Diễn biến xả mạnh bất thường

Thị trường (TT) đã phục hồi khá tốt trong gần hết phiên giao dịch ngày 26-11, nhưng bất ngờ lại diễn ra lúc đóng cửa khi nhiều cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn bị xả mạnh đã khiến VN Index đang từ tăng gần 5 điểm tụt mạnh chỉ còn tăng 0,44 điểm. Diễn biến bất thường trong đợt giao dịch cuối cùng có thể nhìn thấy khá rõ, khi ngay lúc bước vào thời điểm đặt lệnh giao dịch tại giá đóng cửa (ATC), nhiều CP lớn lại xuất hiện khối lượng bán hàng trăm nghìn đơn vị.

Nhà đầu tư cũng vừa cắt lỗ ồ ạt trong các phiên trước chưa thể mua mạnh trở lại. Ảnh: HẢI ANH
Nhà đầu tư cũng vừa cắt lỗ ồ ạt trong các phiên trước chưa thể mua mạnh trở lại. Ảnh: HẢI ANH

Trước đó, TT đã có thêm phiên giảm nhẹ trong ngày đầu tuần, ngày 25-11, chủ yếu do ảnh hưởng của một số CP vốn hóa lớn giảm mạnh. Tuy nhiên, VN Index đã không giảm sâu thêm quá mức đáy của phiên cuối tuần trước.

Diễn biến bất ngờ nhất của phiên này chính là khả năng đảo chiều bất thành của một số CP dẫn dắt nhóm CP ngân hàng (NH). VCB và BID giao dịch rất tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới khả năng đảo chiều của VN Index. Nhóm CPNH thực tế không quá xấu, nhưng hai CP lớn nhất nhóm này là BID và VCB lại giảm tương ứng 1,24% và 1,17%. Cả hai mã này đã giảm sang phiên thứ 4 liên tục mà không có phục hồi. Hoạt động bắt đáy sau ba phiên giảm liên tiếp cũng xuất hiện và đỡ giá phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu bán ra đã thắng thế, cả VCB và BID đều kết thúc khá tiêu cực.

Nguyên nhân chính là cả hai CP này đều là những mã tăng khỏe nhất TT trong năm 2019 cũng như khỏe nhất nhóm CPNH. BID kể từ đầu tháng 6 tới đỉnh đầu tháng 11 đã tăng 45%. VCB thậm chí có xu hướng tăng liên tục trong 11 tháng đầu năm 2019 với lợi nhuận gần 72%. Do đó nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư (NĐT) rất cao bất chấp giá điều chỉnh liên tục. Ngoài ra, VN Index cũng không được hỗ trợ đầy đủ từ các CP lớn khác.

VN Index kết thúc phiên đầu tuần giảm 0,15% so tham chiếu, hay 1,43 điểm. Mức giảm là không nhiều do cũng có khá nhiều blue chip tăng. Chỉ số VN 30 đại diện nhóm blue chip đã tăng 0,28% so tham chiếu cho thấy có diễn biến tích cực trong nhóm này. Vấn đề chỉ còn là quy mô vốn hóa giữa các CP quá khác nhau mà thôi. Các CP vừa và nhỏ vẫn giao dịch tiêu cực.

Tuy vậy, nhóm blue chip đã phát tín hiệu cân bằng sớm hơn. Nhóm VN 30 cứ 1 mã giảm có tới 1,55 mã tăng, tức là số tăng đã áp đảo. Nếu CP blue chip cân bằng và phục hồi, dù chưa thể đảo ngược đà giảm của VN Index nhưng cũng có thể làm hạn chế tốc độ giảm. Gánh nặng từ các mã như VCB, BID, VIC, VHM là hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh chính những CP này đã đưa VN Index vượt ngưỡng 1.000 điểm. Xu hướng điều chỉnh giảm của nhóm này vẫn chưa kết thúc nên chắc chắn chỉ số sẽ vẫn bị ảnh hưởng. Kỳ vọng chính là việc phân hóa tăng ở nhóm blue chip sẽ giúp tâm lý TT cân bằng hơn. Một biểu hiện cân bằng nữa là thanh khoản đã bắt đầu nhỏ lại. Sau các đợt bán tháo tuần trước, thanh khoản nhỏ lại là một biểu hiện khá rõ của áp lực cắt lỗ suy yếu. Phiên này hai sàn giá trị khớp lệnh chỉ đạt hơn 3.300 tỷ đồng, thấp nhất 19 phiên.

TT đã phục hồi khá tốt trong phiên giao dịch ngày 26-11, nhưng bất ngờ lại diễn ra lúc đóng cửa khi nhiều CP vốn hóa lớn bị xả mạnh đã khiến VN Index đang từ tăng gần 5 điểm tụt mạnh chỉ còn tăng 0,44 điểm. Diễn biến bất thường trong đợt giao dịch cuối cùng có thể nhìn thấy khá rõ, ngay khi bước vào thời điểm đặt lệnh ATC, nhiều CP lớn lại xuất hiện khối lượng bán hàng trăm nghìn đơn vị.

Tín hiệu sớm là SAB khi xuất hiện 38.490 CP đặt lệnh giá thấp. Lượng bán ở SAB như vậy là khá đột biến vì CP này thường giao dịch rất nhỏ. Do không có lực mua đủ lớn nên giá đóng cửa của SAB đột ngột sụt giảm xuống 230.000 đồng/CP, thấp hơn tham chiếu tới 1,29%. SAB là CP vốn hóa rất lớn nên biến động mạnh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới VN Index. GAS cũng là CP sụt giảm mạnh lúc đóng cửa, để mất 1,07%. VIC cũng tương đối yếu phiên này, cuối phiên bị bán khá mạnh và đóng cửa giảm 0,69%. Ngay cả VNM cũng bất ngờ có lực bán mạnh mất đi gần hết mức tăng, đóng cửa chỉ còn tăng rất nhẹ 0,08%.

Do nhiều CP vốn hóa lớn cùng giảm một lúc trong lần đóng cửa, nên VN Index cũng mất đà đúng phút cuối. Trước khi đóng cửa, chỉ số này còn tăng tốt gần 5 điểm mà sau khi đóng cửa tăng chưa tới 0,5 điểm. Có thể nói, đây là một thất bại của phiên này khi các mã vốn hóa lớn đã ngăn cơ hội phục hồi rõ ràng của chỉ số.

Diễn biến của VN Index phiên này không hẳn là xấu, nhưng mất đà. Sau bốn phiên giảm liên tục trong đó có hai phiên rơi cực mạnh cuối tuần trước, TT phục hồi rất chậm nhưng cuối cùng lại không thành công. Diễn biến tăng bán bất ngờ ở đợt đóng cửa được cho là từ hoạt động tái cơ cấu của một số quỹ đầu tư và có thể thấy tác động chủ yếu xuất hiện tại nhóm blue chip. Các giao dịch này đã không ảnh hưởng nhiều tới các CP vừa và nhỏ, hàng đầu cơ. Hoạt động tái cơ cấu đơn lẻ của các quỹ vẫn có thể tác động lên TT nhưng sẽ dồn vào nhóm blue chip là chính. Điều này sẽ khiến VN Index trồi sụt không rõ ràng. Tuy nhiên, đó cũng không phải là tín hiệu xấu vì hoạt động bán của các quỹ sẽ không kéo dài.

Sau một tuần lao dốc quá nhanh, TT rất khó phục hồi đảo ngược mà chỉ có thể từ từ giảm đà rơi sau đó đi ngang. NĐT cũng vừa cắt lỗ ồ ạt trong các phiên trước chưa thể mua trở lại mạnh bạo. Phiên này vẫn có lực mua khá tốt nên không nhiều CP giảm giá, mà chỉ giảm mức tăng. Giá trị giao dịch khớp lệnh hai sàn khá cao với hơn 3.500 tỷ đồng và khoảng 1.204 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.