Blue chip bứt phá, thị trường đảo chiều

Việc VN Index điều chỉnh bốn phiên gần đây kể từ khi không vượt được đỉnh 1.000 điểm lần thứ 4 là chưa nhiều, mới giảm 1,65%. Tuy nhiên, cổ phiếu (CP) giảm khá mạnh ở nhiều mã. Dễ thấy đây là các CP trước đó tăng mạnh hơn VN Index và lúc này rơi vào nhịp điều chỉnh. Ở phiên giao dịch ngày 8-10, sự tích cực của các blue chip không chỉ giúp VN Index đảo chiều thành công, mà còn đưa chỉ số này tăng lên mức cao hơn.

Mức thanh khoản vẫn chưa cao bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Mức thanh khoản vẫn chưa cao bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Trước đó, một vài tin tốt cuối tuần qua đã không được TT coi trọng. Việc nhà đầu tư (NĐT) bán ra mạnh hơn đã đẩy VN Index liên tục giảm ngay trong phiên đầu tuần, ngày 7-10. Mặc dù VN Index đóng cửa phiên đầu tuần chỉ giảm 4,5 điểm, tương đương 0,46% so tham chiếu, nhưng CP giảm giá la liệt. Điều bất ngờ là cuối tuần qua, xuất hiện một vài doanh nghiệp công bố ước tính lợi nhuận rất tốt, nhưng CP vẫn bị bán tháo và giá giảm. VCB và VCS là hai CP dạng này.

Cuối tuần qua, VCB cho biết, đã hoàn thành 86% kế hoạch năm 2019 và lợi nhuận chín tháng đạt hơn 17.500 tỷ đồng, tăng gần 52% so cùng kỳ năm 2018. Khắp các cộng đồng mạng chứng khoán, NĐT hào hứng và mong đợi TT mở cửa để xem VCB sẽ kéo TT lên như thế nào. Quả thật, CP này cũng có lúc tăng 1,81% và lên đỉnh cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, VCB lại bị chốt lời rất nhiều và giá trượt dốc. Đến cuối phiên, CP này đã giảm 0,24% so tham chiếu.

Tương tự, sàn HNX cũng đón nhận tin VCS ước tính lợi nhuận quý III- 2019 tăng 30% so cùng kỳ năm 2018. Khác với VCB, VCS còn không tăng được một phút nào trong phiên mà toàn giảm. Càng về cuối phiên VCS giảm càng sâu, đóng cửa thậm chí dư bán sàn. Giá giảm sàn và ế hàng trăm nghìn CP chứng tỏ VCS đã bị bán tháo đúng lúc TT đón nhận thông tin.

Việc các CP tốt bị bán nhiều khi có thông tin hỗ trợ không phải là mới. TT hẳn đã dự đoán trước được điều này và có hoạt động mua gom sớm. Đến khi thông tin được công khai thì những người mua sớm bán ra chốt lời, chỉ những NĐT chậm chạp mới nhảy vào mua với kỳ vọng tin ra thì giá sẽ tăng. Giao dịch ngược chiều của các CP này không hẳn là bị cuốn theo TT. Cả VCB lẫn VCS bị xả ngay từ khi VN Index còn chưa đỏ. Theo thời gian TT càng lúc càng yếu đi. VCB giảm đã khiến gần như cả nhóm CP ngân hàng (NH) lao dốc theo vì tin tốt như vậy còn vô ích thì các con số làng nhàng hơn càng không có nghĩa lý gì: BID giảm 0,25%, CTG giảm 0,24%, HDB giảm 0,36%, MBB giảm 1,1%, TCB giảm 1,91%, VPB giảm 2,47%.

Việc các CP có thông tin kết quả kinh doanh tốt lại giảm giá, đơn giản vì giá đã tăng trước. Chỉ số VN30 Index đóng cửa phiên này để mất 0,84% và số mã giảm giá nhiều gấp 3,5 lần số mã tăng. Nhóm blue chip giảm đều và giảm ở rất nhiều mã, trong đó có nhiều CP lớn ngoài nhóm CPNH như: VIC giảm 0,85%, VHM giảm 0,22%, VRE giảm 1,25%, MSN giảm 1,16%, BVH giảm 2,88%, MWG giảm 1,63%, FPT giảm 2,29%, NVL giảm 1,73%, PNJ giảm 1,62%, SSI giảm 2,31%...

Mức giảm hơn bốn điểm phiên này là không nhiều, nhưng đưa VN Index đóng cửa rơi xuống 983 điểm. Đây là ngưỡng hỗ trợ mang tính kỹ thuật. Việc VN Index điều chỉnh bốn phiên gần đây kể từ khi không vượt được đỉnh 1.000 điểm lần thứ 4 là chưa nhiều, mới giảm 1,65%. Tuy nhiên, CP giảm khá mạnh ở nhiều mã. Dễ thấy đây là các CP trước đó tăng mạnh hơn VN Index và lúc này rơi vào nhịp điều chỉnh. Giá các CP tăng giảm gần đây không đồng nhịp rõ rệt với chỉ số, nên việc quan sát VN Index để mua bán rất dễ dẫn khả năng thua lỗ.

Các CP lớn tăng sớm bị chốt lời và giảm kéo theo chỉ số giảm. Do đó, ngay cả các mốc hỗ trợ kỹ thuật cũng chưa có gì chắc chắn. Phiên này nhóm CP lớn như VIC, VHM mới giảm nhẹ, VNM vẫn tăng 0,39%, GAS tăng 0,2%, SAB tăng 0,78%. Đến khi các CP này điều chỉnh đồng pha thì VN Index có nguy cơ điều chỉnh mạnh hơn.

Bước vào phiên giao dịch sáng 8-10, TT vẫn giao dịch khá nhàm chán. VN Index tăng nhanh lấy lại mốc 985 điểm ngay khi mở cửa, nhưng cũng bị đẩy nhẹ xuống dưới tham chiếu, trước khi một lần nữa bật trở lại mốc trên sau hơn một giờ đồng hồ giao dịch. TT tiếp tục phân hóa và thiếu vắng sự dẫn dắt, mặc dù nhóm CPNH đồng loạt tăng, nhưng mức tăng khá khiêm tốn, ngoại trừ STB vọt tăng gần 2%. Các blue chip, trong đó đáng chú ý là các CP tại rổ VN30 giao dịch tích cực với hơn 20 mã tăng, nhưng mức tăng cũng tương tự nhóm CPNH, đều ở mức thấp (dưới 1%). Điểm sáng hiếm hoi là MSN và HPG, tăng hơn 1%. Trong khi đó, dòng tiền vẫn hoạt động mạnh ở nhóm CP thị trường, với điểm nhấn FTM tiếp tục tăng kịch trần từ sớm lên 4.750 đồng, khớp lệnh chỉ hơn 175.000 đơn vị và dư mua trần gần 1,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, TT đã bất ngờ đảo hướng ở phiên chiều khi nhiều mã blue chip giao dịch bứt phá.

Sự tích cực của các blue chip không chỉ giúp VN Index đảo chiều thành công, mà còn giúp chỉ số này tăng lên mức cao hơn. Dẫu vậy, mức thanh khoản vẫn chưa cao bởi tâm lý thận trọng trên TT. Đóng cửa, với 158 mã tăng và 144 mã giảm, VN Index tăng 5,13 điểm (+0,52%) lên 988,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 178,37 triệu đơn vị, giá trị 3.561 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 12% về giá trị so phiên ngày 7-10.