hầu hết danh mục cấp margin đều được các CTCK tính toán mức độ rủi ro thấp, ưu tiên các cổ phiếu trong VN30, VN50, VN100. Giám đốc Chiến lược TT của CTCK MB Trần Hoàng Sơn cho biết, danh mục các mã CP được cho vay giao dịch ký quỹ thường không quá 150 mã và vốn hóa TT tập trung 80 - 90% ở các CP này. Các CP yếu kém sẽ bị hạn chế cho vay margin.

Theo Phó Tổng giám đốc CTCK Đông Á Huỳnh Anh Tuấn, đây là diễn biến không hiếm gặp trên TT từ trước đến nay. Ở những năm trước, các CTCK ít khách hàng nên khi có mã CP rủi ro cao hơn tiêu chí đề ra, phần lớn CTCK vẫn sẵn sàng cấp margin, tất nhiên là với lãi suất cao hơn. Lãi suất margin thấp thì CP phải an toàn, lãi suất được đẩy lên cao đối với CP rủi ro. Các CTCK có thể đang có nguồn tốt hơn, nhưng chắc chắn sẽ không dám lỏng tay cho vay.