Áp lực từ khối nước ngoài

Với đà phục hồi của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, trong phiên giao dịch ngày 24-3, đáng lẽ TTCK Việt Nam phải xuất hiện một phiên tăng điểm. Tuy nhiên, mọi chuyện đã diễn ra ngược lại khi các nhóm cổ phiếu (CP) dẫn dắt đều giảm. Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bán ra quá lớn là một trong những lý do khiến TTCK nảy sinh tâm lý lo lắng. Khi NĐT nước ngoài đã phải bán ra ở mức giá thấp như vậy thì sẽ là vấn đề lớn.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ra quá lớn là một trong những lý do khiến TTCK nảy sinh tâm lý lo lắng. Ảnh: NAM ANH
Nhà đầu tư nước ngoài bán ra quá lớn là một trong những lý do khiến TTCK nảy sinh tâm lý lo lắng. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 23-3, đà giảm chưa có dấu hiệu dừng mặc dù cùng giờ với TTCK Việt Nam có CK Nhật Bản tăng hơn 2%. Gói cứu trợ nghìn tỷ USD của Mỹ mắc kẹt tại Thượng viện nước này khiến TT tương lai lao dốc nặng, ảnh hưởng không nhỏ tới TTCK Việt Nam.

Gần đây, TT thường xuyên sụt giảm 20 - 40 điểm mỗi ngày. Tình cảnh bán tháo trắng bên mua lặp lại đã tới lần thứ 3. NĐT lúc này có nhu cầu tự vệ vượt quá mọi phân tích. Mở cửa phiên đầu tuần, VN Index đã bốc hơi gần 15 điểm, khoảng 2,1%. TT nằm lịm suốt thời gian còn lại và đóng chỉ số cửa giảm 43,14 điểm tương đương 6,08%. VN Index rơi xuống mức 666,59 điểm.

TT không có bất kỳ diễn biến phục hồi nào, mà chỉ là cuộc đua xem bao giờ CP giảm đến mức sàn và số lượng mã là bao nhiêu. VN30 có 27 mã sàn với 25 mã trắng bên mua, hai CP bất ngờ tăng là EIB tăng 0,31% và NVL tăng 1,96%. MSN đứng tham chiếu.

Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, VN Index có ba phiên giảm hơn 40 điểm và phiên này là phiên thứ ba. Xen kẽ giữa các phiên này là nhiều ngày lao dốc 15 - 20 điểm. Mức giảm mạnh đẩy VN Index thủng 700 điểm và quay về ngưỡng đầu năm 2017. Với quá nhiều phiên giảm mạnh, tinh thần của NĐT đang bị bào mòn nghiêm trọng. Thực tế, trong nước TT không đón nhận thông tin nào xấu hơn, nhưng bối cảnh quốc tế thì quá kém.

TTCK Việt Nam và cả châu Á ngày đầu tuần thường tham chiếu sớm TTCK Mỹ. Có lẽ vì vậy NĐT trong nước đã không còn ham muốn ôm CP để hy vọng nữa. Phiên này cũng lại là phiên mà khối lượng bắt đáy tuần trước về tài khoản, mức lỗ nhẹ nhàng tính theo VN Index là 10,8%. Không biết đây là vòng cắt lỗ thứ bao nhiêu trong vòng hai tháng nay và lần nào mức lỗ cũng rất lớn. Thêm nữa, sau khi hai quỹ ETF kết thúc giao dịch tuần trước, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục rút ra với quy mô lớn. Sàn HSX phiên này bị xả 873,9 tỷ đồng, mua vào 490,2 tỷ đồng. Khối nước ngoài bán ròng rã làm tiêu tán rất nhiều nguồn lực của TT.

TT hiện trong áp lực bán tháo toàn diện, bất kể là doanh nghiệp bị ảnh hưởng hay không trước dịch Covid-19. Nhu cầu bán sau khi TT đã rơi 33% trong chưa đầy hai tháng là dấu hiệu của sức ép tâm lý không chịu đựng nổi và phải cắt lỗ. Mức giảm này đã vượt quá nhu cầu giải chấp từ lâu. Với tốc độ giảm nhanh và mạnh như hiện tại, không thể nào biết được đáy sẽ ở đâu. Vì thế ưu tiên nắm giữ tiền mặt sẽ có lợi thế trong tương lai, khi TT thật sự tạo đáy chứ không phải những đáy giả suốt thời gian qua.

Sang phiên giao dịch ngày 24-3, trong khi TT toàn cầu tăng 2 - 8%, VN Index giảm 1,11%. Nếu không có CP trụ đủ mạnh, TTCK không thể lấy lại đà tăng. Phiên giao dịch này khá thuận lợi khi TTCK thế giới tăng rất mạnh. Cụ thể, TT tương lai CK Mỹ bật tăng hơn 4%, đồng loạt các TTCK châu Á cùng xanh mướt. Nikkei 225 của Nhật Bản tăng vọt 7,04%, Thượng Hải tăng 2,34%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 4,45%, Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 4,42%, Kospi của Hàn Quốc tăng 8,6%...

Song TTCK trong nước toàn bộ thời gian là giảm và duy nhất 1 phút VN Index quay lại tham chiếu. Đóng cửa, chỉ số này để mất 7,38 điểm, tương đương 1,11%. Diễn biến quá yếu phiên này là do TT mất hoàn toàn lực đỡ từ hai nhóm CP lớn nhất TT là nhóm CP ngân hàng và CP họ Vingroup. Đặc biệt cả ba mã là VIC, VHM và VRE đều đóng cửa giá sàn.

Trong nhóm blue chip, VN30 có ảnh hưởng tới VN Index, 10 CP tăng nhưng tới 18 CP giảm. Nếu không có VNM tăng 2,87%, GAS tăng 4,27%, chỉ số còn giảm nhiều hơn nữa. Dù vậy mức giảm 1,11% phiên này cũng đưa TTCK Việt Nam trở thành giảm mạnh nhất châu Á.

Với đà phục hồi của TTCK thế giới, trong phiên giao dịch ngày 24-3, đáng lẽ TTCK Việt Nam phải xuất hiện một phiên tăng điểm. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra ngược lại. Nguyên nhân quan trọng nhất chính là các nhóm CP dẫn dắt lại giảm. NĐT nước ngoài bán ra quá lớn là một trong những lý do khiến TTCK nảy sinh tâm lý lo sợ, áp lực bán tăng vọt là điều bình thường. Tuy nhiên, khi NĐT nước ngoài đã phải bán ra ở mức giá thấp như vậy thì sẽ là vấn đề lớn. Tổng giá trị bán ra của khối này trên sàn HoSE phiên này lên tới 1.046,8 tỷ đồng trong khi chỉ mua vào 387,7 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là quy mô bán ra tiếp tục rất cao sau khi các quỹ ETF đã tái cơ cấu xong, nghĩa là nhu cầu thoái vốn vẫn tiếp diễn.

TT đang bị rút vốn liên tục với quy mô lớn đã tạo nên rủi ro. Mặc dù NĐT trong nước có thể hào hứng với các diễn biến tăng trên thế giới, nhưng nguồn lực mua cũng có hạn. Tổng giá trị giao dịch của sàn HoSE phiên này, bao gồm cả thỏa thuận, đạt khoảng 4.148 tỷ đồng thì giá trị bán ra của NĐT nước ngoài chiếm 25,2%. Thậm chí, với nhóm VN30, giá trị bán của khối này còn chiếm hơn 33% giá trị giao dịch.