Đà phục hồi xuất hiện rõ nét

Đêm 11-6, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cũng xuất hiện một phiên hoảng loạn. Cú sốc này đã kéo theo các TT châu Á sáng 12-6 sụt giảm mạnh và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mức phục hồi mạnh trên TT tương lai CK Mỹ là yếu tố hỗ trợ kịp thời cho TT trong nước trong phiên cuối tuần qua (ngày 12-6). Nhà đầu tư (NĐT) tiếp tục đổ tiền ra mua lúc giá giảm và kết quả cũng khá thành công khi nhiều mã quay đầu tăng.

Nhiều cổ phiếu được nhà đầu tư bắt đáy mạnh và bắt đầu tìm về tham chiếu. Ảnh: HẢI ANH
Nhiều cổ phiếu được nhà đầu tư bắt đáy mạnh và bắt đầu tìm về tham chiếu. Ảnh: HẢI ANH

Trước đó, đà tăng giá đã căng hết mức và phiên giao dịch ngày 11-6 xuất hiện một đợt chốt lời lớn. Diễn biến xấu trên TTCK quốc tế chỉ là một yếu tố, TT trong nước đang trong giai đoạn phân phối rất lớn suốt từ đầu tuần qua.

Đêm 10-6, TTCK Mỹ đã phản ứng rất xấu với thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khi không có thêm giải pháp nào bơm vốn nhiều hơn vào TT. Chỉ số DJA đã sụt giảm 1,04% và S&P 500 giảm 0,53%. Thế nhưng sang ngày 11-6, TT tương lai của Mỹ lao dốc, S&P500 giảm 1,7%. TTCK toàn cầu đỏ rực và giảm rất sâu. Ban đầu, TTCK Việt Nam tỏ ra mạnh hơn thế giới, thậm chí đến cuối phiên sáng 11-6, VN Index vẫn tăng nhẹ trên tham chiếu. Phải từ đầu giờ giao dịch phiên chiều, TT mới bắt đầu lực bán ra cực mạnh.

Do đà tăng quá nhanh và rất nhiều NĐT lãi rất lớn, tâm lý bảo toàn lợi nhuận đã thúc đẩy hành động bán tháo càng nhanh càng tốt. VN Index từ chỗ chỉ giảm 2-3 điểm đầu phiên chiều nhanh chóng “bốc hơi” hơn 10 điểm ngay lúc 2 giờ chiều 11-6. Càng về cuối phiên đà giảm càng nhanh và đóng cửa chỉ số để mất 32,63 điểm, tương đương 3,63%. Đây là mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ đầu tháng 4-2020.

Cả hai sàn phiên này có 82 CP giảm sàn, trong khi phiên kề trước vừa có tới 91 CP kịch trần. Tình thế đảo ngược quá nhanh. Đặc biệt là các blue chip thiệt hại nặng nề. Biến động quá lớn trên TTCK quốc tế không hẳn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán tháo trên TTCK Việt Nam phiên này. Lý do chính là tâm lý không muốn mất lãi nên NĐT chấp nhận bán bằng mọi giá để thoát ra. Trong khi đó, khả năng mua đã suy yếu đáng kể sau chuỗi phiên đạt thanh khoản cao liên tục.

Xu thế tăng không bao giờ có thể kéo dài mãi mãi và tiền mới dù lớn đến đâu cũng có lúc mua hết. Đó là điều rất nhiều NĐT biết rõ. Tuy nhiên, tâm lý đánh nhanh thắng nhanh và cho rằng sẽ thoát trước người khác. Có thể thấy rõ điều này ở nhóm CP đầu cơ tăng trần hàng loạt ngay trong ngày 10-6.

TT rất có thể đã bị phân phối nhiều phiên nhưng do sức mua của dòng tiền mới còn lớn nên giá không giảm mà tăng cao hơn. VN Index có hơn hai phiên rập rình quanh ngưỡng 900 điểm với thanh khoản rất cao, nhưng đã không thể đột phá được. Đó là dấu hiệu của áp lực chốt lời.

Phiên này, tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt ngưỡng 11.214 tỷ đồng, trong đó 10.029 tỷ đồng là giao dịch khớp lệnh. Thanh khoản này cho thấy cũng có rất nhiều NĐT lao vào bắt đáy CP trong nhịp giảm sâu phiên chiều. Tuy nhiên, với quá nhiều CP giảm giá mạnh và giảm sàn, lực lượng bắt đáy đã không thể cản nổi đà rơi. Phiên giảm hơn 3% này là quá mạnh, phát đi tín hiệu xấu về xu hướng hiện tại. Sau một phiên xả hàng với thanh khoản kỷ lục như vậy TT khó có thể cân bằng ngay được, vì sẽ có nhiều người khác cũng muốn thoát ra. Đó là chưa kể tới rủi ro sử dụng đòn bẩy của các NĐT mới.

Ngay đầu phiên giao dịch cuối tuần, VN Index đã cắm đầu xuống 841,44 điểm, giảm thêm tới 2,99% nữa so tham chiếu, tức là giảm chung hai phiên tới hơn 6%. Rất may là TT tương lai CK Mỹ thể hiện triển vọng phục hồi khi các hợp đồng tương lai chỉ số đều tăng mạnh hơn 1%. CK châu Á cũng dần phục hồi về cuối phiên.

Tại Việt Nam, đà phục hồi xuất hiện từ nửa sau phiên sáng và đến chiều thì khá rõ nét. Nhiều CP được NĐT bắt đáy mạnh và bắt đầu tìm về tham chiếu, sau đó tăng vượt tham chiếu. Sàn HoSE ghi nhận có 126 CP tăng giá, dù vẫn mới bằng một nửa số giảm giá, nhưng ít nhất đã có hiện tượng đảo chiều.

Sau phiên giảm đột biến TT thường phục hồi, đó là điều không khó để dự đoán. Nguyên nhân không chỉ là nhờ bên ngoài có tín hiệu tốt, mà còn do các NĐT vẫn tin tưởng vào khả năng điều chỉnh thông thường để đi lên cao hơn. Khi giá giảm mạnh nửa đầu buổi sáng 12-6, NĐT đã mua vào khá tốt và đến khi tình hình có chuyển biến, lực cầu cũng mạnh lên theo. Sau phiên giao dịch hơn 11.200 tỷ đồng ngày 11-6, tổng giá trị giao dịch phiên cuối tuần qua cũng vẫn đạt hơn 8.500 tỷ đồng. Mức giao dịch khớp lệnh phiên này giảm gần 24% so phiên kỷ lục, đạt hơn 7.600 tỷ đồng hai sàn. Đây vẫn là ngưỡng giao dịch rất cao, vì các tuần trước đó mức khớp lệnh bình quân phiên chỉ từ 6.000 tỷ đồng trở xuống.

Thanh khoản được duy trì ở mức rất cao đồng nghĩa lượng tiền mặt sẵn sàng mua vào còn dồi dào. Qua các phiên thanh khoản cao như vậy, hẳn đã có một lượng lớn tiền được rút ra. Tuy nhiên, giao dịch không sụt giảm nhiều tức là vẫn có NĐT quay lại. Đặc biệt là trạng thái trần sàn quá nhanh của các CP đầu cơ thể hiện sức hút vẫn còn rất lớn. Sau phiên lao dốc hơn 30 điểm ngày 11-6, VN Index trong phiên cuối tuần qua không xanh nổi cũng là một tín hiệu kém tích cực. Bình thường TT hoàn toàn có thể đảo chiều tăng ngay phiên kế tiếp. Mặt khác số lượng CP đảo chiều đủ mạnh để vượt qua tham chiếu vẫn còn quá ít. TT vẫn cần phải được thử thách thêm nữa, vì nếu phiên này TT tương lai CK Mỹ không đảo chiều tăng, chưa chắc TT trong nước đã phục hồi được.