Chỉ số tăng chậm, giao dịch thận trọng

Thị trường (TT) gây bất ngờ trong tuần giao dịch vừa qua với mức tăng liên tục của chỉ số. Nhịp tăng tuy rất chậm nhưng lại có vẻ chắc chắn nhờ sức nâng đỡ của một số cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn. Đây là tuần tăng tốt nhất kể từ cuối tháng 9-2019 và đã làm sống lại “giấc mơ” vượt 1.000 điểm của VN Index. Kết thúc phiên giao dịch chốt tuần qua, ngày 25-10, chỉ số tăng gần 3 điểm, chạm ngưỡng 996,57 điểm.

Nhà đầu tư giao dịch thăm dò trong bối cảnh thị trường tăng chậm. Ảnh: NG.HẢI
Nhà đầu tư giao dịch thăm dò trong bối cảnh thị trường tăng chậm. Ảnh: NG.HẢI

Trước đó, TT đã bất ngờ giao dịch sôi động và mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 24-10 dù không có nhóm CP nào quá nổi bật. Mỗi nhóm có một đại diện tăng giá tích cực cũng đã góp phần đưa VN Index vượt lên trên mốc 990 điểm. Nhóm CP ngân hàng (NH) đã quay trở lại dù sức mạnh phân hóa rất khác biệt. Gần như tất cả các CPNH đều tăng, nhưng nổi bật thì duy nhất có VCB, với mức tăng 1,88% đã giúp CP này đạt đỉnh cao mới trong lịch sử. Dấu ấn của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài khá rõ. VCB thanh khoản cao với 660.180 CP thì khối NĐT nước ngoài đã mua 395.000 CP, tương đương 60%. Một CPNH khác cũng khá nổi là HDB, tăng 3,36% nhưng mã này vốn hóa thuộc loại nhỏ nhất trong nhóm CPNH, vì vậy mức độ tác động lên TT không đáng kể.

Tương tự với nhóm CP dầu khí cũng chỉ có đại diện GAS là tăng 1,19%. Trong khi đó PLX chỉ tăng 0,52%. Các mã dầu khí nhỏ hơn lại tăng giống HDB trong nhóm CPNH: PVD tăng 1,89%, PVS tăng 2,23%.

Ở nhóm CP họ Vingroup, CP nhỏ nhất là VRE tăng 1,4% nhưng VIC chỉ tăng 0,09%, VHM tăng 0,23%. Các mã blue chip hàng đầu khác tăng không rõ rệt: VNM tăng 0,23%, SAB tăng 0,4%. Có thể thấy các blue chip về cơ bản đều tăng giá, nhưng mức tăng mạnh lại không đồng đều ở các mã trụ. Đó là nguyên nhân khiến VN Index chỉ tăng 5,8 điểm phiên này. Chỉ số đóng cửa đạt 993,6 điểm, quay trở lại lên trên mốc 990 điểm sau sáu phiên.

Giao dịch phiên này sôi động tại các nhóm không có khả năng lôi kéo chỉ số và tập trung vào nhóm vốn hóa trung bình. Ngay với các blue chip trong nhóm VN30, các mã trung bình cũng mạnh hơn hẳn: MWG tăng 3,49%, FPT tăng 3,19%, PNJ tăng 1,09%, REE tăng 1,1%, SSI tăng 2,4%.

Riêng đối với FLC, phiên này là một phiên cầm cự. CP này sau khi điều chỉnh mạnh hai phiên đã bị lượng CP lỗ ngắn hạn tháo chạy khá nhiều. Ban đầu FLC tăng 4,66% nhưng sau đó lại giảm hơn 2% trước khi phục hồi. Chốt phiên FLC tăng nhẹ 0,47% với giao dịch 9,36 triệu CP.

Sự hào hứng trong giao dịch phản ánh chủ yếu ở biến động giá mạnh hơn với nhóm CP trung bình cùng các mã đầu cơ hơn là làm thay đổi đột biến về TT chung. VN Index vượt 990 điểm phiên này nhưng tiếp tục tiến triển theo kiểu dao động dần tới ngưỡng 1.000 điểm, thậm chí là thấp hơn gần 997 điểm. Tình trạng luẩn quẩn này đã kéo dài hơn một tháng nay và khó có thể thay đổi được chỉ bằng diễn biến tăng giá ở một vài CP lớn.

Tuần qua, TT gây bất ngờ bằng mức tăng liên tục của chỉ số, tuy rất chậm nhưng lại có vẻ chắc chắn nhờ sự nâng đỡ của một số CP vốn hóa lớn. Cả tuần qua, VN Index chỉ tăng 7,37 điểm và trừ phiên giảm ngày thứ hai, bình quân mỗi ngày chỉ số có được 3,25 điểm. Với bước tăng giống như “lò dò” tiến lên, VN Index đang khiến NĐT “mơ” lại giấc mơ vượt 1.000 điểm. Lần này cơ hội có vẻ tốt hơn đối với TT khi nhằm đúng thời điểm công bố kết quả kinh doanh dồn dập. Đà tăng giá của một số CP vốn hóa lớn cũng đang củng cố hy vọng.

VCB là CP dẫn dắt được kỳ vọng nhất. Đây cũng là CP blue chip mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng 3,5% cho năm phiên và phiên này tăng 1,27%. CP này là blue chip hiếm hoi đạt được đỉnh cao lịch sử mới trong bối cảnh VN Index vẫn thất bại trước ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, VCB tăng mạnh trong phiên cũng chỉ đủ dẫn dắt một số mã CPNH khác tăng theo. Một CP khác cũng được trông đợi là VNM, blue chip một thời “thất sủng” đang cố lấy lại ánh hào quang. Phiên này, VNM tăng 1,43%, về ảnh hưởng cũng mạnh gần bằng VCB.

Ngoài hai CP này, không có CP nào khác đủ sức dẫn dắt VN Index, do không có xu hướng tăng rõ rệt hoặc vốn hóa không đủ. Một số mã cũng rất mạnh như MWG hay FPT thì không có khả năng chi phối. VIC, VHM thì đang trong xu hướng giảm. SAB cũng nay tăng mai giảm rất khó đoán và tổng thể đang trong xu hướng giảm kể từ giữa tháng 7.

Phiên tăng thứ tư trong tuần qua dù đưa VN Index lên sát 1.000 điểm nhưng giao dịch không thật sự sôi động. Đúng hơn là TT tăng rất thận trọng. Biểu hiện là không có nhóm CP blue chip nào bứt phá rõ rệt, ngoài hai mã VNM và VCB, cho thấy hiện tượng tăng giá đơn lẻ. Giao dịch trên TT kém sôi động ở tất cả các nhóm CP, từ blue chip đến hàng đầu cơ. Thực tế, TT không thể hào hứng được khi thanh khoản chung khá yếu. Tổng giao dịch phiên này chỉ hơn 4.000 tỷ đồng và đó cũng là mức trung bình của tuần qua, thấp nhất trong vòng bảy tuần.

Càng lên gần 1.000 điểm, TT có vẻ càng thận trọng. Ngay cả các CP có kết quả kinh doanh tốt, thanh khoản cũng không sôi động thêm. Thật ra chỉ còn vài doanh nghiệp lớn là chưa công bố kết quả kinh doanh, còn lại hầu hết gây thất vọng hoặc không có hiệu ứng gì. Vì thế, ngay cả khi VN Index tăng liền bốn ngày, NĐT cũng vẫn giao dịch từ tốn thăm dò.