Blue chip đuối sức

Phiên cuối tuần qua, ngày 5-6, đã xuất hiện diễn biến trái ngược giữa nhóm cổ phiếu (CP) nhỏ và nhóm blue chip. Các mã CP lớn quá yếu nên không thể đưa VN Index đi xa, nhưng nhà đầu cơ (NĐC) lại tỏ ra hưng phấn mạnh mẽ đối với các mã nhỏ. Nguyên nhân của hiện tượng này là nhóm blue chip đã đuối đi khá rõ.

Mức độ tăng của các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã vượt xa nhóm blue chip trong tuần qua. Ảnh: NAM ANH
Mức độ tăng của các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã vượt xa nhóm blue chip trong tuần qua. Ảnh: NAM ANH

Trong phiên giao dịch ngày 4-6, các mã CP ngân hàng (NH) lớn căng sức đẩy VN Index vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh nhưng chưa thể thành công vì thiếu sự đồng thuận từ các mã khác. TT rập rình không rõ ràng và chỉ có nhóm CP nhỏ là hưởng lợi. VCB vẫn thể hiện được sức mạnh trong phiên này khi tăng tiếp 1,25%, xác lập phiên tăng thứ 10 liên tục. CP này cũng đã quay lại mức giá đầu năm 2020, tức là không còn phản ánh tác động của dịch Covid-19 nữa. Cùng với VCB là hai CP lớn nhóm CPNH: BID tăng 1,95% và CTG tăng 2,71%. Đây là ba CPNH lớn nhất, đồng thời là ba mã đã tăng ở nhóm này trên sàn HoSE.

Các mã CP vốn hóa lớn phân hóa quá rõ là lý do khiến VN Index không hình thành được một phiên giao dịch bùng nổ rõ ràng. TT đã chờ đợi một phiên giao dịch đem lại đột biến. VN Index đang đứng ngay tại ngưỡng kháng cự và cần vượt qua mốc 884 điểm để có thể thuyết phục nhà đầu tư (NĐT). Đà tăng không kém, có lúc VN Index lên tận 888,32 điểm, tức là bùng nổ thành công, nhưng chỉ trong 30 phút cuối lại để mất gần hết. Chỉ số chốt phiên rơi trở lại 883,9 điểm, từ chỗ tăng 0,81% còn tăng 0,31%.

Mặc dù blue chip tương đối kém khi VN30 Index giảm 0,06%, nhưng giao dịch trên TT lại khá tích cực. Nhóm CP vừa và nhỏ hưởng lợi nhiều nhất từ trạng thái không rõ ràng của các chỉ số chính. Chỉ số của nhóm Midcap vẫn tăng 0,74% còn Smallcap tăng 1,26%. Với đà tăng tốt của các CP trụ mà tiêu biểu là VCB, TT được trông đợi sẽ bùng nổ qua mức kháng cự 884 điểm một cách thuận lợi. Tuy nhiên, điều bất ngờ là chỉ riêng VCB lại không đủ sức kéo toàn bộ chỉ số ở mức độ cần thiết, nếu không có sự hợp tác từ các CP lớn khác. SAB sụt giảm 0,56% đúng lúc đóng cửa cộng với VIC và VHM suy yếu đã khiến VN Index mất đi cơ hội quý giá trong phiên này. Thực tế, ngưỡng 883,9 điểm đóng cửa phiên này cũng chưa phải là hết hy vọng. Chỉ số vẫn tăng điểm và trong thời gian thử thách ngưỡng kháng cự. Cơ hội đột phá có thể xuất hiện nếu phiên kế tiếp những mã điều chỉnh giảm quay đầu tăng.

Dòng tiền đổ vào TT vẫn ở mức rất cao. Tổng giá trị giao dịch hai sàn phiên này vẫn đạt hơn 7.500 tỷ đồng, trong đó hơn 1.500 tỷ đồng là thỏa thuận. Như vậy mức giao dịch khớp lệnh lên tới hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 22% so phiên kề trước.

Rõ ràng với quy mô thanh khoản duy trì ở ngưỡng rất cao, khớp lệnh bình quân mỗi ngày xấp xỉ 6.000 tỷ đồng từ đầu tuần qua, thể hiện sự tranh chấp quyết liệt giữa người mua và người bán. Mức giao dịch này đang tiếp tục thiết lập kỷ lục mới kể từ đầu năm. TT rập rình ở ngưỡng nhạy cảm là điều bình thường vì NĐT có thể nghĩ rằng sẽ khó đột phá và bán ra, nhưng người mua vào cũng sẵn sàng đặt cửa ngược lại.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ riêng mức độ tăng quá khác biệt nói trên cũng đã cho thấy trạng thái giao dịch hoàn toàn khác giữa các nhóm CP. Các mã đầu cơ đang thu hút dòng tiền và chứng kiến sự hưng phấn, bất chấp nhiều mã đã tăng rất cao. Riêng sàn HoSE lúc đóng cửa có 34 CP tăng hết biên độ, tất cả đều là các mã đầu cơ. Nhóm VN30 có ROS tăng kịch trần, nhưng CP này thực chất cũng là mã đầu cơ chứ không phải blue chip. Ngoài ROS, những CP đầu cơ giao dịch hàng chục triệu CP ở giá trần phiên này là HBC, HQC, ITA, AMD, HSG...

Trong số này có những CP đã tăng giá chóng mặt mà vẫn thu hút được rất đông NĐC đeo bám. Điển hình như HQC đã trần năm phiên và trong sáu phiên gần nhất tăng tổng cộng 42%. Giá đã lên cao nhất kể từ đầu năm 2019 mà không có yếu tố hỗ trợ cụ thể nào. ITA thì trong trào lưu đầu cơ CP khu công nghiệp nói chung, đến nay đã tăng 154% chỉ trong vòng hơn hai tháng. HSG cũng đã tăng 145% mà chưa dừng lại dù HPG đã tạo đỉnh từ tám phiên trước.

Việc các mã đầu cơ tăng gấp đôi và xuất hiện thanh khoản cực lớn cho thấy có tín hiệu xả. Dù vậy, có quá nhiều NĐC khác mua vào nên giá vẫn tăng kịch trần. Cũng có thể NĐC đang nắm giữ CP nhận thấy sức mua quá nóng và bắt đầu bán ra dần. Mức độ tăng của các nhóm CP vừa và nhỏ đã vượt xa nhóm blue chip trong tuần qua.

Đà tăng của cả VN Index lẫn VN30 Index càng về cuối tuần qua càng yếu dần. Cụ thể, cả tuần qua VN Index tăng 21,75 điểm, nhưng hai ngày cuối tuần chỉ tăng hơn 5 điểm. Nguyên nhân của hiện tượng này là nhóm blue chip đã đuối đi khá rõ. Dù chưa quay đầu giảm nhưng các CP lớn lại không tăng mạnh được mà trồi sụt đi ngang, do đó các chỉ số cũng lình xình theo. Như đã nêu trên, thanh khoản của nhóm blue chip đã chững lại trong khi các nhóm khác tăng. Đây chưa phải là biểu hiện bỏ rơi của dòng tiền, mà có lẽ mới chỉ là sự cân bằng giữa mua và bán. NĐT vẫn mua blue chip nhiều, nhưng bán ra cũng rất lớn nên giá chỉ đi ngang loanh quanh mà không bùng nổ được như các mã đầu cơ.

Với xu hướng đầu cơ ồ ạt ở các CP nhỏ, TT có thể đang đi vào giai đoạn khó khăn. Thông thường nhóm đầu cơ sẽ tăng ở cuối sóng và dòng tiền suy giảm ở nhóm blue chip. Các blue chip lúc này chỉ còn vai trò giữ cho chỉ số đứng im hoặc không giảm.