Áp lực chốt lời

Sau ba phiên liên tiếp thiết lập các đỉnh lịch sử mới, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh từ đầu giờ sáng 6-4 khiến thị trường (TT) rung lắc mạnh. Lực cầu cũng  không còn quá hào hứng để đua mua giá cao và TT đã có sự phân hóa rõ nét. TT đã có một phiên “xanh vỏ, đỏ lòng”.

Áp lực chốt lời diễn ra mạnh trong phiên sáng 6-4 khiến thị trường rung lắc mạnh. Ảnh: NGUYỆT ANH
Áp lực chốt lời diễn ra mạnh trong phiên sáng 6-4 khiến thị trường rung lắc mạnh. Ảnh: NGUYỆT ANH

Trước đó, đà tăng vẫn rất mạnh mẽ trong phiên đầu tuần, ngày 5-4, nhưng tốc độ tăng nhanh cũng đang khuyến khích nhà đầu tư (NĐT) chốt lời. Số cổ phiếu (CP) quay đầu giảm giá đã nhiều hơn số tăng, nhưng blue chip vẫn giữ nhịp rất tốt cho chỉ số. Nhóm CP ngân hàng (NH) được trông đợi sẽ giao dịch mạnh mẽ phiên này. Nguyên nhân là cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép kéo dài thời gian trích lập dự phòng các khoản cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Diễn biến thực tế đã đúng với mong đợi này. Tuy mức tăng giá khác nhau nhưng cơ bản tất cả các CPNH đều tích cực. Nổi bật là VCB khi lần đầu sau hai tháng CP này có được phiên tăng vượt 4%. VCB đóng cửa với mức tăng 4,29% và cũng đạt thanh khoản lớn nhất kể từ đầu tháng 5-2020 với 3,59 triệu CP, tương đương 359,8 tỷ đồng giá trị. VCB dao động khá mạnh trong phiên, nhưng lực mua thắng thế. CP này chính thức giành lại mốc giá ba chữ số sau khi để mất hồi đầu tháng 3. 

Các mã CPNH còn lại cũng rất ấn tượng: EIB tăng 6,86%, CTG tăng 1,69%, HDB tăng 1,47%, MBB tăng 2,7%, BID tăng 1,22%, STB tăng 2,43%. Nhóm yếu hơn là TCB tăng 0,61%, VPB tăng 0,54%, TPB tăng 0,35%, ACB tăng 0,29%.

Bất ngờ nhất là SHB bên sàn HNX. Mã này trong phiên giằng co nhưng cuối phiên đột ngột bị xả khiến giá giảm sàn, mất 10%. Thanh khoản của mã này không lớn, chỉ khoảng 14,67 triệu CP, bằng một phần ba phiên cuối tuần trước, ngày 2-4. Như vậy, có thể NĐT đã ngại mua SHB do giá tăng quá gấp gáp trong khi lượng hàng muốn chốt quá nhiều. Mới chỉ sau bảy phiên SHB đã tăng tới gần 52%, còn từ đầu tháng 2 tới cuối tuần trước tăng 100%.

Ngoài VCB và nhóm CPNH, nhìn chung các CP lớn tăng ở mức ổn định: VIC tăng 1,06%, VHM tăng 0,99%, HPG tăng 0,51%, MSN tăng 0,32%. Đáng tiếc nhất là GAS lại giảm 1%, VNM giảm 0,1%. Hai mã này ảnh hưởng cũng không nhiều, nhưng vẫn là lực kéo lùi đối với chỉ số. 

Do nhu cầu giao dịch quá lớn, TT tiếp tục rơi vào trạng thái nghẽn lệnh. Phiên chiều 5-4, sàn HoSE chỉ khớp được gần 928 tỷ đồng, nhưng riêng phiên sáng cùng ngày đã đạt tới 14.076 tỷ đồng. Tổng hai sàn phiên này khớp lệnh giảm nhẹ 2%, đạt 17.404 tỷ đồng. 

Tình trạng nghẽn lệnh là điều có thể dự đoán được vì vẫn chưa có sửa đổi gì cho hệ thống giao dịch hiện tại. Do đó, NĐT sẽ tập trung giao dịch buổi sáng, chừng nào nghẽn lệnh thì dừng. Mặc dù vậy, phiên này vẫn có dấu hiệu chốt lời khá nhiều ở phần lớn số CP. Nhịp chốt đáng chú ý nhất cũng diễn ra trong buổi sáng kéo dài đến khoảng 11 giờ. VN Index trượt từ đỉnh cao 1.245,28 điểm xuống 1.228,18 điểm. Ở mức đáy này chỉ số chỉ còn trên tham chiếu 0,3%. Mức trượt giảm từ đỉnh cũng tới 0,74%...

Trên sàn HoSE, số mã giảm cũng nhiều hơn, trung bình cứ một CP giảm giá chỉ có 0,89 CP tăng giá. NĐT nước ngoài mua ròng 102,4 tỷ đồng tại rổ VN30 cũng là một yếu tố hỗ trợ tích cực. Từ sau khi VN Index vượt đỉnh, khối NĐT nước ngoài quay lại mua ròng rất nhanh. Cả sàn HoSE phiên này được mua ròng 123 tỷ đồng. MSN, HPG, VHM, STB, VJC, HDB, VRE được mua ròng tốt nhất tính theo giá trị. CTG bị bán ròng nhiều nhất với hơn 178,9 tỷ đồng.

Sau ba phiên liên tiếp thiết lập các đỉnh mới, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh trong phiên sáng 6-4 khiến TT rung lắc mạnh, trong khi đó lực cầu không còn quá hào hứng để đua mua giá cao như hai phiên và đã có sự phân hóa rõ nét. Diễn biến phân hóa khá diễn ra ở nhóm blue chip cũng như nhóm CP trụ đỡ. Chẳng hạn, tại nhóm CPNH, trong khi MBB, CTG, EIB, TCB, BID, VIB… tăng điểm từ đầu phiên, thì ACB, LPB, TPB, STB, VCB… lại giảm. Tương tự, trong khi các mã VIC, VRE, VH, VJC, BVH… tăng điểm, thì HPG, SSI, GAS, MSN, FPT, PNJ lại giảm điểm.

Sự phân hóa ở nhóm CP trụ khiến VN Index chưa thể bứt lên, nhưng điểm tích cực là dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào TT, giúp thanh khoản vẫn ở mức cao. Ở nhóm CP TT, sắc đỏ chiếm ưu thế khi áp lực bán gia tăng. Các mã thanh khoản cao hầu hết giảm điểm như FLC, ITA, SCR, HNG, TCH, HHS…

Sau phiên sáng rung lắc và thanh khoản đã gần chạm ngưỡng 15.000 tỷ đồng, TT bước vào phiên chiều đã nảy lên gần 1.240 điểm ngay sau khi bảng điện tử chạy, nhưng sau đó tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, khiến VN Index chỉ gần như biến động nhẹ quanh ngưỡng này cho đến khi đóng cửa. Lực bán sớm xuất hiện, tuy không mạnh nhưng lại trên diện rộng, trong khi lực cầu chỉ tập trung ở một số blue chip đã khiến TT có một phiên “xanh vỏ, đỏ lòng”, khi các mã giảm chiếm thế áp đảo, trong khi nhóm blue chip phân hóa và chỉ nhờ các mã lớn tăng tốt, trong khi giảm điểm chỉ với biên độ thấp đã giúp VN Index nhích lên...

Đóng cửa, sàn HoSE có 190 mã tăng và 248 mã giảm, VN Index tăng 3,91 điểm, lên 1.239,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 694 triệu đơn vị, giá trị 16.896,3 tỷ đồng, tương đương cả về khối lượng và giá trị so phiên đầu tuần.