Áp lực cắt lỗ quá mạnh

Sau phiên đầu tuần “đỏ lửa”, thị trường (TT) mở cửa phiên giao dịch ngày 4-6 trong sắc xanh khi nhiều mã blue chip cũng như cổ phiếu ngân hàng (CPNH), dầu khí (DK)... tăng điểm. Nhưng do sức cầu hạn chế, trong khi áp lực bán vẫn hiện hữu nên đà tăng không mạnh. Chỉ đến khi đóng cửa phiên, khi chỉ số lùi về gần ngưỡng 940 điểm đã kích hoạt lực cầu bắt đáy, giúp VN Index bật mạnh gần 8 điểm, vượt ngưỡng 951 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định, lực mua chỉ ở mức thăm dò, thanh khoản thị trường theo đó xuống thấp. Ảnh: NG.ANH
Tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định, lực mua chỉ ở mức thăm dò, thanh khoản thị trường theo đó xuống thấp. Ảnh: NG.ANH

Trước đó, TT tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, ngày 3-6, và diễn biến này không bất ngờ. Nhà đầu tư (NĐT) đã chịu đựng đủ áp lực trong dịp cuối tuần trước. Nhu cầu cắt lỗ tăng vọt đẩy VN Index rơi thẳng về đáy cũ 945 điểm. Phiên giảm này có tốc độ rất lớn do lực cắt lỗ quá mạnh xuất hiện ở rất nhiều CP trụ. VN Index vẫn là chỉ số dựa vào vốn hóa, nên khi hàng loạt CP lớn giảm 1-2% thì sức ảnh hường là rất lớn.

Diễn biến xấu nhất xuất hiện ở các CPDK và CPNH. Giá dầu liên tục giảm mạnh mấy ngày qua đã khiến CPDK mất điểm tựa. Phiên này, GAS đóng cửa giảm tới 2,78% sau khi vừa giảm 3,5% trong ngày thứ sáu tuần trước. Nhịp giảm kỷ lục hai phiên đã đẩy giá GAS tụt xuống đáy hai tháng. PLX giảm 2,85% là mức rơi sâu nhất trong 48 phiên. PVD rơi tiếp 5,08% sang phiên thứ hai liên tục.

CPNH chứng kiến TCB giảm tới 4,87%. VPB may mắn hơn, lúc đầu giảm 3,85% nhưng cuối phiên chỉ còn giảm 1,1%. Các mã CPNH còn lại rơi sâu: VCB giảm 1,04%, STB giảm 1,28%, MBB giảm 2,4%... Riêng EIB lại bất ngờ tăng 5,08% sau khi có tin chốt được ngày đại hội cổ đông.

Hai nhóm CP quan trọng này còn được “ủng hộ” bởi VHM giảm 1,71%, VRE giảm 2,87%, VNM giảm 1,16%, HPG giảm 1,87%... VN Index đóng cửa ngày đầu tuần để mất 13,41 điểm, tương đương 1,4%. Đây là mức giảm kỷ lục trong vòng một tháng của chỉ số này. VN Index dừng lại ở ngưỡng đóng cửa hôm 9-5 vừa rồi (ngày VN Index tạo đáy gần nhất) 947,01 điểm. Như vậy VN Index đã giảm về đáy cũ.

Mức biến động trong phiên này là rất lớn. VN Index không chỉ dừng ở 946 điểm mà có lúc đã rơi xuống tận 940,28 điểm, mức giảm tối đa là 2,04%. CP giảm giá rất mạnh. Ngay như nhóm VN30 cũng chứng kiến mức giảm tối đa tới 2,01%. Lực cầu bắt đáy đã xuất hiện khá mạnh ở đáy cũ của chỉ số. Phiên này thanh khoản tăng vọt lên gần 5.000 tỷ đồng tổng giá trị ở hai sàn. Riêng với giao dịch khớp lệnh, giá trị đạt cỡ 3.518 tỷ đồng. Nhiều CP giảm về đáy cũ nên đã xuất hiện thanh khoản rất cao. HPG sụt giảm 1,9%, tương đương mức đáy tháng 3 và tháng 4 vừa qua. HPG đạt giao dịch 12,3 triệu CP, cao kỷ lục trong hơn hai tháng. Cầu bắt đáy đã giúp CP bớt giảm sâu, nhưng chưa đủ để cải thiện một cách đáng kể. Nếu nhìn từ chỉ số VN Index, từ mức giảm 2,04% co về còn giảm 1,4%. VN30 Index từ mức giảm 2,01% còn giảm 1,39%. Mức phục hồi thoát đáy vẫn còn tương đối yếu.

NĐT nước ngoài phiên này bán ròng nhẹ nhưng thực chất là do có thỏa thuận lớn của SBT. Cùng lúc khối này cũng nhảy vào mua ròng lớn ở nhiều CP blue chip. Tiêu biểu là những mã: VNM, SSI, VRE, MSN được dòng vốn nước ngoài mua ròng mạnh. Đặc biệt VIC, MSN, VCB còn được khối này mua áp đảo trong thanh khoản của phiên. TT ngày một đuối sức về cuối phiên, khi bên nắm giữ ồ ạt xả hàng khiến VN Index lao và mất mốc 950 điểm khi đóng cửa. VN Index cuối cùng cũng điều chỉnh mạnh về đáy cũ hồi đầu tháng 5. Một lần nữa dòng tiền bắt đáy lại xuất hiện và đó là tín hiệu tích cực. NĐT tranh nhau cắt lỗ đã đẩy giá CP giảm rất sâu. Về lý thuyết, nếu NĐT thông minh đã bán ra lúc này có thể mua trở lại với mức chiết khấu giá 5-7%, thậm chí nhiều hơn.

Bước vào đầu phiên giao dịch sáng 4-6, VN Index lấy lại ngưỡng 950 điểm không mấy khó khăn sau ít phút mở cửa. Tưởng chừng đà tăng sẽ được giữ vững nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng (do đã năm phiên liên tiếp TT giảm điểm và nhiều nhóm CP đã rơi về vùng hỗ trợ, điển hình như nhóm CPDK) nhưng với sự thận trọng trở lại cùng nhiều TT lớn trong khu vực không mấy tích cực đã khiến lực bán quay trở lại đẩy VN Index lùi xuống dưới tham chiếu sau hơn một giờ giao dịch. Tín hiệu đảo chiều đến từ nhóm CP blue chip với hàng loạt cái tên lớn chìm trong sắc đỏ như: VIC, VHM, VCB, MSN, VJC; nhiều mã khác đang giằng co mạnh quanh mức giá tham chiếu như: SAB, BID, TCB.

Theo các chuyên gia, TT tiếp tục giảm điểm. Những dấu hiệu hiện rõ trên TT đều cho thấy rủi ro TT sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.

Sau nửa đầu phiên khó khăn và khi thủng 945 điểm thì nhóm CP blue chip, vốn hóa lớn đã đảo chiều, giao dịch tích cực hơn, cùng số mã tăng trên bảng điện tử chiếm ưu thế hơn, qua đó, đưa chỉ số VN Index dần hồi phục và trở lại mốc 950 điểm khi tạm nghỉ cuối phiên sáng. Mặc dù vậy, trên đồ thị có thể thấy đà đi lên là khá khó khăn khi tâm lý NĐT chưa ổn định, lực mua chỉ ở mức thăm dò, thanh khoản TT theo đó xuống thấp.

Trong phiên chiều 4-6, sự thận trọng của bên mua khiến TT giao dịch không mấy hào hứng, thậm chí VN Index có lúc rơi sâu xuống ngưỡng 943 điểm, xác lập mức đáy của ngày 943,21 điểm. Từ mức đáy này, lực cầu bắt đáy được kích hoạt, kéo VN Index lên lại mức tham chiếu, sau đó đà tăng được nới rộng thêm trong đợt ATC, giúp VN Index tăng 4,69 điểm, lên 951,16 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 3.350,07 tỷ đồng, giảm 26% so phiên đầu tuần.