Áp lực bán bất ngờ gia tăng

Sau hai phiên điều chỉnh đầu tuần qua, thị trường (TT) đã đảo chiều hồi phục. Mặc dù tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư (NĐT) khá thận trọng khiến TT vẫn còn những nhịp rung lắc, nhưng diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu (CP) blue chip đã làm trụ dẫn dắt đà tăng cho các chỉ số. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ gia tăng trong 15 phút giao dịch cuối phiên chốt tuần qua, ngày 21-6, đã khiến VN Index quay đầu và lùi về mốc tham chiếu.

Nhà đầu tư bắt đầu rót tiền vào mua mạnh hơn. Ảnh: N.Anh
Nhà đầu tư bắt đầu rót tiền vào mua mạnh hơn. Ảnh: N.Anh

Diễn biến phiên giao dịch ngày 20-6 hoàn toàn khác với phiên kề trước, bất chấp là TT thế giới có phần chùng xuống. TT Việt Nam lại ào ào hưng phấn, tiền vào tăng vọt. VN Index được đẩy tăng 9,49 điểm và áp sát mốc 960. Lực cản nhẹ từ VNM, SAB, HPG và MSN phiên này không khiến TT chậm lại bao nhiêu. Rất nhiều CP tăng giá, nhiều trụ khác cũng bật mạnh. VN Index có phiên tăng 1% đầu tiên sau gần hai tuần lao dốc. Các nhóm CP dẫn dắt quan trọng nhất của TT phiên này đều tăng. Trong các mã CP ngân hàng (NH), VCB trở nên ấn tượng nhất vì CP này đang có xu hướng tăng mạnh và vượt trội so các mã khác. CP dẫn dắt nhóm dường như có thêm động lực bứt tốc nhanh hơn sau khi vượt đỉnh 13 tháng hồi đầu tuần qua.

CPNH quay lại là nhóm dẫn dắt TT một cách kịp thời khi VN Index vừa trải qua lần thứ 3 chạm ngưỡng thấp nhất ba tháng ở 940 điểm. Dòng tiền vào nhóm này mạnh lên đáng kể với CTG vượt mức giao dịch 100 tỷ đồng phiên này. Nhóm CP lớn nhìn chung tăng đều tốt. Phiên tăng này có sự bất ngờ, vì TT không có thêm thông tin hỗ trợ đặc biệt nào. Trước đó, khi TT quốc tế tăng rất mạnh thì Việt Nam lại tăng nhẹ. Khi TT thế giới chững lại thì phiên này TT trong nước lại tăng tốc. Phiên này nhóm blue chip tăng khá đều và có dòng CP dẫn dắt nổi bật. Gần như trọn phiên này VN Index tăng. Khối lượng và giá trị giao dịch cũng tăng khá cao. Như vậy, NĐT bắt đầu rót tiền vào mua mạnh hơn. Tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt gần 4.789 tỷ đồng, tăng 28% so phiên trước.

Đặc biệt, phiên 20-6 là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 6, các CP blue chip, với điểm nổi bật là dòng CPNH đã giao dịch khởi sắc và lan tỏa ra nhiều nhóm CP khác như: xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, dệt - may… giúp TT bật cao. Chỉ số VN-Index vượt xa mốc 950 điểm để tiến sát ngưỡng kháng cự 960 điểm với mức tăng gần 10 điểm. TT cũng xác nhận dòng tiền chảy mạnh vào các CP blue chip. VNM giảm giá dưới áp lực bán lớn của NĐT nước ngoài nhưng thanh khoản cũng rất tốt, đạt hơn một triệu CP, tương đương 124,6 tỷ đồng. VHM tăng nhẹ cũng do bị khối nước ngoài xả 1,36 triệu CP. NĐT trong nước mua rất tốt, đẩy thanh khoản lên 1,56 triệu CP.

Sau phiên khởi sắc ngày 20-6, TT tiếp tục duy trì đà tăng và VN Index vượt qua ngưỡng 960 điểm trong sáng cuối tuần qua, ngày 21-6. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh và giao dịch chậm do NĐT thận trọng chờ các quỹ ETF chốt danh mục, thường vào đợt ATC. Đây cũng là thời điểm cuối cùng để các quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục trong kỳ quý II-2019, do vậy, TT được dự báo có thể xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh.

Dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế nhưng nhóm CP lớn vẫn là điểm tựa dẫn dắt cho đà tăng của TT. Chỉ số VN Index đang hướng tới ngưỡng kháng cự 965 điểm nhưng chưa thể thành công do sức cầu khá yếu. Đáng kể, điểm sáng của TT và cũng là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng trong phiên 20-6 là nhóm CPNH đã dần đuối sức trong phiên sáng 21-6 khi hầu hết chỉ còn nhích nhẹ, thậm chí HDB đảo chiều giảm; STB, MBB và EIB lình xình ở mốc tham chiếu. Trong khi lực cầu tham gia khá yếu thì áp lực bán có dấu hiệu gia tăng mạnh đã khiến TT dần hạ độ cao, thậm chí sàn HNX rung lắc và đảo chiều giảm về cuối phiên sáng.

Cũng như những đợt tái cơ cấu của các quỹ ETF, phiên chốt sổ ngày 21-6 trở nên sôi động hơn với những CP được các quỹ nước ngoài thêm bớt hoặc tăng giảm tỷ trọng. Đồng thời, đột biến cũng đã đến trong đợt khớp ATC khi áp lực bán gia tăng khiến TT quay đầu, tuy nhiên lực cầu khá tốt, với trụ đỡ chính là VNM đã giúp VN Index giữ vững mốc tham chiếu.

Bước vào phiên giao dịch chiều 21-6, TT vẫn lình xình đi ngang, chỉ số VN Index biến động nhẹ trên mốc 960 điểm. Tuy nhiên, kịch bản không khác nhiều so những lần cơ cấu trước đây. Áp lực bán bất ngờ gia tăng trong 15 phút giao dịch cuối phiên đã khiến VN Index quay đầu và lùi về mốc tham chiếu. Đóng cửa, sàn HoSE khá cân bằng với 131 mã tăng và 146 mã giảm, chỉ số VN Index nhích nhẹ 0,02 điểm lên 959,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,14 triệu đơn vị, giá trị 5.445,11 tỷ đồng, tăng 11,13% về lượng và 23,33% về giá trị so phiên 20-6. Giao dịch thỏa thuận đạt 33,18 triệu đơn vị, giá trị 1.420,11 tỷ đồng, trong đó riêng VHM thỏa thuận hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị 588,85 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1,75 triệu đơn vị, giá trị 221,73 tỷ đồng… Trong nhóm VN30 khá phân hóa với 15 mã tăng và 11 mã giảm. Đáng kể, VNM tiếp tục nới rộng biên độ, là điểm tựa chính giúp TT cân bằng. Kết phiên, VNM tăng 1,8% lên mức cao nhất ngày 125.500 đồng/CP với thanh khoản thanh mạnh đạt 2,61 triệu đơn vị.

Ngoài ra, trong “top 10” CP vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, tác động mạnh tới diễn biến của chỉ số chung TT, còn có MSN đảo chiều ấn tượng khi từ dưới mốc tham chiếu lên 84.000 đồng/CP, tương ứng tăng 1,8%. Trái lại, CP họ VinGroup có diễn biến thiếu tích cực. Ngoại trừ VHM nhích nhẹ 100 đồng/CP, còn VIC và VRE đều lùi sâu hơn và kết phiên tại mức thấp nhất ngày. Cụ thể, VIC giảm 1,29% xuống 114.500 đồng/CP, VRE giảm 1,72% xuống 34.300 đồng/CP.