Áp lực tâm lý

Cuối tuần qua, thông tin dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc đã khiến thị trường chứng khoán (TTCK) nước này mở cửa đã giảm gần 4%. Hàn Quốc có vai trò không hề nhỏ trong hoạt động sản xuất toàn cầu, cũng như có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Việt Nam. TTCK trong nước cũng lập tức phản ứng mạnh mẽ và nhà đầu tư (NĐT) bán tống bán tháo tất cả, bất chấp là blue chip hay penny, cổ phiếu (CP) cơ bản hay đầu cơ.

Thị trường thiếu thông tin tích cực khiến tâm lý nhà đầu tư bất an.
Thị trường thiếu thông tin tích cực khiến tâm lý nhà đầu tư bất an.

Tình trạng lan rộng của dịch Covid-19 sang các quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư mật thiết với Việt Nam đã khiến nỗi lo ngại trên TTCK tăng cao. Thật ra không chỉ Việt Nam, cả thế giới đang trải qua phiên đầu tuần, ngày 24-2, chao đảo. VN Index kết thúc phiên với mức giảm 3,19% tương đương 29,75 điểm. Mức giảm này vẫn chưa là gì, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3,87%. CK châu Âu trong phiên giao dịch châu Á đã báo hiệu một phiên rơi tự do khi các chỉ số hợp đồng tương lai đồng loạt giảm hơn 2%. Các chỉ số S&P 500 của Mỹ cũng báo hiệu đêm 24-2 giảm hơn 2%.

Tập hợp tất cả các yếu tố đó dẫn tới phiên giao dịch nguy hiểm của CK Việt Nam. Chỉ số VN30 Index đại diện các blue chip lớn nhất TT đóng cửa với mức giảm 3,62% cho thấy sức ép quá lớn từ các mã dẫn dắt. Có sáu mã giảm sàn trong nhóm này và tất cả còn lại đều giảm. Trong số các mã sàn, có hai CP ngân hàng (NH) là TCB và VPB.

VPB giảm sàn cực nhanh không có gì bất ngờ vì CP này còn đang trong xu thế đi lên như vũ bão gần ba tháng nay. Cho đến trước phiên này VPB còn ở đỉnh cao 19 tháng và chỉ tính từ đầu năm 2020 đã tăng 44%. NĐT càng có lý do để chốt lời bằng mọi giá. Giá trị giao dịch phiên này của VPB cao kỷ lục từ tháng 10-2018 với gần 222 tỷ đồng. Các CPNH khác đều giảm cực mạnh là BID giảm 6,46%, CTG giảm 5,61%, HDB giảm 4,05%, TPB giảm 4,93%. Những CP rất lớn còn lại cũng giảm ở mức độ choáng váng: GAS giảm 1,76%, VNM giảm 1,94%, SAB giảm 1,44%, VIC giảm 2,38%, VHM giảm 2,44%, VRE giảm 4,4%.

Trên cả hai sàn phiên này có tròn 80 CP giảm hết biên độ. Không chỉ có một số blue chip lớn, CP đầu cơ nhỏ và tầm trung giảm sàn rất nhiều. Chỉ số Midcap giảm 3,58%, Smallcap giảm 3,51% đều mạnh hơn chỉ số chính.

Mức giảm 29,75 điểm của VN Index thật ra chưa bằng mức giảm trong ngày đầu tiên TT mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết (hôm 30-1-2020) khi chỉ số rơi 31,88 điểm. TT phản ứng mạnh lần này có chút khác biệt so hôm 30-1. Khi lần đầu tiên TT sụt giảm dưới tác động của dịch Covid-19, thông tin cũng chưa rõ ràng cũng như các tác động của nó mới chỉ có thể ước đoán. Những biện pháp như cách ly, đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh... chỉ sau đó mới xuất hiện.

Lần này TT phản ứng quyết liệt hơn vì tin xấu “chồng” tin xấu. Trong khi cơ hội dập dịch, nối lại sản xuất, thương mại tại Trung Quốc còn chưa rõ ràng thì lại tới Hàn Quốc, thậm chí có nguy cơ lan rộng hơn nữa. Các biện pháp giám sát hay cách ly có nguy cơ mở rộng ra khắp các nước làm đình trệ mọi hoạt động sản xuất, thương mại xuyên biên giới. NĐT đã bán tống bán tháo CP suốt cả phiên này, khiến VN Index càng về cuối phiên rơi càng sâu, không giống hôm 30-1, TT vẫn còn phục hồi lại một chút lúc đóng cửa.

Thanh khoản phiên này tăng vọt cũng thể hiện nhu cầu bán rất lớn. Hai sàn giao dịch khoảng 5.892 tỷ đồng tổng giá trị, trong đó khớp lệnh khoảng 4.875 tỷ đồng. Mức giao dịch này lớn tương đương các phiên 30-1 và 31-1 vừa rồi. Như vậy điểm tích cực là vẫn có NĐT bắt đáy ở các phiên giảm sâu. Lần trước TT phải trải qua ba phiên lao dốc rất mạnh với thanh khoản tương đương phiên này mới dừng lại. Nếu khả năng này xảy ra thì gần như chắc chắn VN Index sẽ xuyên thủng đáy hôm 3-2 vì chỉ riêng mức giảm phiên này đã đẩy chỉ số sát trên mức thấp nhất hôm đó.

Bước vào phiên giao dịch sáng 25-2, lực bán tồn dư cuối phiên trước đã lan sang phiên lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), khiến chỉ số lao dốc, mất gần 10 điểm, về quanh 893 điểm. Nhưng tại thời điểm này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã kéo chỉ số này trở lại, thậm chỉ còn chớm xanh, trước khi thêm một lần nữa áp lực bán lại gia tăng, kéo chỉ số giảm mạnh trở lại, xuống ngưỡng 895 điểm.

Mặc dù vậy, TT vẫn chịu tâm lý từ bên ngoài, khi CK châu Âu và phố Wall đêm 24-2 có phiên bán tháo mạnh, cùng nhiều TTCK châu Á sáng 25-2 cũng chưa thể phục hồi... diễn biến trên bảng điện tử theo đó nhìn chung vẫn tiêu cực, khi có tới hơn 200 mã giảm, trong khi chỉ có gần 80 mã tăng, nhưng phần lớn các mã thanh khoản tốt lại đang giảm, thậm chí nhiều mã còn có thời điểm chạm giá sàn.

Sự không chắc chắn và thiếu thông tin tích cực khiến TT có thêm một nhịp về 895 điểm về giữa phiên, trước khi bật trở lại gần 900 điểm về cuối phiên, chủ yếu nhờ CTG, VNM, BID đã đứng vững giúp TT cân bằng trở lại.

Sang phiên chiều 25-2, đà tăng mạnh của nhiều mã CPNH vào cuối phiên đã tạo động lực cho tâm lý NĐT, kéo theo hàng loạt nhóm ngành xanh trở lại, đưa VN Index bứt lên trên tham chiếu và suýt trở lại mốc 910 điểm. Sự khởi sắc của nhóm CP có tỷ trọng lớn nhất TT với đầu tàu CTG tăng hết biên độ đã tạo động lực tâm lý khá lớn cho NĐT, dòng tiền theo đó chảy tự tin và lan tỏa khá tốt khiến sắc xanh/đỏ trên bảng điện tử đảo chiều so phiên sáng, với số mã tăng quay trở lại chiếm ưu thế, kể cả trong rổ VN30, qua đó, kéo VN Index lình xình quanh tham chiếu từ giữa phiên bật tăng lên gần 910 điểm khi đóng cửa.