Cho vay tiêu dùng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng

Trái ngược trạng thái ảm đạm của tăng trưởng tín dụng (TTTD) năm 2020, thị trường tiêu dùng dịp cận Tết Nguyên đán đang dần nóng lên khi các tổ chức tín dụng khởi động nhiều gói ưu đãi cho vay tiêu dùng (CVTD) nhằm kích cầu TTTD. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, phải kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn, nhất là với những khách hàng mới vì dịch bệnh tác động tới khả năng trả nợ của người tiêu dùng (NTD).

Hoạt động cho vay tiêu dùng tiếp tục được quản lý chặt chẽ trong năm 2021.
Hoạt động cho vay tiêu dùng tiếp tục được quản lý chặt chẽ trong năm 2021.

Nhiều chuyên gia tài chính đã đưa ra nhận định, tín dụng tiêu dùng (TDTD) có cơ hội tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán khi nền kinh tế ổn định hơn nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và NTD bắt đầu sắm sửa dịp cuối năm. Thực tế, nguồn cung dịch vụ CVTD cũng đã đa dạng hơn với sự góp mặt của nhiều công ty tài chính (CTTC) mới như: Mcredit, Easy Credit, Lotte Finance… Tuy nhiên, khả năng trả nợ của khách hàng cũng bị tác động do ảnh hưởng của Covid-19. Trước tình huống này, các ngân hàng (NH), CTTC duy trì quan điểm thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp tín dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cầu TDTD khó tăng mạnh.

Phó Tổng Giám đốc FE Credit Nguyễn Thành Phúc cho hay, tại FE Credit, hoạt động CVTD tiếp tục được quản lý chặt chẽ, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt nhằm bảo đảm khả năng tăng trưởng trở lại trong năm 2021. Lý do bởi từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cách thức mua sắm của người dân đã thay đổi khi các mặt hàng thiết yếu được mua qua kênh thương mại điện tử không ngừng gia tăng. Cầu vốn của NTD có thể tăng nhưng khả năng trả nợ lại giảm sút vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc thận trọng hơn trong lựa chọn khách hàng và cho vay là cần thiết.

Chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, bản thân các NH sẽ rất thận trọng khi CVTD và chủ yếu tập trung vào phân khúc cho vay mua nhà, mua xe vì đây là sản phẩm cho vay có biên lợi nhuận cao, lại an toàn vì có tài sản bảo đảm chính là tài sản vay.

Thực tế cho thấy, việc hoạt động kinh doanh chính giảm sút đã phần nào tác động tới kết quả kinh doanh của nhiều CTTC. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân của các CTTC cũng giảm điểm phần trăm so trước. Mặt khác, các CTTC đều đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro so cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của các CTTC giảm đi.

Theo giới phân tích, nợ xấu trong phân khúc TDTD cá nhân tăng là điều khó tránh trong bối cảnh hiện nay, khi các CTTC tiêu dùng cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Trong một báo cáo công bố mới đây, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Moody’s lo ngại về cú sốc kinh tế do Covid-19 có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các CTTC tiêu dùng tại Việt Nam.

Ở góc nhìn tích cực, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, dưới những tác động của dịch Covid-19, mức TTTD trong lĩnh vực bán lẻ thời gian qua có phần chững lại so cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý của người dân cũng dè dặt, thận trọng hơn đối với các khoản vay tiêu dùng, đầu tư mua nhà, mua ô-tô… Vì vậy, các NH đã tung ra các gói cho vay ưu đãi, giảm lãi suất cho vay (LSCV) vào dịp này để kích cầu các khoản vay tiêu dùng.

Theo Moody’s, FE Credit, Home Credit và SHB Finance đều có nhiều sản phẩm CVTD tín chấp nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp, là nhóm dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định…

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối bán lẻ, Shinhan Việt Nam cho biết, cuối năm là thời điểm thích hợp để vay tiêu dùng bởi thường có nhiều chương trình cho vay hấp dẫn, hơn nữa LSCV cũng đang ở mức thấp so nhiều năm trở lại đây. Song từ nay đến hết năm lãi suất CVTD khó có thể giảm sâu hơn, nếu có cũng chỉ ở số ít NH và mức giảm không nhiều.

Ông Nguyễn Thành Phúc cho hay, lãi suất của FE Credit và các CTTC khác đã giảm trong vài năm qua, nhưng vẫn tương đối cao hơn so các NH. Lý do bởi mức độ rủi ro trong CVTD của các CTTC cao hơn so các NH. Hơn nữa, các CTTC không được phép huy động vốn trực tiếp từ người dân như NH, mà phải đi vay trên thị trường nên có chi phí vốn cao hơn so NH.

Vào tháng 6-2020, trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các CTTC tiêu dùng đẩy mạnh các gói TDTD với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, đẩy mạnh CVTD, từ đó kích cầu tiêu dùng là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay. Trong bối cảnh tín dụng sản xuất khó tăng trưởng, nhiều NH đã dựa vào TDTD để tăng trưởng.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, TDTD sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, “tín dụng đen” có dấu hiệu tăng, phát triển TDTD sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này.