Đẩy mạnh bán ra, giao dịch tăng vọt

Những diễn biến bắt đáy tích cực trong phiên đầu tuần cộng hưởng với thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới khá mạnh nhờ thông tin Mỹ - Trung Quốc quay lại bàn đàm phán, đã ủng hộ TTCK trong nước phiên giao dịch ngày 27-8. Đã có lúc giao dịch khá tích cực, nhưng đáng tiếc nhà đầu tư (NĐT) lại coi nhịp phục hồi là cơ hội để thoát hàng.

Nhà đầu tư coi nhịp phục hồi là cơ hội để thoát hàng. Ảnh: NG.HẢI
Nhà đầu tư coi nhịp phục hồi là cơ hội để thoát hàng. Ảnh: NG.HẢI

TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh trong phiên đầu tuần, ngày 26-8, khi bắt đầu phản ánh muộn những xáo trộn trên thế giới cuối tuần qua. TTCK châu Á nói chung cũng ở trạng thái lao dốc. Phiên này, VN Index sụt giảm gần 10 điểm do có sự tác động rất lớn từ các cổ phiếu (CP) ngân hàng, dầu khí và nhiều blue chip khác. Tuy nhiên, đó không phải là lỗi của MBB, CP tăng ngược TT cực mạnh với mức 2,87%. BID cũng tăng tới 0,8%, VPB tăng 1,52%.

MBB còn gây ấn tượng ở mức thanh khoản lên tới 14,68 triệu CP, mức cao kỷ lục của năm 2019 tính đến thời điểm này. Hơn nữa, mức tăng này cũng là mạnh nhất trong vòng hai tháng và giá cũng cao nhất kể từ tháng 10-2018. Không ai rõ MBB có thông tin hỗ trợ gì tốt đến mức giá đi ngược TT một cách đột biến như vậy. Tuy nhiên, có một thông tin ít được chú ý, hôm 23-8 vừa qua, Công ty chứng khoán (CTCK) HSC vừa phát hành thêm bốn triệu chứng quyền (CQ) dựa trên CP MBB với giá thực hiện là 21.800 đồng (mã CQ: CMBB1902). Nếu nhìn từ góc độ tổ chức muốn phân phối thứ cấp CQ này thì giá MBB càng cao CQ càng dễ bán. Phiên này MBB tăng giá bùng nổ và thanh khoản cũng cực mạnh, dẫn đến giao dịch của CQ CMBB1902 cao nhất TT với 550.060 đơn vị. Bất ngờ là giá CQ lại giảm 0,6% và một khối lượng lớn CQ được trao tay thành công. Chênh lệch giữa giá thực hiện quyền với giá CP MBB đã là 6,88% trong phiên và điều này sẽ tạo độ hấp dẫn cho giao dịch CQ.

Các CP được sử dụng làm cơ sở cho CQ gần đây đều có biến động giá mạnh mẽ, tiêu biểu là MWG, FPT, còn phiên này là MBB. Việc CP cơ sở tăng giá cao hơn giá thực hiện giúp NĐT nắm CQ có lãi và CTCK thua lỗ, nhưng thực tế phải đến ngày đáo hạn CQ mới biết lỗ - lãi thực tế. Còn khi chưa đáo hạn, CP cơ sở càng tăng giá, CTCK càng có lợi vì lượng CP mua đối ứng phòng vệ trong kho tự doanh cũng tăng theo. Mặt khác, CTCK thuận tiện phát hành thêm CQ, nên thường tăng số lượng nhiều gấp nhiều lần đợt đầu và giá thực hiện càng cao hơn.

Trở lại phiên giao dịch ngày 26-8, ảnh hưởng mạnh từ diễn biến các TT thế giới khiến TT Việt Nam có nhiều biến động. Đầu tiên là tác động giảm khi CK cả châu Á đều lao dốc. Dưới ảnh hưởng của rất nhiều CP lớn giảm giá, VN Index chốt phiên để mất 9,57 điểm, tương đương 0,96%. Mức giảm sâu nhất lên tới 1,56% (hơn 15 điểm). Nhưng sau đó TT phái sinh của Mỹ phục hồi “xanh”. TTCK trong nước cũng ngay lập tức phục hồi, dù chỉ là bớt giảm. TT bớt giảm một phần cũng nhờ lực cầu bắt đáy khá cao khi giá xấu nhất. Tổng giá trị giao dịch phiên này đạt hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1.181 tỷ đồng là thỏa thuận. Thanh khoản tăng do NĐT mua vào mạnh hơn là một dấu hiệu tốt. NĐT đã không hoảng sợ khi TT giảm mà cho rằng TT chỉ rơi tạm thời, sau đó sẽ phục hồi.

Những diễn biến bắt đáy tích cực trong phiên đầu tuần cộng hưởng với CK thế giới khá mạnh nhờ thông tin Mỹ - Trung Quốc quay lại bàn đàm phán, đã ủng hộ TT trong nước phiên giao dịch ngày 27-8. Đã có lúc giao dịch khá tích cực, nhưng đáng tiếc là NĐT lại coi nhịp phục hồi là cơ hội để thoát hàng.

Đầu phiên này TT vẫn có nét tích cực. VN Index ngay sau khi mở cửa ít phút đã tăng 0,57%, chỉ số VN30 của nhóm blue chip mạnh hơn, tăng 0,76%. Rất nhiều CP tăng giá hòa chung với xu hướng tăng của các TT khác. Tuy nhiên, ngược với phiên đầu tuần khi TT giảm được NĐT cầm tiền xem là cơ hội bắt đáy, phiên này TT tăng được NĐT cầm CP xem là cơ hội để thoát ra. Lực bán mạnh đã nhanh chóng tạo sức ép đẩy các chỉ số suy yếu dần và sụt giảm. Đến chiều 27-8, VN Index bắt đầu đỏ và càng về cuối phiên càng giảm mạnh. Đóng cửa, chỉ số giảm 0,62% (6,09 điểm) so tham chiếu.

Trong phiên này VN Index từ chỗ tăng 5,6 điểm thành giảm hơn 6 điểm, biến động quá 11 điểm trong phiên. Chốt ngày chỉ số rơi xuống 976,79 điểm. VN Index biến động mạnh như vậy là do CP bị bán ra giảm giá quá nhiều. Biến động của TT trong nước đang chịu ảnh hưởng khá mạnh từ các diễn biến bên ngoài, nhưng lại không thật sự đồng nhịp. Thí dụ, mức tăng tốt của TT quốc tế đêm 26-8 và TT châu Á phiên này không giúp nhiều cho TT Việt Nam.

Điều quan trọng là do NĐT không đủ tự tin để tham gia TT trước những tin tốt xuất hiện. Phiên đầu tuần VN Index giảm 9,57 điểm và phiên này mất thêm 6,09 điểm nữa. Nếu tính cả cuối tuần trước thì ba phiên giảm liên tiếp đã lấy đi gần 20,5 điểm của VN Index. Đó là một phản ứng mạnh khi TT gặp tin bất lợi ở đỉnh cao gần 1.000 điểm. NĐT đã đẩy mạnh bán ra. Biểu hiện trong phiên này là giá trị giao dịch tăng vọt lên hơn 5.000 tỷ đồng. Mức khớp lệnh cũng tăng so phiên đầu tuần dù CP giảm giá chiếm ưu thế. NĐT phản ứng tiêu cực không phải là không có lý do vì TT đã lần thứ hai không vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm.