Áp lực bán gia tăng

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 11-6, tâm lý thận trọng đã bao trùm thị trường (TT), cộng thêm áp lực bán trên diện rộng khiến VN Index nhanh chóng giảm điểm và có lúc đã thủng mốc 960 điểm. Áp lực bán gia tăng tại một số mã trụ, trong khi dòng tiền vào nhóm blue chip hạn chế khiến lực đỡ từ nhóm này suy yếu. VN Index theo đó dần đuối sức và quay đầu giảm điểm cuối phiên.

Áp lực bán tại vùng giá cao luôn hiện hữu, nhất là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ảnh: HẢI ANH
Áp lực bán tại vùng giá cao luôn hiện hữu, nhất là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ảnh: HẢI ANH

Trước đó, TT có lợi thế lớn trong phiên đầu tuần, ngày 10-6, để vượt qua ngưỡng quan trọng 960 điểm. Nhóm cổ phiếu (CP) blue chip tuy không mạnh đột biến, nhưng đủ sức đưa chỉ số vượt qua mốc này. VN Index đóng cửa phiên đầu tuần tăng nhẹ 0,48%. Tuy nhiên, TT xuất hiện nhiều CP giao dịch sôi động và khá ấn tượng. Bất ngờ lớn nhất phải kể tới SAB, CP vừa lập kỷ lục của nhóm blue chip khi tăng 3,5% trong tuần.

Cuối tuần trước, SAB đã vượt qua mức giá đỉnh năm 2019. Đến phiên này, SAB tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi tăng thêm 1,95% nữa và chính thức tạo đỉnh cao nhất của 18 tháng tại mốc 281.800 đồng/CP. Hành trình tiếp theo của SAB có thể là chinh phục nốt đỉnh cao lịch sử cuối tháng 11-2017 tại 330.000 đồng/CP. Kể từ đầu tháng 5 trở lại đây, SAB là blue chip tăng giá mạnh nhất với 17,8%. Cùng thời gian, chỉ số VN30 Index giảm 2,03%, VN Index giảm 1,71%. Thanh khoản của SAB phiên này cũng khá lớn, giao dịch 105.770 CP, tương đương 29,6 tỷ đồng. SAB tăng giá mạnh dĩ nhiên có ảnh hưởng tốt đến VN Index vì CP này lớn thứ 6 trong chỉ số.

Một CP khác cũng rất tốt là VCB, tăng giá 1,68%. CP này bất ngờ được khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua vào mạnh mẽ với 336.720 đơn vị trong tổng giao dịch 585.460 đơn vị. Tuy chưa phải là áp đảo nhưng việc mua vào quá nửa giao dịch trong khi VCB tăng giá trọn phiên cũng cho thấy lực cầu ngoại đã ủng hộ mạnh mẽ. Diễn biến giá của VCB không đặc biệt như SAB. VCB đã loanh quanh giá này cả tuần trước. Mặt khác, trừ VCB, CP ngân hàng nói chung không mạnh. Các CP lớn còn lại tăng chỉ ở mức trung bình. Đáng tiếc là TT mất đi lực đỡ của VHM giảm 0,24%, HPG giảm 0,22% và TCB giảm 0,46%.

Nhìn chung TT giao dịch ở mức ổn định trong phiên này. Chỉ có một số CP lớn thật sự mạnh. Tuy vậy, nhóm blue chip cơ bản là tăng giá. VN30 Index phiên này tăng 0,34%, yếu hơn VN Index một chút nhưng lực đẩy chính cho TT nói chung và chỉ số nói riêng vẫn đến từ rổ này là chủ đạo. Một yếu tố có thể được đánh giá cao phiên này là tuy TT không bùng nổ, nhưng mức tăng khá chắc chắn. Đây là lần đầu TT duy trì được hai phiên tăng rõ rệt liên tiếp. Trong ba tuần gần nhất TT hầu như chỉ tăng nổi một phiên, sau đó phải điều chỉnh giảm. Phiên này, VN Index tăng nối tiếp 4,62 điểm sau khi cuối tuần trước đã tăng 10,07 điểm.

Đóng cửa, VN Index đạt 962,9 điểm và không phải trong phiên đà tăng đều thuận lợi. Cũng có những thời điểm áp lực bán khá mạnh khiến TT rung lắc lớn. Cũng giống như các đợt rung lắc trong tuần trước, TT phiên này vượt qua với thanh khoản lớn hơn. Nói cách khác, NĐT đã tranh thủ lúc giá bớt tăng để mua vào. Sự thận trọng trở lại của dòng tiền đối với nhóm CP vốn hóa lớn và blue chip khiến VN Index giao dịch thiếu tích cực. Tuy nhiên, dòng tiền không rút ra mà chuyển hướng sang nhóm CP TT như: CCL, HQC, HAG, CTH. Trong kịch bản tích cực, nếu chỉ số bứt phá thành công qua vùng kháng cự này, thì đích đến tiếp theo sẽ là vùng hỗ trợ then chốt 977 - 983 điểm. Đây là vùng cản mạnh và được đánh giá là tương đối khó vượt qua ở thời điểm hiện tại. Do đó, cảnh báo khả năng quay đầu giảm điểm tại vùng kháng cự trên.

Bước vào phiên giao dịch sáng 11-6, VN Index chớm đỏ ngay khi mở cửa phiên. Mặc dù sau đó ít phút, chỉ số nỗ lực trở lại, nhưng sắc xanh không duy trì được lâu. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực mua tại vùng 960 điểm vẫn khá tốt, giúp VN Index không giảm sâu. Các nhóm CP giao dịch thận trọng trong biên độ thấp và thanh khoản chỉ ở mức trung bình, kể cả ở các mã CP lớn và blue chip. Sự bứt phá chỉ đến từ một vài CP đơn lẻ và chủ yếu là các mã CPTT.

Sau khi chạm ngưỡng 960 điểm, chỉ số nhích dần lên và chạm tham chiếu khi kết phiên sáng 11-6 với sự cân bằng lớn trên bảng điện tử về độ rộng TT. Trong đó, đáng kể là CCL. Kể từ phiên đầu tuần, bắt đầu ngày đăng ký mua hai triệu CP của Chủ tịch HĐQT CCL, CP này đã tăng kịch trần và tiếp tục giữ sắc tím trong phiên sáng 11-6 với thanh khoản hơn 770.000 đơn vị, gấp đôi cả phiên giao dịch đầu tuần. Tăng điểm không ấn tượng, nhưng cũng tích cực có HQC, AAA, KBC, HAG, CTH cùng CP lớn ngành thép HPG. Trong đó, HQC đang dẫn đầu thanh khoản với hơn 3,4 triệu CP được sang tay. Ngược lại, ROS đang là blue chip chịu áp lực lớn nhất, khi mất hơn 2,5%, khớp lệnh chỉ sau HQC với hơn 2,1 triệu đơn vị.

Sẵn đà hồi phục, VN Index tiến đến thử thách mốc 965 điểm trong phiên giao dịch chiều 11-6. Tuy nhiên, việc áp lực bán tại vùng giá cao luôn hiện hữu, nhất là tại nhóm CP vốn hóa lớn, nên VN Index nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại. Việc các mã trụ chịu sức ép lớn, trong khi sức cầu hạn chế khiến VN Index dần đuối sức và quay đầu giảm điểm cuối phiên. Đóng cửa, với 140 mã tăng và 157 mã giảm, VN Index giảm 0,83 điểm (-0,09%) về 962,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 136,38 triệu đơn vị, giá trị 3.178,06 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 17%% về giá trị so phiên đầu tuần.