Đảo chiều với đà thuận lợi về tâm lý

Diễn biến đảo chiều tăng khá bất ngờ trong ngày tái cơ cấu ETF đã thể hiện tâm lý mạnh, vì thị trường (TT) hiện vẫn đang rập rình quanh đáy 950 điểm mà chưa biết sẽ đi theo hướng nào. Cả phiên chốt tuần qua, ngày 20-12, các chỉ số đều xanh, tức là lực mua đã mạnh ngay từ đầu. Nhà đầu tư (NĐT) chấp nhận một phiên giao dịch cởi mở với ETF và giúp VN Index duy trì đáy 950, thậm chí còn đẩy cao lên 956 điểm về cuối phiên.

Nhà đầu tư chấp nhận một phiên giao dịch cởi mở với ETF, giúp VN Index duy trì đáy 950. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư chấp nhận một phiên giao dịch cởi mở với ETF, giúp VN Index duy trì đáy 950. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, TT đã trải qua phiên đáo hạn phái sinh kỳ hạn tháng 12 vào ngày 19-12 khá bình yên, dù VN Index và VN30 Index diễn biến trái chiều. VN30 Index đóng cửa đã bị ép giảm điểm dù phần lớn thời gian vẫn tăng tốt.

Hiện tượng trái chiều giữa VN Index và VN30 Index xuất phát từ thực tế hai chỉ số này chịu tác động khác nhau giữa các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn. Những mã lớn đối với VN30 Index lại không hẳn là đủ lớn để chi phối VN Index. TT phái sinh chỉ quan tâm tới chỉ số cơ sở là VN30 Index, nên sự trái chiều này không mang ý nghĩa xấu.

VN Index đóng cửa vẫn tăng 0,12% so tham chiếu, trong khi VN30 Index giảm 0,11%. Tính đại diện của chỉ số VN Index là rộng hơn so VN30 Index, đồng thời các CP blue chip quan trọng hơn vẫn giữ được sắc xanh. Đáng chú ý nhất phiên này là mức 950 điểm của VN Index thủng ngay từ đầu phiên. TT đứng vững trên mốc 950 điểm lần thứ hai là một tín hiệu khá tích cực vì đây là mốc hỗ trợ tâm lý mạnh. Càng nhiều lần thử thách thành công ngưỡng hỗ trợ thì TT càng có khả năng tạo đáy. Mặt khác, sau nhiều lần thử thách, TT đã thay đổi dần trên phương diện phân hóa CP. NĐT dường như ít quan tâm hơn tới việc VN Index tăng giảm quanh ngưỡng này như thế nào mà quan tâm hơn tới CP cụ thể. Thật vậy, nếu nhìn VN30 Index thì dù chỉ số này giảm, khá nhiều CP vẫn tăng. Đây là diễn biến tích cực nhất trong 5 phiên vừa qua, tạo sự khác biệt đáng kể. Các phiên trước TT giảm kéo theo CP giảm áp đảo.

VN Index đứng vững 950 điểm cũng tạo ấn tượng về khả năng nâng đỡ của bên mua tại ngưỡng này. TT phiên này chịu tác động của phiên đáo hạn phái sinh và ngày mai còn là phiên cả hai quỹ ETF sẽ giao dịch mạnh. Vì vậy, sức ép chưa phải là kết thúc, NĐT vẫn có lý do để thận trọng. Tuy nhiên, cho tới khi dòng vốn nước ngoài được ghi nhận tăng mua trên TT Việt Nam, NĐT vẫn không khỏi thận trọng vì mọi kịch bản đều chỉ là dự tính. Phiên này, khối NĐT nước ngoài ghi nhận mua ròng hơn 200 tỷ đồng chỉ riêng sàn HoSE. Riêng nhóm blue chip VN30 được mua ròng gần 150 tỷ đồng.

Lịch sử cho thấy những tuần cuối năm dòng vốn này thường tăng cường giải ngân, trùng với thời điểm chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ hằng năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 tới ngày 18-12, khối này vẫn bán ròng đối với CP niêm yết tới 1.190 tỷ đồng. Chỉ hai tuần nữa là kết thúc năm tài chính, nếu dòng vốn này vẫn tuân thủ quy luật thì sẽ sớm thấy hoạt động giải ngân quay lại.

Phiên tái cơ cấu trọng điểm của cả hai quỹ ETF nước ngoài ngày cuối tuần qua lại không tạo xáo trộn gì lớn như chờ đợi. Lực bán ở nhiều mã khá mạnh, nhưng cầu đỡ đủ tốt và duy trì được nền giá tăng rộng khắp với các CP. Theo ước tính thì MSN, HPG và POW sẽ là ba CP bị bán ròng nhiều nhất đợt này. Bất ngờ là HPG vẫn ghi nhận mua ròng nhẹ, khối NĐT nước ngoài bán ra 2,37 triệu CP thì mua 2,43 triệu CP. Thật ra hai quỹ ETF vẫn xả ròng hơn 600.000 CP với HPG, nhưng đã có NĐT nước ngoài khác mua vào và quy mô giao dịch của khối này được ghi nhận là con số tổng hợp. HPG đóng cửa vẫn tăng 0,88%.

VN Index hầu như không chịu ảnh hưởng nhiều từ đợt tái cơ cấu này, VN Index đóng cửa vẫn tăng 0,44% so tham chiếu hay 4,15 điểm. Cả phiên giao dịch chỉ số đều tăng, thậm chí lúc đóng cửa còn ở gần ngưỡng cao nhất ngày. VN30 Index tăng 0,71% và chỉ có duy nhất bốn CP giảm giá. HoSE vẫn bị khối nước ngoài bán ròng 330 tỷ đồng trong phiên tái cơ cấu danh mục nhưng ảnh hưởng không còn rõ như các phiên giao dịch bình thường khác.

Diễn biến đảo chiều tăng khá bất ngờ trong ngày tái cơ cấu ETF đã thể hiện tâm lý mạnh, vì TT hiện vẫn đang rập rình quanh đáy 950 điểm mà chưa biết sẽ đi theo hướng nào. ETF bán ra nhiều có thể là một nguy cơ lớn vì phiên 19-12 VN Index đóng cửa chỉ hơn 952 điểm một chút.

Cả phiên chốt tuần các chỉ số đều xanh, tức là lực mua đã mạnh ngay từ đầu. NĐT chấp nhận một phiên giao dịch cởi mở với ETF và giúp VN Index duy trì đáy 950, thậm chí còn đẩy cao lên 956 điểm về cuối phiên. Nếu như phiên giao dịch khá căng thẳng này còn tăng được thì rõ ràng TT đang có đà rất thuận lợi về tâm lý. TT dù sao cũng đã đi về cuối tháng 12, tức là bắt đầu có kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2019. Thường thì các thông tin ước tính sẽ ra sớm hơn thời điểm ngày 20-1-2020. Mặt khác nếu nhìn lại năm 2018, TT sụt giảm cực mạnh trọn tháng 12 thì đến tháng 1 vẫn có sự cải thiện.

Mặt khác, TT cuối năm thường có một đợt kéo NAV (giá trị tài sản ròng) của các quỹ đầu tư để làm đẹp sổ sách. Năm 2018 hiện tượng này không xảy ra là do chiến tranh thương mại không biết sẽ leo thang đến đâu. Lúc này rủi ro đó đã được hóa giải, ít nhất là cho tới khi đàm phán giai đoạn 2. Tháng 1-2020 thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ được ký, tức là từ nay tới đó sẽ không có thêm thông tin xấu bất ngờ nào nữa. Đó cũng là yếu tố ủng hộ sự lặp lại của câu chuyện NAV.