Dòng tiền dịch chuyển tìm đích mới

Ngay sau khi thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có dấu hiệu tích cực trở lại kể từ đầu tháng 4, các quỹ đầu tư cổ phiếu (CP) đã nhanh chóng tái cơ cấu danh mục. Trong gần hai tháng qua, nhà đầu tư (NĐT) cũng duy trì được tâm lý tích cực, các chỉ số liên tục đi lên nhờ sự tăng giá của nhiều CP trong nhóm VN30.

Nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại những nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều. Ảnh: NAM ANH
Nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại những nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều. Ảnh: NAM ANH

Kể từ ngày 1-4 đến ngày 27-5, TTCK Việt Nam đã hồi phục cùng chiều với TTCK thế giới, các chỉ số chính như VN Index đã tăng hơn 26% và hiện các chỉ số đang dần tiếp cận vùng đỉnh trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Dòng tiền đang có sự chuyển dịch luân phiên từ các CP được hưởng lợi từ giá dầu giảm đến các CP được hưởng lợi từ đầu tư công. Trong nhóm VN30, có khoảng hơn một nửa số CP đã ghi nhận mức tăng cao hơn VN Index, số còn lại đà tăng vẫn còn khiêm tốn.

Đơn cử như mã HPG của Công ty CP tập đoàn Hòa Phát. Trong gần hai tháng qua, HPG đã tăng gần 62%, từ mức giá 16.850 đồng/CP lên 27.200 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 27-5. Lý giải về mức tăng gây bất ngờ của HPG, một chuyên viên phân tích cao cấp của SSI cho biết, trong cuộc họp với các NĐT, nhà phân tích cách đây không lâu, Hòa Phát đã đưa ra kế hoạch doanh thu năm 2020 tăng trưởng mạnh so năm 2019. Lợi nhuận dự kiến tăng khoảng 20 - 30%, lên mức 9.000 đến 10.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận kỷ lục của tập đoàn này từ khi thành lập đến nay trong khi tăng trưởng của nền kinh tế nói chung cũng như tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) khác nói riêng trên sàn CK đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch của Covid-19.

Tương tự, VPB của VPBank vừa có đợt hồi phục mạnh cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý I vừa qua. Cùng với những thông tin như dự kiến mua tối đa 122 triệu CP quỹ, lãnh đạo và người liên quan mua vào CP VPB. Ngoài ra, các CP khác như MWG của Thế giới Di động hay POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng đều ghi nhận mức tăng hơn 40% chỉ trong thời gian ngắn. Tất nhiên, mỗi CP đều mang cho mình những câu chuyện riêng để “dẫn sóng”.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của những CP VN30 nói trên, có thể thấy đây là nhân tố chính tạo nên đà hồi phục của TT chung trong thời gian qua. Tuy nhiên, các CP này đều đã đạt được mức tăng đáng kể, thậm chí vượt qua cả mức tăng của TT nên các NĐT sẽ thực hiện chốt lời dần vào thời gian tới đây. Sau khi chốt lời, dòng tiền cần đi tìm kiếm cơ hội tại những nhóm CP chưa tăng nhiều. Cần phải nhắc lại rằng vẫn còn khoảng 40% số CP trong nhóm này đang có đà tăng khá khiêm tốn. Thực tế, dòng tiền luôn có sự luân phiên bùng nổ một cách đều đặn, hết kích hoạt đối với nhóm CP vốn hóa lớn lại đến nhóm vốn hóa nhỏ và vừa.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty CK Rồng Việt, Covid-19 đã tác động tiêu cực lên hoạt động của DN từ tháng 3 nhưng thiệt hại thật sự có khi chỉ đến từ tháng 4 và dù hiện tại triển vọng đã sáng hơn nhưng DN vẫn cần một quá trình phục hồi dài hạn. Do đó, nhiều khả năng kết quả kinh doanh năm 2020 sẽ giảm so năm trước. Hiện, trên cả ba sàn CK đang có rất nhiều CP tăng giá đến mức cao hơn cả trước khi có dịch. Đà tăng nếu còn kéo dài, sẽ còn nhiều mã ghi nhận được mức tăng như vậy và cơ hội có thể thuộc về những CP còn lại trong nhóm VN30.

Thực tế, ngay sau khi TTCK Việt Nam có dấu hiệu tích cực trở lại kể từ đầu tháng 4 trước hiệu ứng “men say” dòng tiền mới, các quỹ đầu tư CP đã nhanh chóng tái cơ cấu danh mục. Được biết đến là những “cá mập” có sức ảnh hưởng nhất trên TTCK Việt Nam, mọi hành động của các quỹ đầu tư đều được theo dõi sát sao bởi những NĐT nhỏ lẻ. Chỉ một dấu hiệu tiêu cực từ các NĐT lớn này cũng có thể khiến TT tổn thương nặng nề, bởi đặc điểm “đi tiền lớn” nên hầu hết các quỹ đều phân bổ danh mục vào các CP blue chip trong VN30.

Một trong những thương vụ lớn thu hút được sự chú ý của giới đầu tư là cuộc tháo chạy của một loạt quỹ ngoại khỏi SVC của Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) - nhà bán lẻ ô-tô lớn nhất TT Việt Nam. Tại thời điểm cuối năm 2019, tỷ lệ nắm giữ của NĐT nước ngoài tại DN này vẫn ghi nhận 47,79% vốn, nhưng đến nay đã giảm về chỉ còn hơn 4%, hàng loạt quỹ đầu tư đã không còn là cổ đông lớn.

Hay giao dịch thoái vốn của nhóm quỹ thuộc Dragon Capital tại PCC1 thực hiện ngày 11-5-2020. Không chỉ thoái vốn tại PCC1, hồi tháng 4 vừa qua, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital cũng đã bán gần 9,3 triệu CP NKG của Công ty CP thép Nam Kim, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn của DN này... Cùng thời điểm, VinaCapital và Pyn Elite cũng gây chú ý với thương vụ thoái vốn tại “ông lớn” BOT Tasco.

Kinh tế toàn cầu năm 2020 vốn được kỳ vọng sẽ tiếp nối đà tăng trưởng từ chu kỳ 2009 - 2019, nhưng mọi thứ đã bị đảo lộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịch bệnh lan rộng ở quy mô hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đang là thử thách chưa từng có của thế giới trong hơn 100 năm qua. Tất nhiên, TTCK cũng không nằm ngoài xu thế, diễn biến tiêu cực của TT trong những tháng đầu năm đã khiến không ít quỹ đầu tư - vốn được xem là những NĐT chuyên nghiệp, rơi vào tình trạng thua lỗ. Do đó, động thái “tháo chạy” ngay sau khi TT có dấu hiệu hồi phục trở lại nhờ hiệu ứng của dòng tiền đến từ các NĐT cá nhân mới của nhóm các quỹ lớn trên TT là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, dòng tiền chỉ là chuyển từ CP này sang CP khác chứ không hề rời khỏi TT.