Cuộc đua bắt đáy giải chấp

Rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã “canh me” phiên giải chấp cuối tuần qua, ngày 29-1, để bắt đáy, sau khi rất nhiều cổ phiếu (CP) chiết khấu hơn 20% so đỉnh làm thanh khoản hai sàn đã tăng nhẹ. Với các NĐT có kinh nghiệm thì bán giải chấp lại là cơ hội để mua được hàng giá rẻ. Điều quan trọng nhất là phải ước đoán được khối lượng cần giải phóng có quá lớn hay không. Nếu bắt đáy không đủ lực thì giá vẫn có thể giảm tiếp. 

Lý do nhà đầu tư bắt đáy chỉ đơn giản là xuất hiện một cơ hội đầu cơ ngắn hạn với rủi ro thấp.
Lý do nhà đầu tư bắt đáy chỉ đơn giản là xuất hiện một cơ hội đầu cơ ngắn hạn với rủi ro thấp.

Trước đó, NĐT cầm giữ CP đã không thể chịu đựng được nữa, chấp nhận phải bán tháo bằng mọi giá trong phiên giao dịch ngày 28-1. Nếu không bán thì công ty chứng khoán cũng bán hộ để đòi margin. VN Index đã giảm 73,23 điểm, tương đương 6,67%.

Sau hai phiên giảm mạnh, rất nhiều CP đã gây thua lỗ lớn cho NĐT và nỗi ám ảnh chính là liệu có bao nhiêu NĐT sử dụng margin trong vài tuần qua. Cùng với đó là tin xấu về sự bùng phát dịch Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh khiến TT chịu thêm một cú sốc tâm lý rất lớn.

Mặc dù NĐT lâu nay dường như đã xem nhẹ thông tin xuất hiện ca bệnh, tuy nhiên lần này dịch xuất hiện trong cộng đồng và con số người nhiễm gia tăng từng giờ trong phiên giao dịch. Điều này như giọt nước tràn ly và NĐT chỉ muốn thoát ra. Những phút đầu phiên này, TT giảm rất mạnh, nhưng cũng chỉ trên dưới 5% của VN Index. Thậm chí vài nhịp phục hồi còn giúp chỉ số này giảm khoảng 4% so tham chiếu. Từ sau 11 giờ đến hết phiên chiều 28-1, TT chìm nghỉm trong khối lượng bán tháo cực lớn.

Sàn HoSE có 279 CP giảm hết biên độ, nếu tính cả HNX thì lên tới 410 CP. Cả hai sàn chỉ có 48 CP còn tăng giá. Riêng sàn HoSE có 19 mã tăng nhưng tới 361 mã giảm. Đây là điều chưa từng thấy trên TT kể cả ở thời điểm suy sụp năm 2018. Cho đến cuối phiên, rổ VN 30 có 28 mã trắng bên mua. VN30 Index giảm 6,73% so tham chiếu là mức giảm mạnh chưa từng thấy của chỉ số này. 

Do lượng bán tháo quá lớn nên hệ thống của HoSE đến cuối phiên sáng 28-1 đã nghẽn. Phiên chiều sàn HoSE chỉ giao dịch được hơn 1.600 tỷ đồng. NĐT muốn bán cũng không bán được vì khối lượng đặt bán sàn sẵn có quá nhiều, cộng với việc lệnh mua cũng không vào được. Hệ thống giao dịch đang khiến NĐT mắc kẹt. Tổng giá trị giao dịch hai sàn phiên này đạt 20.232 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh đạt 17.378 tỷ đồng. Đây là ngưỡng giao dịch cao đủ để nghẽn hệ thống, chứng tỏ vẫn có người vào bắt đáy. 

Ngay cả khi không có thông tin đột ngột về dịch bệnh thì TT vẫn đứng trước nguy cơ điều chỉnh mạnh. Nguyên nhân đến từ nội tại khi lượng sử dụng margin quá cao, cộng với mức giảm giá nhanh. NĐT lớn sau khi chốt lời đã thoái lui khiến thanh khoản sụt giảm. Những NĐT còn lại có tỷ trọng lớn là những người mới chơi, nên tâm lý càng thiếu ổn định.

Phiên này giảm quá mạnh là một hệ quả kép, nhưng hai phiên trước TT cũng đã bị bán dữ dội mà không hề có ảnh hưởng của tin Covid-19. Lúc này, sức ép lại tăng với cấp số nhân vì có thêm nhiều NĐT muốn rút khỏi TT dù không sử dụng margin mà lo rằng TT rơi vào xu hướng giảm mạnh sau nhịp tăng như vũ bão trước đó. Nếu trong chiều tăng, lực mua quá mạnh đẩy TT đi lên liên tục vượt ngoài dự đoán thì lúc này tình huống ngược lại đang xảy ra: NĐT tranh nhau bán ra khi người mua lại ít hơn nhiều. TT rất cần nguồn lực đã thoát ra quanh đỉnh quay lại mua vào. Điều đáng tiếc là người cầm tiền hoàn toàn có điều kiện lựa chọn lúc này. TT bị bán tháo nhưng không hoàn toàn mất thanh khoản chứng tỏ vẫn có người mua, chỉ là lực mua không thể hãm được đà giảm. Chỉ đến khi mức giảm đủ hấp dẫn dòng tiền quay lại với cường độ cao thì sức ép mới được giải phóng.

Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, TT đã khá ổn định, không còn cảnh sàn hàng loạt. VN Index sụt giảm sâu nhất chỉ có 2,5% so tham chiếu. Như vậy, lực cầu bắt đáy đã mua được khối lượng giải chấp. Tín hiệu tích cực này ngay lập tức thu hút các NĐT khác còn do dự nhảy vào mua theo. Chỉ trong vài chục phút, VN Index đã tăng vượt tham chiếu và toàn bộ thời gian sau đó tăng liên tục rất mạnh. Kết phiên chỉ số tăng 3,19%, tương đương 32,67 điểm.

Việc TT bị giải chấp, giảm cực mạnh ba phiên liền thì tất nhiên có cơ hội đảo chiều phục hồi. Các NĐT có kinh nghiệm đều không lạ gì diễn biến đó. Do vậy, các giao dịch bắt đáy xuất hiện phiên này là điều có thể dự đoán được. Điều quan trọng là các giao dịch này không đồng nghĩa với việc TT đã tạo đáy hay chưa. Lý do để bắt đáy chỉ đơn giản là xuất hiện một cơ hội đầu cơ ngắn hạn với rủi ro thấp. Nếu như cầu bắt đáy hấp thụ được khối lượng giải chấp thì sẽ lôi kéo các nhà đầu cơ khác vào cuộc giúp giá CP tăng. Khi đó nhà đầu cơ chuyên nghiệp có thể tận dụng lợi thế có sẵn hàng để lướt nhanh T+0 hoặc T+1.

Diễn biến TT đã đúng như vậy. Rất nhiều CP xuất hiện dao động lớn và những ai bắt giá thấp đầu phiên đều có thể lãi lớn ngay lập tức. Lực cầu bắt đáy mạnh giúp CP phục hồi, nhưng mức độ phục hồi khác nhau, thậm chí nhiều mã không tăng. Chiến thuật đầu cơ này phải chọn lọc CP thì mới an toàn. Không phải tất cả các mã đều được bắt đáy như nhau, với nguồn lực đủ lớn để giữ giá.

Do các phiên đảo chiều tăng hầu hết đến từ lòng tham chớp cơ hội lướt sóng siêu ngắn nên không thể biết liệu khối lượng bắt đáy có được giữ lại hay không. Nếu NĐT bắt đáy bao nhiêu, chốt lời ngay T+0 hay T+1 bấy nhiêu thì về cơ bản lượng CP trôi nổi vẫn không thay đổi. Do vậy, sức ép từ chính lượng hàng bắt đáy phiên này sẽ lại xuất hiện trong vài ngày tới.