Dòng tiền mạnh tiếp tục vào thị trường

Sự hứng khởi của nhà đầu tư (NĐT) ngay khi mở cửa phiên sáng 19-5 đã kéo chỉ số VN Index tăng nhanh lên trên vùng 850 điểm với sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Thanh khoản trên thị trường (TT) cũng tăng vọt. Tuy nhiên sau đó nhiều mã cổ phiếu (CP) lớn gặp áp lực chốt lời, mặc dù không quá mạnh, nhưng cũng đủ khiến VN Index trượt khỏi mốc 850 điểm.

Nhà đầu tư tự tin quay trở lại khi dòng tiền mạnh tiếp tục chảy vào thị trường. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư tự tin quay trở lại khi dòng tiền mạnh tiếp tục chảy vào thị trường. Ảnh: NAM HẢI

Trong phiên đầu tuần, ngày 18-5, TT giao dịch mạnh trở lại và nhóm CP ngân hàng (NH) được dầu khí hỗ trợ đã đưa VN Index về sát đỉnh tuần trước. Thanh khoản tiếp tục giảm nhẹ và khối NĐT nước ngoài có chiều hướng bán ròng. Nhóm giao dịch mạnh nhất phiên này là các CPNH trừ: SHB, STB và TPB. Tuy nhiên thanh khoản ở nhóm này không cao, thậm chí nhiều mã giao dịch khá ít. Bù lại sức mạnh vốn hóa của cả nhóm là điều giúp chỉ số bật lên xấp xỉ 10 điểm.

VCB có phiên tăng 3,29%, là CP mạnh nhất TT tính theo sức ảnh hưởng lên VN Index. CP này tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới với mức tăng xấp xỉ 16,5% kể từ đầu tháng 5. Bất ngờ là VCB thanh khoản kém nhất nhóm với chỉ hơn 1 triệu CP, trị giá 77,4 tỷ đồng khớp lệnh. Đây là lượng giao dịch thấp nhất trong tám phiên. Trong nhóm CPNH, CP duy nhất tăng mạnh hơn VCB là VPB, đóng cửa trên tham chiếu 5,24%. VPB cũng bất ngờ đạt thanh khoản rất cao, thậm chí là xếp thứ hai TT và cũng được khối nước ngoài mua vào tới hơn 2,7 triệu CP trong tổng giao dịch 11,75 triệu CP. VPB cũng đã tăng gần 25,2% chỉ từ đầu tháng 5 tới nay.

Nhóm blue chip dầu khí có GAS tăng 3,67%, PLX tăng 1,91%. GAS vốn hóa rất lớn nên sức ảnh hưởng chỉ sau VCB. VN30 có duy nhất một mã kịch trần là HPG. Đây cũng là CP quay đầu phục hồi lên trên giá trước thời điểm dịch Covid-19 từ khá sớm. Thậm chí phiên này HPG còn chỉ cách đỉnh cao nhất năm 2020 có 4,56%. Trên sàn HoSE có khá nhiều CP đang tiến sát về giá thời điểm cuối tháng 1-2020 (giá trước khi TT chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19) nhưng rất hiếm CP đạt được giá đỉnh từ đầu năm. HPG, FPT, VPB là những CP có tiềm năng nhất.

Nhìn chung, nhóm blue chip phiên này giao dịch mạnh mẽ, kéo VN30 Index tăng 1,72%, mạnh hơn nhiều mức tăng 1,21% của VN Index. Nguyên nhân là tác động của những CP như: HPG, TCB, VPB, MWG rất mạnh. Trong khi đó VN Index lại thiếu đi lực đẩy của VIC giảm 0,52%, VNM tăng quá nhẹ 0,27%, VHM tăng 0,42%, SAB tăng 0,46%.

Phiên tăng mạnh gần 10 điểm này đã giúp VN Index phục hồi hết mức giảm tuần trước, thậm chí mức đóng cửa đã cao hơn đỉnh tuần trước. Tuy nhiên, nếu tính theo điểm số cao nhất, VN Index vẫn chưa vượt được đỉnh cao gần nhất. Sức mạnh của các CP blue chip đã lấy lại sinh khí cho TT nói chung và VN Index nói riêng.

NĐT nước ngoài bán ròng nhẹ khoảng 93 tỷ đồng trên sàn HoSE và hơn sáu tỷ đồng trên sàn HNX. Mức bán này không lớn. Phiên cuối tuần trước giá trị CP bị bán ròng khoảng 157 tỷ đồng và chỉ được bù đắp lại bằng giao dịch mua ròng chứng chỉ quỹ. TT tăng tốt phiên đầu tuần không phải nhờ xuất hiện thông tin hỗ trợ mà chủ yếu dựa trên lực cầu và ảnh hưởng của nhóm CPNH. Tuy vậy thanh khoản của nhóm này khá yếu, chỉ có VPB và CTG giao dịch sôi động. Thực tế mức giảm giá trị khớp lệnh hơn 1% đã là nhờ mức tăng giá CP. TT hiện vẫn đang nằm trong vùng kháng cự mà tuần trước chưa thể vượt qua được. Nhóm CPNH mạnh trở lại là một trong những niềm hy vọng để đưa VN Index vượt qua vùng cản này.

Sự hứng khởi của NĐT ngay khi mở cửa phiên sáng 19-5 đã kéo chỉ số VN Index tăng nhanh lên trên vùng 850 điểm với sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Thanh khoản TT cũng tăng vọt. Bước vào phiên giao dịch sáng 19-5, có lẽ ảnh hưởng tích cực của chứng khoán thế giới, đặc biệt là TT phố Wall tăng mạnh phiên đêm 18-5 nên ngay khi mở cửa, lệnh mua ATO đã ồ ạt nhập cuộc kéo VN Index tăng thẳng đứng 15 điểm. Nhóm CP blue chip cũng làm tốt vai trò của mình, khi cũng đồng loạt tăng giữ nhịp cho TT với 28 mã xanh trong rổ VN30, trong đó, đáng kể nhất vẫn là HPG, khi nhanh chóng chạm mức giá trần và khớp lệnh tốt nhất sàn HoSE. Nhóm CP được mua mạnh tiếp theo cũng không thiếu các mã lớn và tập trung ở nhóm CPNH như: CTG, MBB, VPB, TCB, BID, hay các blue chip khác như: VRE, SSI, VHM, MWG, MSN...

Sau khi tăng nhanh lên trên 850 điểm, sự lưỡng lự sau đó của TT đã khiến chỉ số chững lại, nhưng gần như cũng chỉ là phản ứng tâm lý tức thời, khi dòng tiền mạnh vẫn tiếp tục chảy vào TT đã kéo sự tự tin của NĐT quay trở lại. Chỉ số theo đó bứt hẳn lên và tạm kết phiên sáng ở mức điểm cao nhất.

Sau phiên sáng khởi sắc, TT bước vào phiên chiều 19-5 với tâm lý hứng khởi chưa dứt của NĐT, VN Index nhích dần lên 855 điểm. Tuy nhiên, khi áp lực chốt lời dâng cao, chỉ số đã rơi xuống dưới 845 điểm. Các blue chip cũng bị thu hẹp đà đi lên đáng kể so phiên sáng. Nhưng sau đó bên nắm giữ CP cũng không đẩy quá mạnh việc bán ra, trong khi lực cầu vẫn còn. VN Index trở lại mốc 845 điểm và không có thêm diễn biến bất ngờ nào trong đợt khớp lệnh ATC.

Đóng cửa, sàn HoSE có 231 mã tăng và 135 mã giảm, VN Index tăng 8,91 điểm (tương đương 1,06%), lên 845,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 385,2 triệu đơn vị, giá trị 8.063,6 tỷ đồng, tăng gần 52% về khối lượng và 81% về giá trị so phiên đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 91,5 triệu đơn vị, giá trị 2.711 tỷ đồng.