Dõi theo diễn biến thị trường

Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam chiều 16-3 đã quyết định giảm lãi suất điều hành. Bước đi này không khó đoán, vì trước đó Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã cắt giảm 1% lãi suất. Thị trường chứng khoán (TTCK) thông thường phản ứng rất tốt trước động thái cắt lãi suất, nhưng sự hoài nghi vẫn còn nên diễn biến trên TT không mấy tích cực.

Ảnh hưởng tâm lý từ diễn biến tiêu cực trên thế giới đã khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục chấp nhận cắt lỗ. Ảnh: N.ANH
Ảnh hưởng tâm lý từ diễn biến tiêu cực trên thế giới đã khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục chấp nhận cắt lỗ. Ảnh: N.ANH

Đây là lần thứ hai trong nửa đầu tháng 3, FED cắt giảm lãi suất trước khi kỳ họp diễn ra. Rất tiếc là động thái đột ngột này đã khiến TTCK toàn cầu trở nên lo lắng hơn là hào hứng. Nhà đầu tư (NĐT) trong nước cũng không thể chống đỡ nổi áp lực rút vốn quá mạnh của khối NĐT nước ngoài. TT tương lai của CK Mỹ phản ứng cực kỳ tiêu cực, giảm hết biên độ cho phép 5% và đóng cửa dừng giao dịch. TTCK châu Á cũng rơi vào hỗn loạn khi CK Nhật giảm 2,46%, Trung Quốc giảm 3,4%, Hồng Công (Trung Quốc) giảm 4,7%, Hàn Quốc giảm 3,19%...

TTCK trong nước cũng không tích cực hơn được, dù cuối tuần trước có phiên lội ngược dòng khá tốt. Ảnh hưởng tâm lý từ diễn biến tiêu cực trên thế giới đã khiến TT rơi vào trạng thái tiêu cực và NĐT tiếp tục chấp nhận cắt lỗ. VN Index đóng cửa giảm 1,83%, tương đương gần 14 điểm. Yếu tố hỗ trợ duy nhất trong ngắn hạn ở thời điểm hiện tại là động thái cắt giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng (NH) T.Ư. FED đã cắt giảm lãi đúng như kỳ vọng về mức độ, nhưng quá sớm về thời điểm. Nếu như TTCK Mỹ phản ứng tiêu cực nghĩa là hành động này chưa đủ để trấn an NĐT.

Sau động thái của FED, Việt Nam cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản. Vấn đề lớn nhất là nếu giải pháp lãi suất không phát huy tác dụng thì liệu còn điều gì khác có thể hiệu quả hơn?

TT dường như đang dự kiến tình huống rất xấu khi các biện pháp này trở nên vô hiệu. Áp lực bán ra tiếp tục dâng cao trong phiên đầu tuần, ngày 16-3, khi TTCK toàn cầu không đánh giá cao giải pháp cắt giảm lãi suất. Cổ phiếu ngân hàng (CPNH) vẫn là nhóm bị bán tháo nhiều nhất, và vẫn đang là gánh nặng của TT và có nguy cơ thiệt hại nhiều nhất trong bối cảnh hiện tại. Hoạt động kinh doanh suy giảm, phải giãn nợ, giảm lãi suất cho vay trong khi lãi suất đầu vào vẫn giữ nguyên. Các NH không chỉ mất lợi nhuận mà còn nguy cơ gánh nợ xấu. Cắt giảm lãi suất là giải pháp cuối cùng trong các cuộc khủng hoảng và thường có tác dụng tốt. Tuy nhiên, lần này dường như biện pháp này lại bị nghi ngờ. Việc cắt giảm lãi suất, hay bổ sung là nới lỏng định lượng bằng cách mua lại trái phiếu Chính phủ, có thể giúp doanh nghiệp (DN) bớt khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên, khi FED hành động quá nhanh và quá sớm, TTCK lại nghi ngờ rằng nền kinh tế đang đứng trước các rủi ro lớn hơn những gì đã biết.

Trong đợt cắt giảm 0,5% lãi suất hôm 3-3, TTCK toàn cầu đã phản ứng ngược khi sụt giảm đột biến. Lần này cũng vậy, các TT đồng loạt giảm rất sâu. TT tương lai CK Mỹ phải dừng giao dịch do giảm quá mạnh, còn CK châu Âu mở cửa giảm đồng loạt 7 - 9%. CK Việt Nam giảm 1,83% vẫn thuộc loại nhẹ.

Có vẻ như giải pháp cuối cùng này vẫn chưa đủ để lấy lại niềm tin trên TT. Các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, việc giảm lãi suất không phải là giải pháp, vì khác với đợt khủng hoảng năm 2008, điểm yếu trong hệ thống lúc này là nhu cầu tiêu dùng và sản xuất chứ không phải nền kinh tế thiếu tiền mặt. Dịch bệnh khiến người dân hạn chế tiêu dùng, hạn chế đi lại, nhà máy thiếu công nhân. Càng bơm tiền nhiều và thiếu hàng hóa càng dễ khiến lạm phát tăng. Các tổ chức đầu tư phải cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng và nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Đối với TTCK Việt Nam, điểm rõ nhất là dòng vốn chảy ngược giống như thời điểm năm 2008, khi các quỹ đầu tư CP bị rút vốn. Phiên này, NĐT nước ngoài lại bán ròng tới 1.207 tỷ đồng chỉ riêng với CP trên sàn HoSE. Mức bán ròng CP khoảng 384 tỷ đồng. Điều này chắc chắn đã được dự báo từ sớm khi chuỗi ngày bán ròng của khối nước ngoài diễn ra mạnh mẽ ngay từ sau Tết Nguyên đán. Trú ẩn vào trái phiếu, thu hồi tiền mặt luôn là biện pháp dự phòng cho thiếu hụt thanh khoản trong giai đoạn khó khăn.

Sang phiên giao dịch ngày 17-3, TT vẫn tiếp tục giảm kéo dài tới tận gần cuối phiên mới có nhịp phục hồi khá rõ nét. TT phục hồi khá chậm và thận trọng. Cho đến hết phiên sáng 17-3, VN Index vẫn còn giảm 7 điểm. Nửa đầu phiên chiều TT lại giảm sâu hơn tới gần 16 điểm rồi mới quay đầu phục hồi những phút cuối. Nhóm blue chip, mà nổi bật là các mã CPNH, tài chính tăng rất mạnh đã tạo sức lan tỏa rộng rãi hỗ trợ chỉ số. Việc giảm lãi suất điều hành là một tin tốt đối với các NH vì giúp giảm chi phí. Trước đó các NH thực hiện giãn nợ, giảm lãi vay cho DN nhưng vẫn phải gánh chi phí đầu vào cao.

Chỉ số VN30 Index đại diện các blue chip của HoSE đóng cửa tăng 0,22% trong khi VN Index vẫn giảm 0,28% là do ngoài nhóm CPNH, tài chính, các blue chip khác tăng không tốt. TT trong nước hiện đang ngóng diễn biến bên ngoài quá sát sao. Phiên này nếu TT phái sinh CK Mỹ không giữ được đà tăng ổn định thì không có gì bảo đảm TT trong nước sẽ phục hồi. Mặc dù các thông tin hỗ trợ là rất tốt, nhưng sự nghi ngờ trên TT vẫn còn quá lớn.

Hiện tại, TT trong nước cũng không có gì quá xấu, yếu tố hỗ trợ mạnh nhất đã xuất hiện và nếu có thể chặn đứng đà lao dốc thì là một điều rất tốt. Tuy vậy, các biện pháp nới lỏng trên thế giới là giống nhau, nên nếu các TTCK khác vẫn không thể phục hồi được thì có nguy cơ tác động xấu tới tâm lý trong nước. TT đang đi về cuối tháng 3 và chỉ các số liệu vĩ mô quý I-2020 mới giúp lượng hóa được ảnh hưởng của dịch bệnh với nền kinh tế.