Cơ hội trước thềm năm mới

Từ đầu năm 2019 đến nay, 50% số cổ phiếu (CP) trong nhóm VN30 giảm giá, dù cả chỉ số VN Index và VN30 Index có điểm số cao hơn đầu năm. Cơ hội trước thềm năm mới dự kiến ở các doanh nghiệp (DN) giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận, trong các ngành như: ngân hàng (NH), bất động sản (BĐS), tiêu dùng…

Sau khi giảm 27% trong năm 2018, mã CTD của Công ty CP Xây dựng Coteccons tăng tốc đà xuống dốc trong năm 2019, giá ngày 17-12 giảm 60% so thời điểm đầu năm. Tương tự, CP của một DN xây dựng khác là Công ty CP Xây dựng FLC Faros (ROS) ghi nhận mức giảm 38%. Ðiểm tích cực là giá CP này càng giảm thì thanh khoản càng tăng, giá trị giao dịch bình quân thường xuyên chiếm từ 20 - 25% tổng giá trị giao dịch trên HoSE.

Ðiểm chung của cả CTD và ROS là DN đang trải qua một năm kinh doanh khó khăn. Kết thúc chín tháng đầu năm 2019 CTD có doanh thu, lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 22% và 60% so cùng kỳ năm 2018 và thực hiện được 60% và 46% kế hoạch cả năm. Còn ROS, lợi nhuận chín tháng đầu năm giảm 17,4%, riêng quý III giảm 43,9% so cùng kỳ năm 2018.

Những khó khăn chung của ngành đã phản ánh rõ nét vào bức tranh kinh doanh của các DN đầu ngành: nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý khiến việc thi công kéo dài, chậm tiến độ, dòng vốn tín dụng vào BĐS bị siết chặt, chủ đầu tư thiếu vốn để thanh toán cho nhà thầu… Bên cạnh kết quả kinh doanh đi xuống, CTD còn chịu áp lực từ động thái bán ròng của khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Với ROS, khối này mua bán đan xen và xu hướng mua ròng chiếm ưu thế, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ so tổng giá trị giao dịch.

Giá CP giảm theo đà giảm của kết quả kinh doanh và chịu áp lực bán ròng của khối NĐT nước ngoài cũng là tình trạng tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). Mã DPM giảm giá 36% so đầu năm. Trong chín tháng đầu năm 2019, doanh thu của DPM giảm 22,6%, lợi nhuận sau thuế giảm 73% so cùng kỳ năm 2018.

Trong các CP giảm giá mạnh, MSN của Công ty CP Tập đoàn Masan gây bất ngờ nhất với NĐT khi đợt giảm giá diễn ra từ đầu tháng 12, đột ngột mất hơn 20% giá trị tính đến ngày 17-12, sau thông tin công ty con của MSN là Masan Consumer Holding và hai công ty con của Tập đoàn Vingroup - CTCP là VinCommerce và VinEco sẽ sáp nhập. Trong thời gian đó, khối NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng MSN, khối lượng lên đến 10 triệu đơn vị, bằng gần một phần ba tổng khối lượng khớp lệnh. Sau khi sáp nhập, dự kiến MSN sẽ sở hữu tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam, với chuỗi giá trị khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Tuy vậy, NĐT lo ngại kết quả kinh doanh của MSN trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng từ thương vụ sáp nhập, bởi hoạt động kinh doanh chính của mảng bán lẻ tại Vingroup thời gian qua vẫn đang lỗ, dù doanh thu mảng này tăng.

Trong nhóm CP tăng giá, 7/15 mã có mức tăng tốt nhất kể từ đầu năm 2019 là những mã đã kín “room” nước ngoài, trong đó 3/5 vị trí dẫn đầu thuộc về FPT, MWG và REE. Ðây cũng là ba CP được HoSE đưa vào danh sách thành phần VN Diamond Index trong lần ra mắt chỉ số giữa tháng 11-2019.

Việc xây dựng các bộ chỉ số mới bao gồm: VNDiamond, VNFin Select và VNFin Lead được đánh giá là phương án tăng cường thu hút vốn từ khối NĐT nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư chỉ số (ETF), trong bối cảnh nhiều CP đầu ngành, có sức hấp dẫn đã kín room, nhưng giải pháp để khối NĐT nước ngoài có thể mua thêm như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết chưa được thực hiện. Ngoài triển vọng thu hút dòng vốn nước ngoài, kết quả kinh doanh của các DN trên tiếp tục tăng trưởng cao, giúp CP tăng giá.

Năm 2019 là năm thuận lợi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, gắn liền với đời sống người dân như bán lẻ, tiêu dùng và hàng không. Trong đó, MWG đang ghi nhận hiệu quả từ chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, ngoài bán lẻ thiết bị di động, điện máy là bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng… doanh thu tăng trưởng, biên lợi nhuận từng bước cải thiện. Trong 10 tháng đầu năm 2019, doanh thu của MWG tăng 17%, lợi nhuận sau thuế tăng 35,1% so cùng kỳ năm 2018.

Sau khi bứt phá năm 2018, năm nay, khối CPNH giữ được sức tăng trưởng tốt nhờ diễn biến tích cực của nền kinh tế. Đơn cử, chín tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VCB tăng 51% so cùng kỳ năm ngoái. VPB, TCB, MBB, CTG, HDB… cũng có kết quả kinh doanh khả quan.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có nhiều biến động trong năm 2019, với các yếu tố tác động như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, chính sách hạ lãi suất của các NHT.Ư, động thái rút ròng của dòng vốn nước ngoài… Theo đó, việc lựa chọn CP tiềm năng gặp khó khăn, ngay cả trong nhóm DN vốn hóa lớn, đầu ngành như VN30. Trước thềm năm 2020, các đánh giá bước đầu của khối công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nghiêng về kịch bản lạc quan, nhưng sự phân hóa được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, mới đây, HÐQT DPM đã thông qua kế hoạch năm 2019, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 433 tỷ đồng, gấp 2,5 lần. HÐQT MWG cũng vừa thông qua kế hoạch năm 2020 để trình Ðại hội đồng cổ đông sắp tới với mục tiêu doanh thu 122.554 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 34,4% so năm 2019…

Theo báo cáo triển vọng và cơ hội trên TTCK của CTS, dòng tiền sẽ tập trung vào một số ngành giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận và vốn hóa các ngành còn lại sẽ có thu hẹp. Qua đó, CTS khuyến nghị theo dõi các ngành triển vọng bao gồm: CPNH như TCB, VPB, VCB, HDB, CP BĐS như VHM, hoặc các ngành kinh doanh hưởng lợi nhờ tăng trưởng tiêu dùng dân cư như: PNJ, MWG, VJC, FPT, VEA…