Áp lực từ bên ngoài

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ. Hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh đều bị ảnh hưởng và đã lan rộng sang cả thị trường chứng khoán (TTCK). Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 28-2, ảnh hưởng từ đà bán tháo trên TTCK thế giới đã làm TTCK Việt Nam tiếp tục giảm sâu...

Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn từ biến động của các thị trường chứng khoán quốc tế. Ảnh: NAM HẢI
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn từ biến động của các thị trường chứng khoán quốc tế. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, TT bước vào phiên giao dịch ngày 27-2 với nhiều sức ép. TTCK toàn cầu sụt giảm mạnh trước lo ngại dịch Covid-19 lan ra các quốc gia ngoài Trung Quốc. Trong nước, VN Index lại đứng ngay sát ngưỡng hỗ trợ quan trọng mà có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào. Diễn biến này chủ yếu ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư (NĐT) vì phiên này VN Index có nguy cơ kiểm định ngưỡng thấp nhất 891,85 điểm hồi đầu tháng. Trong khoảng 30 phút đầu, TT sụt giảm khá mạnh. VN Index để mất 0,76% so tham chiếu nhưng nguy hiểm hơn là rơi xuống 889,14 điểm, nghĩa là về mặt điểm số đã xuống thấp hơn đáy đầu tháng 2. Hàng loạt cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn giảm mạnh.

Rất may là TT hầu như chỉ giảm điểm mạnh do sức ép của các mã lớn, còn giao dịch không hoảng loạn. Nhịp rơi đầu tiên diễn ra khá nhanh và các CP phục hồi dần sau đó. Bản thân các mã kéo VN Index xuống nhiều nhất nói trên cũng phục hồi, nhưng mức hồi là quá yếu. Phiên này, TT tựu trung lại có hai diễn biến đáng kể nhất. Thứ nhất, sự phục hồi của VN Index sau khi đã chớm rơi xuống dưới mức đáy ngắn hạn. VN Index quay đầu đi lên khá tốt về cuối phiên và lại áp sát mốc 900 điểm để mất trong phiên kề trước. Chỉ số đóng cửa tại 898,44 điểm. Thứ hai, sự đảo chiều phục hồi của các CP cũng diễn ra trên diện rộng. Dẫu VN Index không phục hồi nổi qua tham chiếu thì vẫn là một ngày “đỏ vỏ xanh lòng”.

Ngược lại, có hai yếu tố khá bất lợi: Thứ nhất là TT vẫn chủ yếu cầm cự là chính, chứ không giao dịch một cách hưng phấn. So phiên kiểm tra đáy ngày 25-2 vừa qua thì khi VN Index điều chỉnh mạnh về đáy cũ, NĐT lao vào mua ồ ạt đẩy thanh khoản lên cao và giao dịch rất sôi động. Phiên này, TT phục hồi từ từ và thanh khoản chỉ xấp xỉ phiên ngày 26-2 đối với các giao dịch khớp lệnh. Có thể NĐT vẫn phản ứng một cách thận trọng.

Thứ hai là dòng vốn nước ngoài vẫn rút ra không ngừng nghỉ. Chỉ trong ba phiên đầu tuần qua khối NĐT nước ngoài đã rút ròng khỏi CP hai sàn khoảng 394 tỷ đồng và phiên này thêm hơn 200 tỷ nữa. Cho đến hiện tại, động thái rút vốn của NĐT nước ngoài chưa gây ra tác động lớn vì cả ba tuần cuối tháng 2, TT đã điều chỉnh rồi. Nhưng xu hướng này đã kéo dài từ cuối tháng 1 tới giờ vẫn chưa chấm dứt và đây có thể là đợt tái cơ cấu danh mục lớn ở TT Việt Nam.

Tính từ thời điểm ngày 31-1-2020 đến nay, với 19 phiên giao dịch, chỉ số VN Index đã để mất gần 40 điểm, tương ứng giảm hơn 4% và rơi xuống dưới mốc 890 điểm khi kết phiên 27-2. Bên cạnh áp lực bán trong nước, NĐT nước ngoài cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới TT khi liên tiếp duy trì trạng thái bán ròng hàng trăm tỷ đồng.

Sang 28-2, NĐT có vẻ không chịu nổi cú sốc lớn liên tiếp từ biến động của các TTCK quốc tế. Trước đó, trong ngày 27-2, dù TTCK thế giới giảm rất sâu thì VN Index vẫn tăng nhẹ. Thế nhưng sang phiên cuối tuần qua đã không thể có phép mầu nào tái diễn nữa.

TTCK Việt Nam vốn đang có sự tách biệt đáng kể với TTCK thế giới. Ngay cả khi TTCK Mỹ rời đỉnh bằng ba phiên lao dốc khủng khiếp thì TT trong nước vẫn khá ổn định. Dịch Covid-19 đang lan nhanh ra khắp thế giới và đến lúc này các TT phát triển ở châu Âu, Mỹ mới phản ứng chính thức. Nếu cứ nhìn vào việc cách ly tại Trung Quốc đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào thì kịch bản lặp lại ở Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu hay thậm chí là một phần nước Mỹ có thể tạo nên khủng hoảng.

Dưới áp lực quá lớn từ bên ngoài, TTCK Việt Nam đã không thể trụ vững. Mở cửa phiên cuối tuần qua, VN Index đã giảm 1,44% xuống 885,47 điểm, chính thức xuyên thủng đáy thấp nhất ngày 3-2. Đà giảm kéo dài sang tận buổi chiều với mức rơi sâu nhất 2,89% và chỉ số xuống 872,46 điểm trước khi xuất hiện nhịp phục hồi trở lại 882,19 điểm. Tuy nhiên, VN Index vẫn để mất 16,25 điểm (tương đương 1,81%) và vẫn thấp hơn đáy ngày 3-2. TT chịu sức ép mạnh từ các CP lớn bị bán tháo.

Dù có được một đợt phục hồi khá tốt trong nửa cuối phiên chiều 28-2, nhưng mức độ giảm giá vẫn còn rất lớn đối với CP lẫn chỉ số. Ảnh hưởng lớn nhất tới TT trong nước lúc này lại là diễn biến từ bên ngoài vì các TT phát triển ban đầu không phản ứng hoảng sợ với diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc. Nhưng khi dịch lan ra ngoài Trung Quốc thì tình hình trở nên hỗn loạn. Trong khi TTCK Trung Quốc đã phần nào ổn định, NĐT lại lo sợ trước các diễn biến từ Mỹ. Chuỗi phiên giảm mạnh chưa từng thấy ở các chỉ số CK Mỹ đã tác động mạnh đến tâm lý, vì mới chỉ phiên 27-2, TT trong nước vẫn còn cầm cự rất tốt.

Thêm nữa, yếu tố rút vốn của NĐT nước ngoài có khả năng gây áp lực mạnh. Phiên này mặc dù có cả yếu tố tái cơ cấu danh mục quỹ nhưng mức rút vốn ròng chỉ riêng sàn HoSE cũng đã lên tới gần 380 tỷ đồng. Chỉ riêng tuần qua, khối này đã rút ròng hơn 1.000 tỷ đồng nữa khỏi TT. Hiện tượng rút vốn liên miên này đã khiến CP blue chip dễ điều chỉnh hơn các mã nhỏ và chỉ số bị tác động phụ. Cơ hội để VN Index giữ được vùng hỗ trợ cuối cùng trong trung hạn tháng 1-2019 vẫn còn, nhưng khả năng là rất thấp nếu TTCK thế giới không sớm bình ổn trở lại.