Động lực phát triển thị trường năm 2021

Từ mức đáy 650 điểm khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam vào cuối tháng 3-2020, VN Index tăng lên mạnh mẽ trong tháng cuối cùng của năm 2020, mang lại cơ hội và niềm tin cho nhiều nhà đầu tư (NĐT). Mặt khác, kinh tế Việt Nam đang hồi phục, với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong năm 2021 được kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển mạnh mẽ và thiết lập những kỷ lục mới.

Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước là yếu tố quan trọng nhất giúp thị trường phục hồi. Ảnh: NG.ANH
Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước là yếu tố quan trọng nhất giúp thị trường phục hồi. Ảnh: NG.ANH

Theo Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty CP CK KIS Việt Nam Trần Trương Mạnh Hiếu, có nhiều nguyên nhân giúp TT phục hồi mạnh trong thời gian vừa qua như dịch Covid-19 đã được kiểm soát một cách nhanh chóng, trong khi Covid-19 vẫn đang lây lan trên thế giới. Điều này góp phần rất lớn vào việc phục hồi nền kinh tế sau dịch. Những chính sách kịp thời của Chính phủ như các gói hỗ trợ kinh tế, giãn, giảm thuế, phí lệ phí, chính sách cơ cấu nợ và giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam... đã giúp doanh nghiệp (DN) giảm thiệt hại và nhanh chóng sản xuất trở lại. Dòng tiền từ NĐT trong nước là yếu tố quan trọng nhất giúp TT có sự phục hồi mạnh. 

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu phân tích, nếu nhìn lại giai đoạn từ tháng 5-2018 đến tháng 2-2020. VN Index dao động trong vùng 880 - 1.030 điểm. Trong giai đoạn này TT không có những đợt tăng giá mạnh nên tạo tâm lý chán nản cho NĐT. Với ảnh hưởng của dịch, chỉ số đã điều chỉnh mạnh phá vỡ vùng 880 điểm và điều chỉnh về vùng 660 điểm, giảm hơn 30% (tính từ đỉnh tháng 2-2020 đến đáy tháng 3-2020). Năm 2020, nhiều cổ phiếu (CP) lớn có chỉ số cơ bản tốt đều về vùng giá hấp dẫn. Điều này đã kích thích sự tham gia của NĐT trong nước, nhóm NĐT này đã thay thế vai trò của NĐT nước ngoài và trở thành nhóm dẫn dắt TT. Nhờ dòng vốn trong nước mà thanh khoản và giá cổ phiếu đều có sự cải thiện đáng kể. Đây có thể được xem là điểm nhấn của TT trong năm 2020.  Đặc biệt, sự phát triển của TT được hỗ trợ bởi những chính sách như giảm giá và miễn phí dịch vụ CK. Chính sách giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với 15 loại dịch vụ CK của Bộ Tài chính có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của TT, giúp cho NĐT giảm được những khoản phí cố định khi đầu tư vào TTCK, qua đó giúp nhiều NĐT có thể tiếp cận TT tốt hơn.

Bên cạnh đó, tính minh bạch của TT ngày càng tăng, các sản phẩm đầu tư trên TT ngày càng đa dạng và cơ sở hạ tầng, khung pháp lý dần hoàn thiện. Đây là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của TT trong tương lai. Cơ quan quản lý cũng đang có sự cải thiện lớn về những yếu tố này như phát triển TT phái sinh, chứng quyền có bảo đảm và Luật CK mới có hiệu lực... Do đó, trong tương lai TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tiệm cận với những TT khác trong khu vực và thế giới.

Bước sang năm 2021 khi Luật CK năm 2019 và các văn bản dưới luật có hiệu lực sẽ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong tiến trình nâng hạng TT. Điều này không chỉ giúp các NĐT cá nhân trong nước mà còn giúp các NĐT nước ngoài yên tâm hơn khi rót vốn vào TTCK Việt Nam. Ngoài ra, những yếu tố tích cực nêu trên sẽ thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ ETF ngoại vào TT. Nhiều chuyên gia CK tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK trong năm 2021.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, nhìn về tổng thể Luật CK 2019 tạo ra một khung pháp lý hoàn thiện hơn cho NĐT trong và ngoài nước có thể bình đẳng hơn khi tham gia TT. Thêm vào đó, Luật CK cũng làm tăng tính minh bạch trên TT, có thể giúp TT có những bước phát triển mới. Việc khối NĐT nước ngoài bán ròng trong năm 2020 chỉ mang tính ngắn hạn và để cơ cấu lại danh mục sau một thời gian dài đầu tư ở Việt Nam, chứ không phải khối này rút vốn đi. Bằng chứng là khối này đã có những phiên mua ròng mạnh trong hai tháng cuối năm 2020. Điều này cho thấy sau thời gian dài bán ròng trong năm thì khối này đã bắt đầu giải ngân trở lại cho những vị thế mới. Do đó, xu hướng mua của khối ngoại sẽ quay lại trong năm 2021.

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu cho rằng, trong năm 2021, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự tích cực, tuy nhiên mức độ biến động có thể gia tăng. Tuy ngắn hạn TT có thể xuất hiện một nhịp điều chỉnh, nhưng đây là nhịp điều chỉnh mang yếu tố kỹ thuật để giúp TT có thể tiếp tục tăng trưởng trong trung và dài hạn. Những yếu tố thúc đẩy TT trong dài hạn có thể kể đến như sự phục hồi trở lại của nền kinh tế trong năm 2021; hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu; lợi ích tiềm năng từ các hiệp định thương mại tự do. Với những lợi thế trên, VN Index sẽ có sự điều chỉnh ngắn hạn sau đó quay lại xu hướng tăng trưởng và có thể đạt 1.300 điểm trong năm 2021.

Cùng quan điểm này, Giám đốc phân tích Công ty CP CK Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh nhận định, TTCK sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền từ kênh tiết kiệm và số lượng tài khoản CK mở mới cũng như tài khoản có hoạt động tăng lên. Nhìn lại diễn biến TTCK từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh khối NĐT nước ngoài liên tiếp rút ròng, dòng vốn trong nước, chủ yếu của các NĐT cá nhân, đã thúc đẩy chỉ số VN Index hồi phục sau khi lao dốc vì đại dịch Covid-19. Yếu tố lãi suất thấp đã hỗ trợ rất lớn cho TTCK. Mặt bằng lãi suất thấp được dự báo sẽ kéo dài và dòng vốn rẻ tiếp tục tạo động lực cho TT phát triển trong năm 2021.